Trao quá nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “VN đã trao quá nhiều công trình cho nhà thầu TQ. Với các dự án có các nhà đầu tư TQ tham gia, lợi ích nhóm chi phối mạnh trong khi “TQ là bậc thầy của mua chuộc, đút lót”. Việc này sẽ dẫn đến tình trạng có quá nhiều sơ hở và cuối cùng là phụ thuộc vào kinh tế TQ.
Trao quá nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc
Cuộc hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau”, do Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm qua tại Hà Nội, thu hút rất đông đại biểu và kéo dài ngoài dự kiến của ban tổ chức, với nội dung xoay quanh việc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất: Trung Quốc dừng các hoạt động giao thương với VN.
|
Trung Quốc có dám “chơi” ?
Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong hợp tác kinh tế Trung Quốc (TQ) đang có lợi hơn nhiều so với VN nên sẽ không “gây hấn” nghiêm trọng với VN trên mặt trận kinh tế vì nhiều lý do. Thứ nhất là quan hệ kinh tế Việt – Trung không chỉ đơn giản là quan hệ với các doanh nghiệp VN – TQ mà còn là quan hệ với các tập đoàn lớn, xuyên quốc gia của thế giới như Canon, Samsung… Thứ hai, TQ đang có nhiều lợi ích hơn trong quan hệ với VN, hàng trăm ngàn người TQ có việc làm, dù là nhỏ với dân số nước này nhưng cũng là nguồn đảm bảo ổn định xã hội. Thứ ba là VN cơ bản vẫn tham gia luật chơi đàng hoàng, bằng các cam kết pháp lý như cam kết WTO mà TQ là thành viên, thì không dễ gì xóa bỏ các cam kết ấy. Cuối cùng, nếu TQ gây hấn thì hình ảnh của TQ cũng xấu đi trên thị trường quốc tế, với nhiều đối tác.
|
“Tôi không nghĩ là TQ không dám “chơi mạnh” với VN”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phản ứng. Bà Lan nói: “Có thể với các công ty đa quốc gia thì TQ ngần ngại, nhưng với doanh nghiệp VN đừng nghĩ họ có thể tha. Vì ngay với cam kết quốc tế, luật Biển quốc tế rõ ràng đến thế họ còn làm (trái) được nữa là việc vi phạm các quy định WTO, FTA”. Với nhận định này, bà Lan khuyến cáo: “Tỷ trọng thương mại, đầu tư của TQ vào VN là nhỏ, lợi ích nhỏ, họ sẵn sàng chịu, chứ ảnh hưởng với ta là đau hơn nhiều. Cho nên mình phải chuẩn bị tình huống xấu hơn”.
Lũng đoạn ngành cơ khí
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN (VAMI) đã đưa ra một bức tranh về sự lũng đoạn của nhà thầu TQ với ngành cơ khí: “Từ năm 2003 đến nay, nhà thầu TQ làm tổng thầu 5/6 dự án hóa chất; 2/2 dự án chế biến khoáng sản; 49/62 dự án xi măng; 16/27 dự án nhiệt điện… Nhưng hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, rất nhiều công trình chậm đến 2 – 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều, một số phải thay thế. Nhà thầu TQ cũng hay thay đổi thiết bị, tiêu chuẩn vật liệu so với cam kết ban đầu… nên trúng thầu với giá thấp nhưng rồi lại đội giá lên”.
