27/11/2024

Người lao động phải sống được ở quê nhà

“Ai cũng mơ ước một cuộc sống an vui, dù nội hàm an vui mỗi người mỗi khác. Khi từ biệt quê hương lên đường mưu sinh, họ mang theo một giấc mơ đổi đời. Thế rồi giấc mơ đó mau chóng gặp phải những rủi ro không thể lường trước”…

 Người lao động phải sống được ở quê nhà

“Ai cũng mơ ước một cuộc sống an vui, dù nội hàm an vui mỗi người mỗi khác. Khi từ biệt quê hương lên đường mưu sinh, họ mang theo một giấc mơ đổi đời. Thế rồi giấc mơ đó mau chóng gặp phải những rủi ro không thể lường trước”...

 

Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc – Ảnh: P.VŨ

Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc – phó trưởng khoa nhân học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM – trầm ngâm nói sau khi đọc loạt bài “Đau xót nạn bóc lột lao động nhà quê” trên Tuổi Trẻ. Ông đang thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, khảo sát xung quanh đối tượng công nhân, người lao động như: “Xuất cư đối với an sinh hộ gia đình”, “Quản lý rủi ro của người công nhân ở các khu công nghiệp”, “Vì sao công nhân khổ?”, “Bàn chuyện “an cư lạc nghiệp” của người nhập cư”… Trong quá trình nghiên cứu các công trình này, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc thực hiện hàng ngàn cuộc khảo sát, phỏng vấn sâu với những người lao động trong môi trường làm việc tại nơi mưu sinh và cả ở quê hương của họ.

* Trước hết, ông có thể đi từ việc phân tích nguyên nhân người lao động buộc phải “tha phương cầu thực” để đến nỗi bị bóc lột tàn tệ…

– Do tính nông nhàn của hoạt động nông nghiệp quá cao, thiếu việc làm nên ngoài lực lượng lao động vào các thành phố lớn để tìm việc làm ổn định, cơ hội nhập cư, còn xuất hiện một lực lượng lớn lao động di cư theo mùa vụ. Bên cạnh đó, sự chênh lệch giàu nghèo, khác biệt về mức sống giữa nông thôn và thành thị luôn là động lực thúc đẩy nông dân tìm đến đô thị để mưu sinh.

Nhiều lần đi thực tế ở miền Trung, miền Bắc, tôi thấy nghịch lý: ruộng đất bỏ hoang, thiếu người làm, đến mùa, chủ ruộng phải thuê công lao động với giá rất cao. Năm ngoái, tôi còn thấy Khu công nghiệp Dung Quất, Quảng Ngãi treo băngrôn kêu gọi người lao động về đóng góp cho gia đình, quê hương. Nhưng rồi lao động vẫn xuất cư. Nguyên nhân chính là nhu cầu lao động ở các khu vực này không ổn định. Những việc làm ổn định, thu nhập tốt đòi hỏi trình độ học vấn, nghề nghiệp được đào tạo, còn những nơi không đòi hỏi thì không có việc làm liên tục, thu nhập không đủ sống… Từ đó người lao động phải di cư theo mùa để vào thành phố bán rong, vào Tây nguyên hái cà phê. Tôi cho rằng những người lao động bị bóc lột, bị lừa bán được đề cập trong các bài báo mà Tuổi Trẻ nêu nằm trong số này.

* Những người lao động ông gặp lấy đâu làm điểm tựa trên đường mưu sinh?

– Chúng tôi có một cuộc khảo sát, thống kê rất kỹ về chủ đề này. Kết quả cho thấy mạng lưới xã hội, mạng lưới thân thuộc, phi chính thức như gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng hương đóng vai trò rất lớn trong việc người lao động quyết định xuất cư và chọn lựa công việc khi đến thành thị cũng như hỗ trợ nhau trong rủi ro.

Mỗi người có một bước ngoặt sẽ làm xoay chuyển cuộc mưu sinh của mình. Ở những địa phương chúng tôi tìm hiểu, vào dịp tết người lao động thường đậu tiền, tổ chức một buổi tiệc “ăn xóm”. Ở đó họ gặp gỡ, hỏi thăm nhau, tìm cơ hội việc làm hoặc đổi việc. Chính lúc đó họ quyết định ra đi. Hình thức tự phát này được nhiều người ưa thích vì không đòi hỏi giấy tờ, bằng cấp như khi đến các trung tâm giới thiệu việc làm, thời gian chờ việc ngắn… Theo nhận xét của tôi, mạng lưới phi chính thức này đang hỗ trợ người lao động rất hiệu quả.

Những người đơn lẻ bị bắt cóc, bị lừa bán không có bước chuẩn bị này. Có thể họ xuất thân ở vùng ít có người lao động xuất cư, có thể mạng lưới quan hệ xã hội của họ hẹp, hiểu biết về hoàn cảnh, xã hội kém hoặc cũng có thể họ chọn nhầm mạng lưới hỗ trợ kiểu như tin một ông xe ôm khi bước chân xuống bến. Trong số này có nhiều người chưa đến tuổi lao động, đây là đối tượng bị bóc lột dã man nhất. Chúng tôi gọi đó là người lao động cô đơn.

