27/11/2024

“Những kẻ khó ưa”

Đừng nghĩ làm lớp trưởng là sướng, được ưu ái nhiều, mà ngược lại, sẽ gặp không ít áp lực, những nỗi niềm buồn vui xen lẫn.

 

“Những kẻ khó ưa”

Đừng nghĩ làm lớp trưởng là sướng, được ưu ái nhiều, mà ngược lại, sẽ gặp không ít áp lực, những nỗi niềm buồn vui xen lẫn.

Sợ “chức”

 
Để gắn kết một lớp “chín người mười ý” thành một tập thể đoàn kết không phải là nhiệm vụ dễ dàng với người cán sự lớp - Ảnh: T.N

Nguyễn Quỳnh Như, lớp trưởng lớp 11 hoá 1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa-Vũng Tàu), cho biết mỗi học sinh có lượng bài vở như nhau, do đó khi làm ban cán sự, là “đầu tàu” của lớp, sẽ phải cố gắng hết mình để hoàn thành cả hai nhiệm vụ là việc học và quản lý lớp, vì thế gặp rất nhiều áp lực và khó khăn.

Tuy là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, như ví von của nhiều thủ lĩnh lớp, phải lo mọi thứ: giấy tờ, tiền bạc, thay giáo viên chủ nhiệm xử lý nhiều tình huống khẩn cấp… nhưng trong mắt các thành viên của lớp, lớp trưởng đôi khi bị xem là “người không công bằng”, thủ quỹ được ví là “chuyên gia đòi tiền”, lớp phó học tập bị gán biệt danh “chảnh cho”, lớp phó kỷ luật thì được xem là “kẻ khó ưa vì hay phạt người khác”…

Làm cán sự lớp, gặp vô số tình cảnh dở khóc dở cười. Trần Trúc Quỳnh, học sinh lớp 11A9, Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) cho biết rất sợ “chức” bí thư lớp hiện tại, vì nhiều khi lên tiếng mà chẳng ai chịu nghe, huy động tham gia các hoạt động, làm báo tường… chẳng ai quan tâm. Vậy là có lúc ngay trong thời điểm thi cử phải tự xoay xở vừa vẽ vừa viết hàng chục bài vì sợ mất điểm thi đua của lớp. Tuy nhiên, khi sản phẩm hoàn thành lại bị nhiều thành viên chê thậm tệ.

Trần Tú Song, lớp trưởng lớp 12A9, Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), kể khi lớp vô kỷ luật, giờ chào cờ chẳng ai chịu xếp hàng, chỉ muốn ngồi ở phía dưới, vậy là lớp trưởng “lãnh đủ”, bị giáo viên phê bình.

Thế nhưng khi lớp bị trường phê bình, xếp hạng thi đua thấp, những thủ lĩnh lớp vừa bị giáo viên chủ nhiệm la, vừa bị các thành viên trong lớp đổ lỗi… tại ban cán sự quá tệ.

Kiêm “chuyên gia tâm lý”

Đấy là chưa kể nhiều khi cán sự lớp còn phải kiêm luôn nhiệm vụ “chuyên gia tâm lý” hòa giải những xung đột. Phạm Lê Minh Khang, Bí thư lớp 12 chuyên Văn, Phó bí thư Đoàn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa-Vũng Tàu), kể lớp có 30 nữ, 2 nam, để hiểu hết tính tình mỗi thành viên, rồi gắn kết lại là một chuyện khá phức tạp và đau đầu. Có lần các thành viên xích mích, Minh Khang phải nỗ lực giảng hoà.

Làm cán sự lớp ở bậc THPT đã khó, nhận trách nhiệm này khi lên ĐH còn khó gấp bội phần khi phải chèo lái tập thể đầy cá tính.

Phạm Quốc Đạt, Phó bí thư lớp K53CLC1, Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, cho biết vì lớp học đông, nên để làm hài lòng tất cả, giúp lớp thành một khối thống nhất rất khó. Có lần lớp tổ chức đi dã ngoại và chụp hình, nhưng chín người mười ý, lựa chọn những địa điểm khác nhau khiến ban cán sự vô cùng khó xử, phải thuyết phục mãi cả lớp mới thống nhất một phương án.

