27/11/2024

Mỹ nói chưa có thông tin về IS tấn công khủng bố.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã gây bất ngờ khi tuyên bố một số tay súng IS bị bắt giữ tại Iraq khai nhóm khủng bố này đang lập kế hoạch đánh bom tại các nhà ga tàu điện ngầm ở Paris và một số thành phố tại Mỹ.

 

Mỹ nói chưa có thông tin về IS tấn công khủng bố

Dù vậy, Mỹ và Pháp vẫn tăng cường an ninh tại các trạm tàu điện ngầm, các đầu mối giao thông.

 

Máy bay chiến đấu F-18E Super Hornet của Mỹ tiếp nhiên liệu trên không sau khi không kích. Viện Thái Bình Dương ước tính chi phí cho cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq sẽ lên đến 10 tỉ USD mỗi năm - Ảnh: AFP
Máy bay chiến đấu F-18E Super Hornet của Mỹ tiếp nhiên liệu trên không sau khi không kích. Viện Thái Bình Dương ước tính chi phí cho cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq sẽ lên đến 10 tỉ USD mỗi năm – Ảnh: AFP

Theo Reuters, hôm qua máy bay Mỹ và liên quân tiếp tục bắn phá các cơ sở dầu khí và căn cứ của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở tỉnh Deir al-Zor thuộc miền đông Syria.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết liên quân muốn cắt đứt nguồn tài chính nuôi cỗ máy chiến tranh của IS.

Trong đợt đánh bom rạng sáng 26-9, 12 nhà máy lọc dầu cỡ nhỏ ở Syria đã bị phá hu. Bộ chỉ huy trung ương Mỹ ước tính các nhà máy này đem về cho IS 2 triệu USD/ngày.

Trong khi đó, ông Gilles de Kerchove, người phụ trách cơ quan chống khủng bố Liên minh châu Âu, cảnh báo hiện số công dân châu Âu gia nhập IS đã tăng lên hơn 3.000 người.

Ông cảnh báo việc Mỹ và liên quân không kích IS làm tăng nguy cơ phiến quân Hồi giáo tấn công khủng bố các mục tiêu châu Âu. Các nhóm cạnh tranh với IS như Al-Qaeda cũng có thể tìm cách tấn công phương Tây nhằm lấy lại uy tín.

Bên lề Đại hội đồng LHQ ở New York, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã gây bất ngờ khi tuyên bố một số tay súng IS bị bắt giữ tại Iraq khai nhóm khủng bố này đang lập kế hoạch đánh bom tại các nhà ga tàu điện ngầm ở Paris và một số thành phố tại Mỹ. “IS có một mạng lưới quốc tế khổng lồ. Đừng nên đánh giá thấp chúng” – Thủ tướng al-Abadi nhắc nhở.

Đáp lại, nhà chức trách Mỹ tuyên bố chưa nhận được thông tin về âm mưu tấn công khủng bố. Dù vậy, chính quyền New York và Los Angeles đã tăng cường an ninh tại các trạm tàu điện ngầm.

FBI cho biết đang phối hợp với các cơ quan tình báo đánh giá nguy cơ này.

Trước đó Chính phủ Pháp đã ra lệnh thắt chặt an ninh các đầu mối giao thông và địa điểm công cộng sau vụ một du khách Pháp bị hành quyết ở Algeria.

Cực chẳng đã!

Người Hồi giáo nói chung và Ả Rập nói riêng không thiếu những chuyện bất hòa, thậm chí đánh nhau chí tử. Nhưng mỗi khi có chuyện xung khắc với “người ngoài” thì truyền thống đạo lý bao che, đùm bọc người đồng đạo và đồng dân tộc thường nổi lên, có khi bất chấp phải trái.

Bởi thế, việc năm quốc gia Ả Rập cùng tham gia với Mỹ đánh Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria có thể coi là điều hi hữu.

Đây là lần thứ hai có một tập thể Ả Rập tham gia liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu, thực hiện hành động quân sự ngay trên lãnh thổ của một quốc gia Ả Rập.

Lần trước là chiến dịch “Bão táp sa mạc” đầu năm 1991, diễn ra trên lãnh thổ Kuwait để đánh đuổi quân đội Iraq. Khi ấy, các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh thật sự cho rằng nếu để Saddam Hussein chiếm đóng Kuwait thì rồi sẽ đến lượt họ bị Iraq thôn tính.

Còn một sự kiện cá biệt nữa là Qatar tham gia chiến dịch của NATO oanh kích Libya năm 2011, giúp xóa sổ chế độ của Muamar Qaddafi.

