27/11/2024

Xu hướng ‘nguyên trạng’ trên biển Đông đang bị thay đổi

Trong 2 ngày 17 và 18.11 tại TP.Đà Nẵng, gần 200 giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng đại diện các phái đoàn ngoại giao đã tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 6 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”.

 

Xu hướng ‘nguyên trạng’ trên biển Đông đang bị thay đổi

 

 

Trong 2 ngày 17 và 18.11 tại TP.Đà Nẵng, gần 200 giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng đại diện các phái đoàn ngoại giao đã tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 6 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”.

 

 

Các đại biểu tham gia hội thảo quốc tế vào sáng 17.11 Ảnh: H.T

Hội thảo do Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông và Hội Luật gia VN tổ chức, tập trung vào các vấn đề được các nước trong và ngoài khu vực quan tâm như: Các nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề biển Đông; các bên tham gia và lực lượng hoạt động trên biển Đông; tình hình chung ở biển Đông và chính sách của các bên liên quan; quan hệ quốc tế và trật tự biển ở biển Đông; luật biển quốc tế: các yêu sách và giải pháp; các biện pháp xây dựng lòng tin và chính sách ngoại giao phòng ngừa…

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao VN), cho rằng có nhiều quan điểm khác nhau về đánh giá tình hình biển Đông trong năm qua cũng như các mô thức giải quyết các vấn đề liên quan đến biển Đông. Do những khác biệt này và nhiều lý do khác, rất nhiều kiến nghị chính sách, dự án hợp tác đầy tâm huyết vẫn chỉ nằm trên giấy. “Trên biển Đông, môi trường ngày càng xuống cấp, các nguồn lợi hải sản bị suy giảm và “nguyên trạng” đang dần dần bị thay đổi. Nếu so sánh các bức ảnh chụp “nguyên trạng” trên biển Đông trong những năm qua, ai cũng thấy rõ xu hướng “nguyên trạng” đang bị thay đổi. Riêng trong năm nay đã có sự thay đổi mang tính đột biến và nguyên trạng đã không còn nguyên nữa”, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh và cho rằng: “Hậu quả lớn nhất của tình trạng này là lòng tin giữa các bên liên quan ngày càng suy giảm, niềm hy vọng của nhân dân trong khu vực về một biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển bị xói mòn bởi sự lo ngại”.

Tuy nhiên, Đại sứ Đặng Đình Quý cũng cho rằng nguyên tắc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về luật Biển 1982, tôn trọng DOC và tiến tới COC, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình đã trở thành tiếng nói và đòi hỏi chung của cộng đồng quốc tế đối với các bên liên quan đến tranh chấp ở biển Đông.

Nguyên Tư lệnh Hạm đội hải quân miền Đông, cựu Phó đô đốc Anup Singh (Ấn Độ) đề nghị cộng đồng thế giới phải lên tiếng và ủng hộ các quốc gia ven biển Đông bằng việc kêu gọi tự do hàng hải và gìn giữ không gian biển như là di sản chung của nhân loại, cho đến khi các bên liên quan đạt được một giải pháp cuối cùng cho các tranh chấp lãnh thổ.

Hữu Trà