Nguyễn Lê Nhật Trâm, Bí thư lớp 12 Anh 1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa-Vũng Tàu), chia sẻ đôi khi cán sự lớp làm đúng trách nhiệm quá thì lại bị bạn bè không ưa vì nghĩ mình ra mặt, lạm quyền.

Theo Huỳnh Anh Khoa, Lớp trưởng lớp K53CLC1 của Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, để trở thành một cán sự xuất sắc cần rất nhiều yếu tố như: nhiệt tình, năng động, chịu được áp lực, sống có trách nhiệm, phải quyết đoán, biết lắng nghe ý kiến của người khác, phải đồng cảm để thấu hiểu tính cách, khả năng của từng thành viên trong lớp…

 

Bình luận

“Làm cán sự lớp không hề sung sướng. Vì tội lớn tội nhỏ thì ban cán sự đều phải gánh chịu hết. Việc to việc nhỏ thì ban cán sự cũng phải làm”. Nguyễn Ngọc Sơn(Bí thư lớp Cử nhân tiếng Pháp, Bí thư khóa 38 Học viện Ngoại giao VN)

“Làm lớp trưởng nói riêng và cán sự lớp nói chung rất khổ, nhưng vì tập thể nên phải cống hiến hết mình. Rất mong tập thể lớp đoàn kết và hãy hiểu hơn cho ban cán sự”. Trần Anh Quân (Lớp trưởng lớp DH28HT02, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)

“Cán bộ lớp nhiều khi giải quyết quá nhiều việc, mọi thứ cứ loạn lên, đầu óc muốn nổ tung, phải có thời gian biểu hợp lý để tránh bỏ bê việc học tập hay là quên mất nhiệm vụ được giao”. Đặng Quỳnh Anh (Lớp phó lớp Anh 26 CTTTKT K53 Trường ĐH Ngoại thương)

 

 

Khi người ta trẻ: Tình bạn

Trước ngày sinh nhật, gọi mời hết danh sách bạn bè cùng lớp THPT, đứa không nghe máy, đứa từ chối. Ừ thì có lẽ mọi người bận công việc.

Ngày sinh nhật, chẳng nhận được dù chỉ một lời chúc mừng. Làm sao bạn bè có thể quên được nhỉ, khi “mãi mãi là bạn của nhau, và đừng quên những ngày sinh nhật của các thành viên” là lời hứa mà mọi người đều chắc chắn sẽ thực hiện vào lúc chia tay năm cuối cấp. Lưu bút mỗi người một cuốn và ghi rõ ngày sinh trao nhau.

 

 
Minh họa: Văn Nguyễn

 

Hay cái ngày vừa vào thành phố nhập học, rủ nhau tụ họp liên hoan. Đứa báo chẳng đến được, đứa vừa đến đã vội đi. Ngồi cùng nhau mà ai làm việc nấy. Sự im lặng đến đáng sợ. Những người đã từng là bạn thân bỗng nhiên xa lạ vô cùng.

Tự dưng nhớ lại cái thuở học trò. Nhà mỗi đứa mỗi xã khác nhau, cùng về huyện học. Chẳng bao lâu quen biết đã xem lớp thân thuộc như gia đình mình. Mỗi lần biết nhà đứa này đến ngày gặt lúa, dù ở xa cỡ nào thì cả lớp cũng cùng nhau đạp xe đến phụ giúp, đứa tuốt, đứa cắt, ai nấy cười rôm rả…

Vậy mà giờ đây, dường như tình bạn ngày ấy đã chẳng còn, ngày càng nhạt nhoà hơn và mất hút theo thời gian. Thấy hụt hẫng và trống vắng vô cùng. Chỉ biết luyến tiếc cho những kỷ niệm, những dư vị ngọt ngào của tình bạn thuở xưa.

Làm thế nào để tình bạn của ngày hôm qua vẫn mãi mãi tồn tại nhỉ, nhất là khi mỗi người phải chạy theo những bộn bề công việc, những hoài bão ước mơ cho riêng mình? Lẽ nào khó đến vậy sao?

Hoàng Thục Uyên 
(Sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

 

 

Thanh Nam