* Trong một nghiên cứu, ông có nhận xét người lao động, công nhân trước đây vất vả, nay càng vất vả và khốn khổ hơn. Những phóng sự điều tra của báo Tuổi Trẻ trong nhiều năm cũng chứng minh như vậy. Chúng ta có thể phân tích sâu hơn về lý do không?

– Không thể phủ nhận những đóng góp của người lao động xuất cư với nơi họ nhập cư và cả quê hương của mình. Nhiều người đã đóng góp rất nhiều cho gia đình, quê hương mình. Những khoản tiền họ gửi về quê trở thành giấc mơ đổi đời cho những người khác.

Để đổi lấy điều đó, họ phải tằn tiện, sống ở mức rất thấp của thành thị. Nếu nhìn lại và so sánh với những người đồng cảnh như vậy trong lịch sử, người lao động xuất thân từ nông thôn ngày xưa còn có mảnh vườn, thửa ruộng chờ đợi ở quê nhà. Người lao động bây giờ không có ruộng đất nữa. Lên thành phố, họ bơ vơ mưu sinh, khi mất việc, về quê lại cũng bơ vơ, thất nghiệp… Họ là những người nghèo đa diện: nghèo đất ở quê, nghèo trình độ để đi làm, nghèo vốn sống, quan hệ xã hội, thiếu khả năng ứng phó với những tình huống bất trắc, rủi ro trong cuộc mưu sinh.

* Theo ông, nên giúp họ thế nào, cung cấp cơ hội, thông tin để họ ra đi hay cung cấp việc làm để họ ở lại quê nhà?

– Từ việc sử dụng mạng lưới hỗ trợ phi chính thức, người lao động thường tìm đến những nơi sử dụng lao động là hộ gia đình, tư nhân. Họ ký hợp đồng miệng, quy định lao động tự đặt, bị ép lương thấp, không bảo hiểm, không quyền lợi… Khu vực kinh tế hộ gia đình này là một lỗ hổng rất lớn trong quản lý nhà nước vì ít nhân công, không tạo ra làn sóng đình công để gây chú ý, nhưng đây là nơi người lao động bị o ép nhất.

Quan niệm của người chủ sử dụng lao động thường coi người làm công như đầy tớ, ở tầng lớp thấp hơn mình, không có quan hệ bình đẳng, từ đó sinh ra tình trạng bóc lột. Đã có “cò” đi thu gom lao động ở quê, nay lại có những người lừa bán họ như một món hàng… Như vậy, phải xác định việc đầu tiên là không thể trông đợi vào lòng tốt, lương tâm của chủ sử dụng lao động dù vẫn có những người rất tốt, mà phải có cơ chế pháp lý để giám sát thường xuyên khu vực kinh tế hộ gia đình nhằm bảo vệ người làm việc ở đây.

Thứ hai, việc tư vấn, cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cần được thực hiện ngay từ ở địa phương, nơi diễn ra “bước ngoặt trong cuộc mưu sinh” của người lao động. Mỗi năm, chính quyền địa phương nên có những nghiên cứu, tìm hiểu và trình bày cho người dân một bức tranh về cơ cấu nghề nghiệp, tránh “tính mùa vụ” trong chọn nghề.

Thứ ba, trên thực tế những lao động xuất cư đa số mang tâm lý “đi làm ít lâu rồi về”, ai có điều kiện, cơ hội tốt mới ở lại thành phố. Ai cũng mong được trở về quê hương, nhưng về một thời gian không có việc làm, cơm ăn thì họ lại đi.

Để giải quyết vòng luẩn quẩn này phải có một cơ chế đồng bộ ở tầm quốc gia. Tỉ trọng nông nghiệp, công nghiệp phải được tính toán kỹ. Chính quyền địa phương phải tìm cách giải bài toán: tài nguyên (đất) dư ra và lao động thiếu hụt. Tùy theo điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, truyền thống để tìm ra hướng sản xuất, tạo việc làm cho người địa phương. Theo kinh nghiệm của tôi, các dự án nông nghiệp, kỹ nghệ phát triển từ truyền thống dễ thu hút lao động địa phương hơn.

 

Các trường dạy nghề ở địa phương cũng cần đặt trọng tâm khai thác đặc điểm truyền thống, thế mạnh của địa phương mình, không đào tạo máy móc theo cơ cấu chung để rồi học viên lại không tìm được việc làm. Vừa rồi tôi có đến một trường trung cấp tư nhân ở Hố Nai (Biên Hòa, Đồng Nai), họ đào tạo những nghề rất thiết thực như nghề mộc – nghề truyền thống ở khu vực – rồi ký với nước ngoài để xuất khẩu sản phẩm, xuất khẩu cả lao động… Đó là một mô hình rất tốt để người lao động sống được trên quê hương mình.