Thật ra, diễn biến của cuộc vận động liên minh do Mỹ trực tiếp tiến hành đối với khối Ả Rập không phải dễ dàng đầu xuôi đuôi lọt. Có nhiều lý do khiến các quốc gia Ả Rập và cả Thổ Nhĩ Kỳ do dự.

Trước hết là tâm lý “cùng anh em Hồi giáo với nhau”. Nhưng bởi Al-Qaeda và IS đều đã công khai coi các chế độ Ả Rập hiện nay là “phản đạo” cần phải xóa bỏ, thì tất cả các chính quyền Ả Rập và một bộ phận quan trọng giáo sĩ Hồi giáo đã không chấp nhận hai tổ chức khủng bố này là Hồi giáo nữa.

Vấn đề tồn tại hiện nay là quan niệm về “khủng bố” và “cực đoan” để xác định mục tiêu mà liên minh quốc tế phải nhắm tới. Mỹ cho rằng IS và Mặt trận Nusra (Al-Qaeda tại Syria) là “khủng bố”. Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) lại coi cả phong trào Anh em Hồi giáo cũng là “khủng bố”.

Riêng Qatar vừa bênh vực Anh em Hồi giáo, vừa có mối quan hệ “rất đặc thù” với nhóm Mặt trận Nusra. Chả thế mà Qatar đã giúp giải thoát một số con tin nước ngoài (Pháp và Libăng) đã bị Mặt trận Nusra bắt cóc.

Mỹ đã mất khá nhiều thời gian tiếp xúc với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh để thống nhất xác định mục tiêu phải đánh tại Syria. Có thể nói đến “giờ G” của chiến dịch đêm 22-9, cũng chưa thể đạt được thống nhất hoàn toàn. Bởi thế, có thể nói không quân Ả Rập chỉ đánh vào các mục tiêu của IS. Còn Mặt trận Nusra và nhóm Khorasan (của Al-Qaeda) thì chỉ có một mình Mỹ đánh phá.

Lấn cấn tiếp theo khiến khối Ả Rập do dự là băn khoăn khi đánh vào lãnh thổ Syria mà không được phép của chính quyền Damascus. Mỹ biện bạch rằng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad “đã mất hết tính hợp pháp” từ khi dùng súng đạn để trấn áp đẫm máu các cuộc nổi dậy chống đối của dân chúng.

Các quốc gia Ả Rập tham gia liên minh của Mỹ đều không ưa gì chính quyền Damascus và đều có thể chấp thuận “cái lý” mà Mỹ viện ra. Nhưng họ vẫn “lăn tăn” dè chừng một ngày nào đó, Mỹ cũng viện cớ này để dùng vũ lực đánh vào chính họ?

Còn một điều “khó nói” nữa. Đó là cuộc chiến chống IS dường như đang làm xao nhãng sự quan tâm của Mỹ đến “vai trò của Iran” trong khu vực – điều mà các chính quyền Ả Rập vùng Vịnh rất lo ngại. Người Ả Rập còn dè chừng khả năng Mỹ mượn cớ “vận động Iran vào liên minh chống IS” để cải thiện quan hệ với chính quyền Tehran, điều mà người Ả Rập không mong muốn.

Lo ngại của Ả Rập vùng Vịnh không phải là thiếu cơ sở. Đúng ngày mở màn không kích IS tại Syria thì thủ đô Sanaa của Yemen cũng hoàn toàn rơi vào tay lực lượng vũ trang của bộ tộc al-Hauthi theo dòng Shiite mà khối Ả Rập vùng Vịnh vẫn coi là một đồng minh của Iran, tương tự như Hezbollah ở Libăng.

Sự kiện “Sanaa thất thủ” này được giới truyền thông Ả Rập coi là “một nhát dao Ba Tư cắm vào lưng người Ả Rập vùng Vịnh”!

Nhưng dù thế nào thì cũng phải loại bỏ IS. Với triết lý cực đoan của mình, những hành động tàn bạo mà IS thực thi tại các khu vực do chúng kiểm soát ở Syria và Iraq cho thấy chúng không tha một ai, nếu người đó không chấp nhận làm “con dân” của “Nhà nước Hồi giáo” và không chịu suy tôn “đấng al-Khalifa” Abu Bakr Al-Baghdadi (thủ lĩnh của IS).

Nếu không tham gia diệt IS thì rồi nhóm khủng bố này cũng sẽ lan tràn sang tất cả các quốc gia trong khu vực, bất kể đó là Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran.

Người Ả Rập, nói chính xác hơn là các chính quyền Ả Rập, vì thế cực chẳng đã khi phải tham gia vào một liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu để chống lại một thực thể cùng dân tộc Ả Rập và cùng đạo Hồi với họ!

NGUYỄN NGỌC HÙNG