15/01/2025

Phải là nhu cầu tự thân

Thứ bậc không được cải thiện của Việt Nam trong báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới được công bố gần đây đặt ra câu hỏi hoài nghi về kết quả cải cách thủ tục hành chính trong những năm gần đây.

Phải là nhu cầu tự thân

Thứ bậc không được cải thiện của Việt Nam trong báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới được công bố gần đây đặt ra câu hỏi hoài nghi về kết quả cải cách thủ tục hành chính trong những năm gần đây.

Đến nay, nhiều vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai, xây dựng… vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: KINH LUÂN

 

“Liệu có tiêu cực gì ở đây không?” Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đột ngột đặt câu hỏi như vậy với hàng trăm đại biểu là lãnh đạo 19 bộ, ngành và 63 chính quyền địa phương về dự lễ công bố chỉ số cải cách hành chính do Bộ Nội vụ tổ chức vào đầu tháng.

Không có câu trả lời chính thức nào cho câu hỏi này, dù lãnh đạo Bộ Nội vụ khăng khăng với báo chí sau đó là không thể có chuyện “chạy chọt”. Ông Phúc có lý do để hỏi. Kết quả cải cách hành chính, dù mới công bố lần thứ hai, là thước đo chính để đánh giá năng lực điều hành của người đứng đầu đơn vị nhà nước đó.

“Tốc độ cải cách hành chính của chúng ta chậm, nhiều vướng mắc của người dân và doanh nghiệp chưa được xử lý đến nơi đến chốn, thời gian kéo dài, như đất đai, hải quan, thuế, xây dựng… Thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công, đội ngũ cán bộ công chức là ba khâu yếu kém nhất, gây cản trở cho phát triển nói chung, nhất là cho môi trường đầu tư kinh doanh. Chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc điều này”, ông thừa nhận.

Chỉ một ngày trước đó, WEF công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu xếp Việt Nam ở vị trí 68 trong tổng số 144 nền kinh tế. Thứ hạng của Việt Nam chỉ cải thiện đôi chút (tăng 2 bậc so với năm ngoái), và thấp hơn hầu hết các quốc gia khác trong ASEAN như Thái Lan tăng 6 hạng, xếp thứ 31; Indonesia tăng 4 hạng, lên thứ 34; Philippines tăng 7 hạng, ở vị trí 52… Vị trí thấp của Việt Nam trong báo cáo của WEF từng gây ám ảnh cho nhiều nhà lãnh đạo trong Chính phủ đến nỗi vào năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn được chỉ đạo nghiên cứu một bộ chỉ số đo lường năng lực cạnh tranh quốc gia riêng với mong muốn phủ nhận kết quả của WEF. Đề án “duy ý chí” ấy vẫn chỉ trên giấy, và Việt Nam, rốt cuộc, đã phải công nhận các tiêu chí của quốc tế khi đặt ra chuẩn mực trung bình của ASEAN 6 để hướng tới trong năm 2015 như Nghị quyết 19 của Chính phủ công bố hồi đầu năm nay.

Cải cách hành chính phải là nhu cầu tự thân để cải thiện cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp, hơn là phong trào tô điểm.

Điểm số của Việt Nam trong các báo cáo năng lực cạnh tranh của WEF, hay môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đều không có tiến triển vượt bậc trong mấy năm gần đây. Bản thân điều này đặt ra câu hỏi: Rốt cuộc, đề án cải cách thủ tục hành chính (Đề án 30) mang lại điều gì cụ thể cho doanh nghiệp và người dân? Đề án từng được ca ngợi là “đột phá” này có thực sự tiết kiệm được cho người dân và doanh nghiệp số tiền khoảng 5.700 tỉ đồng/năm (tương đương 300 triệu đô la Mỹ/ năm) khi đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính? Và còn rất nhiều câu hỏi liên quan khác nữa.

Có vô số lý do để đặt những câu hỏi này. Tình huống của Nguyễn Mạnh Hùng, một giảng viên đại học ở Hà Nội, là một. Chỉ sau khi đổi xong giấy phép lái xe ô tô ở Sở Giao thông Vận tải Hà Nội gần đây một cách tương đối thuận lợi, anh mới biết lẽ ra giấy phép đó có thể được tích hợp vào giấy phép lái xe máy. Chiếc ví của anh hàng ngày vẫn dầy cộp, nặng trĩu với đủ loại giấy tờ cá nhân như giấy phép lái xe máy, giấy đăng ký xe máy, giấy phép lái xe ô tô, giấy đăng ký ô tô và các giấy tờ liên quan, chứng minh thư nhân dân, các loại thẻ tín dụng…

Câu chuyện của Trần Thắng, một phóng viên kinh tế ở Hà Nội, còn bế tắc hơn. Để giúp người mua làm sổ đỏ cho ngôi nhà hương hỏa anh vừa bán ở quê nhà Thanh Hóa, Thắng cần lựa chọn một trong hai thủ tục, theo tư vấn của luật sư. Hoặc là ra phường nơi anh có hộ khẩu ở Hà Nội để lấy giấy xác minh thân nhân, chứng tỏ anh là con đẻ của mẹ anh (người đứng tên trong sổ đỏ và đã mất) hoặc gửi bản sao giấy khai sinh về Thanh Hóa. Với phương án thứ nhất, cán bộ phường không đồng ý cấp giấy xác minh thân nhân vì điều này đã được ghi trong sổ hộ khẩu. Còn phương án thứ hai, anh đã không còn giấy khai sinh gốc để gửi về. Mà việc làm lại giấy khai sinh là rất khó khăn do anh sinh ở Thanh Hóa, nhưng sinh sống ở Hà Nội đã lâu. Tóm lại là loay hoay mãi gần cả năm nay. Điều này làm người mua nhà rất sốt ruột vì không thể chứng minh cho ngân hàng là họ vay tiền để mua nhà. “Thủ tục nhiêu khê như thế làm mình cứ như người lừa đảo người mua nhà”, anh nói.

Câu chuyện cái ví dầy cộp và cái sổ đỏ chưa thành như trên rất phổ biến ở Việt Nam. Nó tiếp tục làm nản lòng giới đầu tư, và gây chán chường cho người dân. Gần đây, Chính phủ một lần nữa lại ra Nghị quyết 19 và Chỉ thị số 24 về cải cách thủ tục hành chính với những yêu cầu rất cụ thể để mong đạt được tiêu chuẩn của ASEAN 6. Những đề án này, một lần nữa, đang được tuyên truyền rầm rộ như cách của Đề án 30 được tuyên truyền bốn năm trước.

Song, cũng có người trong cuộc thấy cải cách thủ tục hành chính thật sự còn nhiều chông gai. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đã phải đính chính lại tỷ lệ 80% người dân hài lòng về thủ tục hành chính mà họ đang thụ hưởng, theo một khảo sát gần đây. Ông nói: “Không, không có tỷ lệ đó” và giải thích thêm: “Chúng tôi đặt mục tiêu 60% vào năm 2015, và 80% vào năm 2020”. Đó là mục tiêu. Còn thực tại, thì Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ khi mà hầu hết các đối thủ cạnh tranh, nhất là trong ASEAN, vẫn đang tiến nhanh về phía trước.