Theo ông Chủ tịch VAMI, việc lũng đoạn và hầu như nhập toàn bộ dây chuyền, thiết bị, máy móc… để thực hiện dự án của các nhà thầu TQ là nguyên nhân khiến tỷ lệ nhập siêu của VN từ nước này quá cao. Một phần nguyên nhân của tình trạng trên là luật Đấu thầu của VN hiện vẫn ưu tiên các nhà thầu bỏ giá thấp mà chưa chú trọng đến xuất xứ, chất lượng của thiết bị. Một nguyên nhân khác là chủ đầu tư, nhất là Tập đoàn điện lực VN, thiếu vốn, phải nhờ các nhà thầu TQ thu xếp tài chính từ nguồn vay tại nước này với lãi suất thấp để triển khai dự án.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “VN đã trao quá nhiều công trình cho nhà thầu TQ. Với các dự án có các nhà đầu tư TQ tham gia, lợi ích nhóm chi phối mạnh trong khi “TQ là bậc thầy của mua chuộc, đút lót”. Việc này sẽ dẫn đến tình trạng có quá nhiều sơ hở và cuối cùng là phụ thuộc vào kinh tế TQ. Do đó, cần công khai minh bạch hơn nữa và làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc để nhiều nhà thầu TQ nắm quá nhiều công trình quan trọng, nhất là các dự án về năng lượng”. Ông Doanh cũng cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung luật Đấu thầu và các luật có liên quan (như về cho thuê rừng và đất rừng) để giám sát các dự án mà nhà thầu nước ngoài, nhất là TQ, tham gia.
Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN, cũng cho biết ngành dệt may lệ thuộc khá nhiều về nhập khẩu nguyên liệu từ TQ, như năm 2013 nhập xơ sợi từ nước này chiếm 47%, vải 46%… trong khi tỷ lệ nội địa hóa lại giảm còn 47,1% so với 48,5% năm 2012. Theo bà Dung, quan hệ kinh tế hai bên xấu đi, các doanh nghiệp ngành dệt may cũng phải tìm đối tác khác để nhập nguyên liệu, phòng tránh rủi ro thiếu nguồn cung nguyên liệu.
Là người bán, VN có thể chọn đối tác
Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, cần phải đẩy nhanh hơn việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… nhằm mở rộng thị trường cho các ngành hàng xuất khẩu: dệt may, giày dép, thủy sản… “Chơi với ai để có thể chuyển giao kỹ năng quản lý, công nghệ mới là cái chốt để VN vươn lên, quản trị tốt hơn. Chúng ta cần phải uyển chuyển hơn nữa trong quan hệ thị trường”, ông Thành nói.
Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) Nguyễn Hồng Hải cho rằng hiện nay VN nhập siêu, nhập lậu quá nhiều hàng hoá từ TQ nên cần quyết liệt hơn trong các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thuế và cần có giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực để giảm nhập siêu từ thị trường này. Ông Hải phân tích: Nền kinh tế của VN cũng có những thế mạnh, ở vị thế người bán như các mặt hàng về gạo, cà phê, cao su… nên hoàn toàn có thể lựa chọn, tự chủ về đối tác, thị trường… chứ không nhất thiết phải lệ thuộc vào TQ.
Sự kiện biển Đông khiến người Việt chuộng hàng Việt hơn Tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai cuộc vận động Người VN ưu tiên dùng hàng VN, nhiều báo cáo nhận định xu hướng người tiêu dùng VN ngày càng đánh giá cao hàng Việt. Tại nhiều địa phương, 80% người tiêu dùng ưa chuộng các mặt hàng dệt may, da giày nội địa. Hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước có hàng hóa sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn trên 80% (hệ thống Big C gần 90%, Saigon Coop 95%, Vinatex mart 100%). Tại hệ thống các điểm bình ổn thị trường (trên 9.000 điểm) gần 90% là hàng sản xuất trong nước. Bà Lê Thị Ngọc Đào, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, kiến nghị Bộ Công thương có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt về thuế và phí, ngoài ra có chính sách để khống chế chiết khấu, giúp các nhà cung cấp VN vào được hệ thống siêu thị nước ngoài, bởi yêu cầu chiết khấu rất cao đang là một trong những chiêu để các hệ thống siêu thị này gạt các nhà cung cấp nhỏ khỏi cuộc chơi. Đặc biệt, theo bà Đào, sau sự kiện biển Đông, hàng hóa Trung Quốc về chợ đầu mối đã giảm hẳn, người tiêu dùng đang ưu tiên lựa chọn hàng Việt nhiều hơn. Mai Hà
|
Mạnh Quân