Việt Nam là mắt xích quan trọng liên kết kinh tế Á – Âu
Sáng 16-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Milan (Ý), bắt đầu chuyến tham dự hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) lần thứ 10.
Việt Nam là mắt xích quan trọng liên kết kinh tế Á – Âu
Sáng 16-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Milan (Ý), bắt đầu chuyến tham dự hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) lần thứ 10.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên đối thoại với Diễn đàn doanh nghiệp Á – Âu (AEBF) chiều 16-10-2014 ở TP Milan, Ý – Ảnh: TTXVN |
Với chủ đề “Đối tác trách nhiệm vì tăng trưởng và an ninh bền vững”, ASEM 10 sẽ tập trung thảo luận bốn nội dung chính: các vấn đề kinh tế – tài chính và kết nối Á – Âu, các vấn đề toàn cầu, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm và định hướng tương lai ASEM.
Đảm bảo hoà bình, ổn định trên biển Đông
Trước thềm Hội nghị ASEM 10 đã diễn ra cuộc họp cấp cao không chính thức ASEAN – EU. Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN – EU đã cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đồng chủ trì cuộc họp với sự tham dự của một số lãnh đạo ASEAN cũng như EU.
Hai bên trao đổi về tình hình khu vực và thế giới cùng quan tâm, trong đó có vấn đề biển Đông.
Việt Nam và EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hoà bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải, tự do hàng hải tại biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, nguyên tắc giải quyết hoà bình các tranh chấp, nguyên tắc không đe doạ sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC và sớm đạt được COC.
Chiều 16-10 (giờ Việt Nam), tại Trung tâm hội nghị thành phố Milan đã diễn ra cuộc đối thoại giữa các đại biểu tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Á – Âu (AEBF) lần thứ 14 với các nhà lãnh đạo tham dự ASEM 10.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng chủ tịch Hội đồng châu Âu, thủ tướng nước chủ nhà, chủ tịch Uỷ ban châu Âu, thủ tướng Nhật Bản và Malaysia… đã thay mặt các thành viên ASEM tham dự.
Với chủ đề “Tăng cường quan hệ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế Á – Âu”, diễn đàn có sự tham dự của khoảng 800 đại diện các tập đoàn hàng đầu ở hai châu lục.
Trong phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam đang tiếp tục đổi mới sâu sắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Với hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trên mọi tầng nấc, Việt Nam không chỉ trở thành một hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á mà còn là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo. Hầu hết đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam là các thành viên ASEM.
Với triển vọng triển khai và hoàn tất 14 hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn đến năm 2020, trong đó có Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – EU đang trong giai đoạn hoàn tất, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 56 đối tác, trong đó có 47 nước thành viên ASEM.
Đây là những nền tảng căn bản để Việt Nam nâng tầm đóng góp vào liên kết Á – Âu và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra những cơ hội mới, to lớn cho các doanh nghiệp hai châu lục đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam.
Diễn đàn AEBF lần thứ 14 diễn ra trong hai ngày 15 và 16-10, tham dự diễn đàn doanh nghiệp năm nay có đại diện của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Ngân hàng Thương mại – đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).
Gặp gỡ thủ tướng Nhật Bản và Trung Quốc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Tại cuộc gặp thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ sẽ tiếp tục nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, trong đó có triển khai hiệu quả Sáng kiến chung Việt – Nhật về cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.
Thủ tướng Abe khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế – xã hội thông qua việc cung cấp ODA ở mức cao, cũng như tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực của lực lượng thực thi pháp luật trên biển.
Trước đó, trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên kiểm soát tốt tình hình trên biển Đông, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy các cơ chế đàm phán tiến triển, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Thế giới đứng trước nhiều thách thức Trước đó, tại Viện Koerber ở thủ đô Berlin (Đức), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao đổi những vấn đề thách thức đối với hòa bình, an ninh, phát triển tại châu Á – Thái Bình Dương và phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt – Đức trong tổng thể quan hệ Á – Âu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Song thế giới vẫn đứng trước nhiều mối lo ngại, thách thức cùng với những diễn biến nhanh chóng, phức tạp và rất khó lường. Các nguy cơ từ xung đột vũ trang, tranh chấp lãnh thổ, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố cũng như những thách thức về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước ngày càng nổi lên gay gắt. Tuy nhiên, khu vực này đang còn tồn tại nhiều vấn đề, đó là diễn biến phức tạp của các điểm nóng như bán đảo Triều Tiên, các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt ở biển Đông và biển Hoa Đông. Thủ tướng cho rằng đáng quan ngại là sự thiếu hụt lòng tin, vốn là nhân tố chủ yếu khiến hòa bình, ổn định tại đây chưa thật sự bền vững. Nếu môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của châu Á – Thái Bình Dương bị xấu đi sẽ gây tác động rất tiêu cực và hệ lụy khôn lường đối với cả khu vực và toàn thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh những nguy cơ, thách thức trên đây đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác và nỗ lực rất cao của mỗi quốc gia, cả khu vực và toàn thế giới. “Chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng hòa bình và phát triển của Việt Nam gắn chặt với hòa bình và thịnh vượng chung của cả khu vực. Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là giữ vững môi trường hòa bình ổn định để tập trung phát triển đất nước và cải thiện đời sống của người dân. Đồng thời đóng góp có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề, các thách thức chung của khu vực và thế giới” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. Trong khi khẳng định và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước theo đúng luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn chủ động ứng xử phù hợp và tranh thủ mọi cơ hội để làm giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề biển Đông. |