Trung Quốc xây đảo với ý đồ đe dọa
Các chuyên gia tiếp tục lo ngại về hành vi cậy thế nước lớn của Trung Quốc trên biển Đông.
Trung Quốc xây đảo với ý đồ đe dọa
Các chuyên gia tiếp tục lo ngại về hành vi cậy thế nước lớn của Trung Quốc trên biển Đông.
Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo cho rằng việc Trung Quốc biến các đảo chìm thành các căn cứ quân sự là bất hợp pháp, làm căng thẳng thêm tình hình trên biển Đông – Ảnh: Hữu Khá |
Ngày 17-11 tại Đà Nẵng diễn ra hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Biển Đông: hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao VN phối hợp với Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông và Hội Luật gia VN tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu, trong đó có hơn 30 đại biểu là chuyên gia, học giả quốc tế đến từ các nước Mỹ, Úc, Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh…
Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã quá tự tin trong các hành động của mình. Họ thấy rằng thế giới đang sợ hãi trước sức mạnh kinh tế và quân sự của họ, do đó họ có thể làm (và theo cách của họ) những gì mà họ muốn! |
Cựu phó đô đốc Anup Singh |
Thay đổi đột biến
Đại sứ Đặng Đình Quý – giám đốc Học viện Ngoại giao VN – cho rằng năm nay có lẽ là một trong những năm mà tình hình biển Đông diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Theo ông Quý, đánh giá về tình hình biển Đông vừa qua có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng biển Đông vẫn hòa bình, ổn định, tự do đi lại trên biển và trên không vẫn diễn ra bình thường, không có gì phải lo ngại. Nhưng có quan điểm khác cho rằng những diễn biến vừa qua khiến hòa bình, ổn định và tự do đi lại trên biển Đông bị đe dọa, nếu không có sự kiềm chế và nỗ lực hợp tác của các bên liên quan thì bất ổn tất yếu sẽ xảy ra.
Đại sứ Quý nhận định do có sự khác biệt trên và nhiều lý do khác, nên biết bao kiến nghị chính sách, biết bao dự án hợp tác đầy tâm huyết vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.
“Nếu so sánh các bức ảnh chụp “nguyên trạng” trên biển Đông trong những năm qua, ai cũng thấy rõ xu hướng “nguyên trạng” đang bị thay đổi. Riêng trong năm nay đã có sự thay đổi mang tính đột biến và nguyên trạng đã không còn nguyên nữa. Hậu quả lớn nhất của tình hình này là lòng tin giữa các bên liên quan ngày càng suy giảm, niềm hi vọng của nhân dân trong khu vực về một biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển bị xói mòn bởi lo ngại” – ông Quý bình luận.
Cùng quan điểm, cựu phó đô đốc Anup Singh, nguyên tư lệnh hạm đội Hải quân Miền Đông (Ấn Độ), cho biết môi trường địa chính trị tại biển Đông chắc chắn đã thay đổi – theo hướng tệ hơn – trong vòng năm năm qua. Nếu Trung Quốc tiếp tục cứng rắn trong yêu sách của mình và hung hăng trong cách hành xử thì những căng thẳng với các nước láng giềng sẽ dẫn đến bất đồng và thất vọng.
Đây là lý do tại sao các quốc gia trong khu vực đã bắt đầu một chiến dịch hiện đại hóa và mở rộng các đơn vị quân sự.
“Dấu hiệu về một cuộc chạy đua vũ trang mới đang hiển hiện. Cách chọn con đường đi của Trung Quốc cũng sẽ dẫn đến việc có nhiều quốc gia tìm kiếm biện pháp pháp lý. Nó cũng sẽ dẫn đến việc định hướng lại các liên minh và khả năng xảy ra các cuộc cạnh tranh “không tốt đẹp” trên biển ngày càng cao hơn”, ông Singh nhận định về tình hình.
Theo ông, cán cân quyền lực đã có những thay đổi. Để cân bằng, tất cả quốc gia bị ảnh hưởng sẽ phải học cách đón nhận sự tham gia của quân đội Mỹ tại đây – cùng với các chính sách tái cân bằng về hướng Đông của Mỹ.
“Trong bối cảnh như vậy, hành động tốt nhất cho tất cả quốc gia đó là tìm kiếm sự giải quyết công bằng thông qua Tòa công lý quốc tế hay Tòa trọng tài thường trực, bởi tất cả các kênh nhằm tìm kiếm một cách giải quyết đa phương giữa các bên tranh chấp đã không có tác dụng. Cộng đồng quốc tế cũng cần tăng cường tiếng nói phản đối nguy cơ đe dọa tới tự do trên biển cho nền kinh tế thế giới” – cựu phó đô đốc Anup Singh chỉ rõ.
Xây rạn san hô thành đảo là bất hợp pháp
Giáo sư Ji You (Đại học Quốc gia Singapore) cho rằng Trung Quốc đang mở rộng sáu đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Việc xây dựng các công trình lấn biển ở Hoàng Sa cũng diễn ra ở một quy mô ngày càng lớn hơn. Ví dụ cảng ở đảo Phú Lâm đã được thiết kế lại để tàu sân bay trú ẩn trong tương lai. Sau khi đường băng trên đảo được kéo dài và mở rộng, các máy bay vận tải, quân sự, máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không, máy bay phản lực sẽ có thể cất hạ cánh trên đảo.
Còn cựu phó đô đốc Anup Singh đánh giá các hành vi đơn phương dùng vùng biển của các quốc gia khác để biến thành vùng biển của mình sẽ bị coi là các hành vi bất hợp pháp, nếu không muốn nói là một hành vi thiếu văn minh.
Do đó, các đường được vẽ trên biển không hề có cơ sở luật pháp, và hành động đơn phương chiếm đoạt vùng biển của nước khác sẽ không được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Do đó, “đường chín (hay mười) đoạn” không có tính hợp pháp và nó không được phép đại diện cho chủ quyền vùng biển hay quyền tài phán của một quốc gia.
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo về vấn đề Trung Quốc đang xây dựng các công trình trên vùng biển của VN, cựu phó đô đốc Anup Singh nói: “Ý định của Trung Quốc xây dựng trên các rạn san hô để biến các rạn san hô này thành các đảo nhân tạo, từ đó tạo ra những vùng biển chẳng hạn như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.”
“Đây là hành động không thể chấp nhận được bởi như thế dẫn đến một kết cục là không bao giờ có hồi kết và quốc gia nào cũng có thể xây dựng. Hành động xây dựng đó là bất hợp pháp. Việc biến các rạn san hô thành đảo như vậy sẽ khuyến khích các quốc gia giàu, có điều kiện thực hiện với ý đồ quân sự của mình.”
“Như chúng ta đã biết gần đây Trung Quốc xây dựng các căn cứ hải quân hay là những đường băng trên những đảo nhân tạo đó. Đây là ý đồ gây ra sự đe dọa sử dụng vũ lực tạo nên áp lực cho các quốc gia khác trên một vùng biển giàu tài nguyên như biển Đông”.