Tin vui từ những thí sinh đặc biệt
Đó là “nấm lùn” học giỏi Võ Thị Thanh Thảo, là Trương Huỳnh Ngân – người được thầy viết đơn kêu cứu, là cặp đôi học trò nghèo hiếu học ở Thừa Thiên – Huế…
Tin vui từ những thí sinh đặc biệt
Hai bài báo về Trương Huỳnh Ngân và Võ Thị Thanh Thảo trên Tuổi Trẻ ngày 25-3 và 9-7 |
Đó là “nấm lùn” học giỏi Võ Thị Thanh Thảo, là Trương Huỳnh Ngân – người được thầy viết đơn kêu cứu, là cặp đôi học trò nghèo hiếu học ở Thừa Thiên – Huế…
Điểm chung của những tân sinh viên này là nghị lực, quyết tâm vượt qua nghịch cảnh để hiện thực hoá ước mơ của mình. Tuy nhiên, đường đến giảng đường của các em vẫn còn không ít gập ghềnh.
Chưa hình dung sắp tới sẽ như thế nào
Chiều 11-8, Võ Thị Thanh Thảo (thôn Lộc Phước, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, nhân vật trong bài báo “Thí sinh “nấm lùn” học giỏi” - Tuổi Trẻ ngày 9-7) gọi điện thông báo tin mừng đã đậu vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM). Thảo dự thi vào ngành tâm lý học và đạt 20 điểm, cộng thêm số điểm ưu tiên là 21 điểm (điểm chuẩn ngành này 20 điểm).
“Tối hôm biết điểm đậu ĐH, ba mẹ con em không ngủ được, vừa mừng vừa lo” – Thảo thật thà nói. Chỉ tiếc là ông Võ Đông Liêm (ba Thảo) không ở bên con gái để chúc mừng. Thảo cho biết ba phải lặn lội trong rừng đi phát rẫy thuê, tìm nấm để làm kế sinh nhai cho gia đình nên không thể liên lạc được.
“Đến hồi có sóng điện thoại, ba điện về hỏi thăm sức khỏe mới biết em đậu ĐH, ba cười khà khà chúc mừng em. Rồi ba nói để ba vô rừng ráng kiếm thêm ít nấm về bán lấy tiền cho em đi học ở Sài Gòn” – Thảo xúc động kể.
“Nấm lùn” Võ Thị Thanh Thảo cũng đang rất lo lắng bởi ngoài Thảo còn có chị gái đang học năm 4 ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Trong khi mọi nguồn thu nhập của gia đình chỉ dựa vào những chuyến đi rừng của ba và gánh bánh bột lọc của mẹ với số tiền mỗi ngày chỉ khoảng 70.000-80.000 đồng.
“Thực lòng em không hình dung sắp tới sẽ học hành, sinh hoạt như thế nào ở nơi xa xôi là Sài Gòn. Chân em vẫn bị đau vì sau lần phẫu thuật chưa tháo ốc vít, lại không có người quen ở Sài Gòn. Bao gánh nặng lại đổ lên vai ba mẹ” – Thảo tâm sự.
Mong một chỗ ở phù hợp
Những ngày này, nhiều học sinh và giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đang hòa chung niềm vui trúng tuyển đại học của Trương Huỳnh Ngân (lớp 12 chuyên văn – nhân vật trong bài viết “Thầy viết đơn kêu cứu cho học trò”, Tuổi Trẻ ngày 25-3).
Cô học trò dáng người nhỏ nhắn đã mạnh mẽ vượt qua nỗi đau của căn bệnh ung thư máu quái ác để viết tiếp ước mơ lên giảng đường đại học. Ngân thi khối D và đậu vào ngành ngữ văn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) với số điểm 18 (chưa nhân hệ số).
Ngày Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn công bố điểm chuẩn, niềm hạnh phúc vỡ òa trong căn nhà nhỏ chỉ với ba thành viên là Ngân và cha mẹ. Thế nhưng giữa lúc đó gia đình lại phải đối mặt với những quyết định khó khăn.
Liệu Ngân có nên đi học tiếp hay không bởi lẽ Ngân sẽ ở đâu, ai sẽ chăm sóc em, liệu rằng cha mẹ có đủ khả năng vừa nuôi Ngân ăn học vừa lo trị bệnh cho em… Những câu hỏi đặt ra khiến cha mẹ và cả Ngân chưa thể quyết định.
Hiện tại gia đình vẫn đang tìm kiếm chỗ ở cho em. “Chúng tôi vẫn chưa tìm được một chỗ ở phù hợp với tình hình sức khỏe của cháu. Nếu ở ký túc xá thì không tiện cho Ngân nhưng thuê phòng trọ ở ngoài thì không có người chăm sóc, chi phí lại cao” – bà Huỳnh Thị Hồng Hạnh, mẹ Ngân, nói.
Thầy Bùi Chí Hiếu (nguyên hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) – người từng viết đơn xin lãnh đạo Sở GD-ĐT Vĩnh Long xem xét cho Ngân được thi tốt nghiệp – cho biết trong những ngày qua thầy rất vui khi nhận được tin Ngân đậu đại học.
“Tôi từng nói Ngân sẽ không phụ lòng mọi người và em đã làm được điều đó. Và tôi tin nếu được tạo cơ hội, em có thể làm được nhiều điều kỳ diệu hơn” – thầy Hiếu nói.
Thầy Hiếu và một vài người bạn đang vận động để tìm học bổng giúp Ngân có thêm kinh phí nếu được đi học tiếp. Còn thầy Nguyễn Hồng Phước – hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm – cho biết nhà trường rất tự hào về thành tích của Ngân.
Và nếu em được đi học tiếp thì nhà trường sẽ cố gắng trong khả năng của mình để có thể hỗ trợ Ngân.
Đeo đuổi ước mơ Nguyễn Công Đạt, cậu học trò nghèo lớp 12A2 Trường THPT Phú Lộc (thị trấn Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) trong bài viết “Đi học mới thoát kiếp nghèo” trên Tuổi Trẻngày 7-7, đã đậu vào khoa điện tử viễn thông Trường ĐH Bách khoa TP.HCM với 22,5 điểm. Ngay sau khi thi đại học trở về, Đạt tin rằng mình sẽ đậu đại học nên cật lực kiếm tiền. Hầu như ngày nào Đạt cũng ở trong khu rừng dưới chân núi Bạch Mã. Mẹ và cả bà nội tuổi đã ngoài 70 vẫn đi làm giúp việc cho người khác để kiếm tiền nuôi ba Đạt bị bệnh nằm liệt giường, trong khi một người anh Đạt cũng đang học ĐH Bách khoa TP.HCM. Cùng có chung hoàn cảnh như Đạt, Nguyễn Cư – học sinh lớp 12B3 Trường THPT Thuận An (Thừa Thiên – Huế), nhân vật trong bài viết “Cư và chuyện ngoài phòng thi tốt nghiệp” trên báo Tuổi Trẻ ngày 2-6, cũng đã đậu vào ngành vật lý Trường đại học Khoa học Huế. Cư là nỗi lo lớn nhất của thầy cô, vì mẹ em chỉ có một mình em nhưng lại đang bị bệnh ung thư, nằm liệt ở nhà. Cậu bé nghèo khổ ấy vẫn nung nấu một giấc mơ cháy bỏng: “Có lẽ bốn năm đại học sẽ là một quãng đường dài đối với em. Nhưng em luôn mơ ước trở thành một nhà nghiên cứu khoa học về vật lý”. |
ĐOÀN CƯỜNG – THÚY HẰNG