27/11/2024

Nhà nước Hồi giáo nguy hiểm hơn cả al-Qaeda

CNN cung cấp số liệu cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) là một mối đe doạ an ninh đối với Trung Đông và phương Tây còn lớn hơn cả al-Qaeda.

Nhà nước Hồi giáo nguy hiểm hơn cả al-Qaeda

CNN cung cấp số liệu cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) là một mối đe do an ninh đối với Trung Đông và phương Tây còn lớn hơn cả al-Qaeda.

Các tay súng IS ở Syria – Ảnh: Business Insider 

CNN dẫn lời một số nhà phân tích khẳng định IS có sức mạnh quân sự lớn hơn hẳn al-Qaeda của ông trùm Osama Bin Laden trước đây. Hồi đầu tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf khẳng định cần phải tiêu diệt các thủ lĩnh IS, chặn đứng nguồn cung tài chính của tổ chức này.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cho rằng phương Tây cần một chiến lược cụ thể và toàn diện để chống lại IS, bởi tổ chức này đang đe dọa không chỉ Iraq hay Syria mà cả Libăng và các nước khu vực.

Dưới đây là những thách thức mà phương Tây phải đối mặt khi đối phó với IS.

IS có lãnh thổ rộng lớn

Chỉ trong tám tháng, IS đã kiểm soát một vùng rộng lớn phía tây và phía bắc Iraq, rồi mở rộng sự hiện diện tại bắc Syria. Hiện IS đang sở hữu vùng lãnh thổ lớn hơn cả diện tích Jordan (khoảng 91.880km2). Ngược lại, al-Qaeda không hề kiểm soát bất kỳ vùng lãnh thổ nào ngoại trừ các trại huấn luyện ở các vùng hoang vắng ở Afghanistan.

IS đang kiểm soát nhiều thành phố lớn ở Iraq và Syria cùng các giếng dầu, có khí tài hùng hậu sau khi chiếm giữ được các kho vũ khí của quân đội Iraq và Syria. Với các vùng lãnh thổ này, IS có căn cứ vững mạnh để vươn vòi bạch tuộc ra khắp khu vực.

IS có tiền, nhân lực, vũ khí

Khác với các tổ chức cực đoan khác, IS có lượng vũ khí cực lớn và rất nhiều binh sĩ. Tổ chức Quan sát nhân quyền Syria ước tính chỉ trong tháng 7, IS đã chiêu mộ được 6.300 tay súng với 80% là người Syria và phần còn lại là người nước ngoài.

Chính phủ Mỹ cho biết IS có tổng cộng 15.000 tay súng. Tuy nhiên các nhà phân tích Iraq cho rằng con số thực tế có thể cao gấp ba. Một số lượng lớn các tay súng đến từ châu Âu, Úc và các nước Liên Xô cũ. Washington ước tính khoảng 100 công dân Mỹ đã gia nhập IS.

IS sử dụng mạng xã hội và báo mạng Dabiq để chiêu mộ các thanh niên cực đoan. Các nhà phân tích cũng cho biết IS có chiến thuật quân sự cực kỳ nghiêm ngặt để chống quân đội Iraq ở cùng lúc nhiều mặt trận. IS thường triển khai các nhóm vài chục phiến quân tấn công theo đợt và sẵn sàng chấp nhận thương vong.

IS kiểm soát các cửa khẩu tại Syria, Iraq và đây là nguồn thu ngoại tệ lớn. Nhóm này còn cướp phá nhiều ngân hàng ở các thành phố chúng chiếm được. Ước tính mỗi ngày IS thu được 2 triệu USD từ các nhà máy lọc dầu tại bắc Iraq. Chúng cũng chiếm giếng dầu al-Omar ở Raqqa (Syria).

Theo các nguồn tin phương Tây, rất nhiều người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Jordan, Syria và Saudi Arabia đã cung cấp vốn cho ISIL (Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông, tiền thân của IS) hoạt động trong giai đoạn đầu tiên. Các tay súng ISIL còn tự kiếm tiền bằng những hành vi như buôn lậu, bảo kê, bắt cóc đòi tiền chuộc… Các chuyên gia kinh tế ước tính ISIL sở hữu khối tài sản khoảng 2 tỉ USD.

Kiểm soát toàn diện

Giới phân tích cho biết IS cực kỳ tàn bạo với kẻ thù. Nhóm này thường xuyên chặt đầu các binh sĩ Syria và xử tử thường dân người Hồi giáo Shiite cũng như binh sĩ Iraq. Việc bêu đầu kẻ thù nhằm tạo ra một bầu không khí khủng bố, kinh hoàng. Tổ chức Giám sát nhân quyền (HW) ước tính IS đã xử tử khoảng 700 thành viên bộ tộc Sheitaat  ở vùng Deir al-Zour tại Syria.

Tuy nhiên IS cũng tỏ ra linh hoạt hơn al-Qaeda tại Iraq. Tổ chức này đã cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và bảo vệ an ninh cho dân cư Hồi giáo Sunni ở Syria nhằm mua chuộc lòng người. Tạp chí Foreign Policy cho biết IS cho phép các quan chức địa phương ở Syria và Iraq tiếp tục giữ vị trí quản lý các bệnh viện, cơ quan luật pháp, các dịch vụ công cộng…

Tại các thị trấn như Raqqa, al-Bab và Manbij (Syria), IS thể hiện rõ năng lực quản lý hiệu quả. Viện Nghiên cứu chiến tranh cho biết tại các khu vực này, IS mở rộng dịch vụ cho người dân, cung cấp thiết bị để sửa chữa hạ tầng như đường điện, hệ thống xử lý rác thải…

Chính quyền Iraq bối rối

Giới phân tích cho rằng sự yếu kém của chính quyền Iraq là lý do khiến IS liên tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng tại quốc gia này. Cựu thủ tướng Nouri al Maliki áp dụng các chính sách phân biệt đối xử với người Hồi giáo Sunni, khiến họ nổi giận và ủng hộ IS. Tân thủ tướng Haidar al-Abadi sẽ phải thực hiện nhiệm vụ hàn gắn sự bất đồng giữa người Hồi giáo Shiite và Sunni.

Một số lãnh đạo Sunni đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác với ông al-Abadi nếu ông này chấp nhận chia sẻ quyền lực trong chính phủ cho người Sunni. Người Kurd ở Iraq cũng cho biết sẽ cho ông al-Abadi cơ hội hợp tác.

Cộng đồng quốc tế cần chung sức

Giới chuyên gia đánh giá để chống IS, Iraq và phương Tây cần chung sức và lập liên minh. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu một liên minh như vậy có đủ ý chí và sự gắn kết để đối phó với IS hay không. Mỹ vẫn ngần ngại không muốn mở rộng sự can thiệp quân sự vào Iraq. Trước đó chính quyền Tổng thống Barack Obama đánh giá việc chấm dứt can thiệp vào Iraq là một thành công lớn.

Một số nhà phân tích quân sự Mỹ cho rằng Washington cần phải đưa 10.000-15.000 quân tới Iraq để chống IS. Ở Syria, CNN đánh giá các nước phương Tây và khu vực cần ưu tiên mục tiêu tấn công IS thay vì loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad.

Chuyên gia Brian Fishman thuộc tổ chức New American Foundation nhận định chống IS sẽ không thể là chuyện một sớm một chiều, mà đòi hỏi nỗ lực và chiến lược lâu dài.

SƠN HÀ