27/11/2024

Nguy cơ mất nhiều thương hiệu nông sản Việt

Hiện chỉ mới có 3 địa danh là nước nắm Phú Quốc, chè xanh Mộc Châu và cà phê Buôn Ma Thuột được công nhận có chỉ dẫn địa lý tại châu Âu. Đó là một kết quả quá ít ỏi dù thực tế đã có không ít thương hiệu Việt từng bị chiếm mất ở nước ngoài.

 

Nguy cơ mất nhiều thương hiệu nông sản Việt

 

Hiện chỉ mới có 3 địa danh là nước nắm Phú Quốc, chè xanh Mộc Châu và cà phê Buôn Ma Thuột được công nhận có chỉ dẫn địa lý tại châu Âu.

 
Nhiều nông sản nổi tiếng Việt chưa được đăng ký chỉ dẫn địa lý hay bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài – Ảnh: D.Đ.M

 

Đó là một kết quả quá ít ỏi dù thực tế đã có không ít thương hiệu Việt từng bị chiếm mất ở nước ngoài.

Tuy nhiên, cả 3 thương hiệu trên đều từng bị chiếm tại nước ngoài. Với chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc, tuy được bảo hộ tại 28 nước trong khối EU, nhưng vẫn bị tranh chấp tại Thái Lan và hiện là Trung Quốc. Giữa năm 2011, một công ty tên là Việt Hương, trụ sở đặt tại Hồng Kông, đã đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc (kèm logo là hình con cá cơm và bản đồ VN có vẽ dấu hiệu chỉ đến vị trí đảo Phú Quốc) tại Trung Quốc.

Tương tự, chỉ dẫn địa lý “cà phê Buôn Ma Thuột” cũng từng bị một công ty ở Trung Quốc chiếm thương hiệu, sau gần 1 năm Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đấu tranh mới lấy lại được thương hiệu. Tuy nhiên, chỉ dẫn địa lý này hiện bị từ chối đăng ký bảo hộ tại các nước Mỹ (do Công ty Rice Field Corporation đăng ký bảo hộ từ năm 2003), Đức, Anh, Canada (do Starbucks Corporation đăng ký bảo hộ từ năm 1998), Hàn Quốc (do cá nhân đăng ký từ năm 2005) và Nhật. Không những bị mất chỉ dẫn địa lý, nhiều thương hiệu nổi tiếng của VN cũng từng và đang gặp tranh chấp tại nước ngoài như  Bưu chính viễn thông VN (VNPT), kẹo dừa Bến Tre, mì gói Vifon, võng xếp Duy Lợi, bia Sài Gòn, thuốc lá Vinataba… Nhiều trường hợp chủ sở hữu phải tốn không ít tiền của, công sức để đi đòi lại.

Bà Karine Lutnaes Aigner, một chuyên gia tư vấn cấp cao về sáng chế công nghiệp đến từ Na Uy,  nhận xét: “Ngay các sản phẩm trái cây, giống gạo, nông sản nói chung rất nổi tiếng của VN và được một số thị trường nước ngoài biết đến, nhưng các chủ sở hữu vẫn chưa nhận thức được sự cần thiết của việc đăng ký chỉ dẫn địa lý hay bảo hộ thương hiệu”. Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ phía nam, cảnh báo tình trạng xuất khẩu ồ ạt qua đường tiểu ngạch sẽ đẩy nguy cơ tranh chấp quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý sau này cao hơn. Việc đăng ký ra nước ngoài không quá khó bởi thị trường xuất khẩu nông sản chính của VN chủ yếu tập trung tại Mỹ, Nhật, Trung Quốc và châu Âu. Ông Bình khuyến cáo: “Với các thương hiệu nông sản, vai trò của các địa phương, Sở Khoa học – Công nghệ và các hiệp hội hết sức quan trọng trong việc xúc tiến đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Bởi đó là tài sản chung của địa phương đó”.

 

Nguyên Nga