Nhật sẽ đầu tư mạnh vào nông nghiệp VN
Vào 13g ngày 15-11 tại khách sạn New World (TP.HCM), báo Tuổi Trẻ và báo Mainichi (Nhật Bản) sẽ tổ chức hội thảo về phát triển thị trường nông sản VN – Nhật Bản.
Nhật sẽ đầu tư mạnh vào nông nghiệp VN
Vào 13g ngày 15-11 tại khách sạn New World (TP.HCM), báo Tuổi Trẻ và báo Mainichi (Nhật Bản) sẽ tổ chức hội thảo về phát triển thị trường nông sản VN – Nhật Bản.
Sơ chế thanh long xuất khẩu đi Nhật tại Công ty Good Life (Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) – Ảnh: Trần Mạnh |
|
Lĩnh vực nông nghiệp đang trở nên hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp Nhật. Nhiều chuyên gia dự báo sẽ có làn sóng đầu tư rất mạnh từ các doanh nghiệp Nhật Bản vào nông nghiệp VN.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trung Dũng – tham tán công sứ, trưởng cơ quan thương vụ Ðại sứ quán VN tại Nhật Bản – phân tích:
– Sau các cuộc gặp giữa lãnh đạo Nhà nước và Bộ NN&PTNT với lãnh đạo Nhật Bản hồi đầu năm, tháng 6-2014, Bộ trưởng Bộ Nông lâm nghiệp và thủy sản Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã có chuyến thăm và làm việc với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT VN Cao Ðức Phát về hợp tác nông nghiệp VN – Nhật Bản.
Sau đó, hàng loạt đoàn doanh nghiệp ở nhiều địa phương Nhật Bản đã sang VN tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Những tín hiệu này cho thấy không chỉ là các kế hoạch cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, mà bản thân các doanh nghiệp Nhật Bản cũng thật sự quan tâm đến việc đầu tư vào nông nghiệp VN sau thời gian dài tập trung vào lĩnh vực công nghiệp.
5 vùng trọng điểm đầu tư của Nhật Bản vào VN Trong đối thoại hợp tác nông nghiệp VN – Nhật Bản hồi tháng 6-2014, hai bên đã xác định chọn năm vùng trọng điểm của VN để thí điểm thực hiện các kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp VN là Hà Nội, Nghệ An, Lâm Đồng, TP.HCM và ĐBSCL. Mỗi vùng sẽ lựa chọn những ưu tiên để đầu tư phát triển khác nhau. Trong đó, với Nghệ An thì vấn đề trọng tâm là nâng cao năng suất và giá trị gia tăng, vùng ĐBSCL là các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, Lâm Đồng đẩy mạnh chế biến thực phẩm, còn Hà Nội và TP.HCM là cải thiện hệ thống phân phối, đầu tư dây chuyền lạnh để bảo quản và phân phối các nông sản tươi cho người tiêu dùng… |
* Theo ông, vì sao lại có sự quan tâm mạnh mẽ từ phía các doanh nghiệp Nhật Bản vào lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm của VN trong thời gian gần đây?
– Chính sách của Nhật Bản với ngành nông nghiệp nội địa đã có sự thay đổi cơ bản khi nước này tham gia các hiệp định thương mại với nhiều nước trên thế giới, trong đó có VN.
Ðặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Nhật Bản đang đàm phán với những yêu cầu về bỏ bảo hộ nông nghiệp, Nhật Bản buộc phải thực hiện.
Thực tế là Nhật Bản đang thực hiện lộ trình giảm bảo hộ trong sản xuất lúa gạo, một trong những “vùng cấm địa” trong nông nghiệp thời gian qua.
Hiện lực lượng lao động nông nghiệp của Nhật Bản chỉ chiếm 3-4% dân số, nhưng đa số là người cao tuổi. Trước sức ép giảm thuế và nhu cầu lao động, các doanh nghiệp ngành nông nghiệp, thực phẩm Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để nâng cao sức cạnh tranh cũng như tìm động lực phát triển mới.
Và VN là một trong những lựa chọn lý tưởng để doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp do có lợi thế rất lớn về các điều kiện tự nhiên, đất đai cho sản xuất nông nghiệp.
Gần 70% dân số của VN tập trung ở nông thôn, phần lớn là dân số trẻ nhưng nông nghiệp của VN lạc hậu toàn diện từ cây con giống, đến canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phân phối sản phẩm.
Trong khi đó, Nhật Bản có một nền nông nghiệp công nghệ cao được hỗ trợ bởi nền công nghiệp hùng mạnh nhưng đất đai hạn chế và nhất là dân số làm nông nghiệp đều là dân số già.
Rõ ràng, điều kiện của hai nước đang là sự bổ sung lý tưởng cho nhau.
* Những lĩnh vực nông nghiệp nào của VN được nhà đầu tư Nhật nhắm đến?
– Trong cuộc gặp gỡ giữa bộ trưởng nông nghiệp hai nước VN – Nhật Bản hồi tháng 6 vừa qua đã xác định đầu tư của Nhật Bản vào nông nghiệp VN theo cả chuỗi giá trị chứ không riêng lĩnh vực đơn lẻ nào.
Cụ thể định hướng của hai quốc gia là đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên trong nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, chế biến thực phẩm và phát triển sản phẩm, cải thiện dây chuyền phân phối và phát triển thị trường tiêu thụ.
Về cụ thể, hiện cơ quan chức năng hai bên đang đàm phán để đưa trái táo của Nhật Bản vào thị trường VN và ngược lại là trái xoài và thanh long ruột đỏ của VN sang thị trường Nhật Bản.
Một số doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư sản xuất rau củ, nấm tại VN để xuất khẩu sang Nhật và các thị trường khó tính khác.
Xu hướng này sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới khi các doanh nghiệp Nhật Bản muốn tận dụng TPP mà các ngành VN hưởng lợi như lúa gạo, nông sản…
Với quy trình sản xuất và thương mại của các doanh nghiệp Nhật, hi vọng thời gian tới hạt gạo của VN sẽ có thương hiệu trên thị trường thế giới thay vì chỉ bán thô như hiện nay.
* Các doanh nghiệp VN cần làm gì để tận dụng cơ hội này, thưa ông?
– Theo tôi, trước hết các doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm thông tin và cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản cũng như chủ động đón đầu các cơ hội xuất khẩu sang Nhật Bản.
Ví dụ, sau trái thanh long sắp tới trái xoài của VN cũng sẽ vào Nhật.
Ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần chủ động tìm đối tác, xem các yêu cầu về kỹ thuật đối với trái cây này từ phía Nhật Bản để khi mở cửa là có thể xuất khẩu được ngay.
* Các doanh nghiệp VN lo ngại nhất là xuất khẩu sang Nhật Bản gặp những hàng rào kỹ thuật rất cao. Theo ông, làm thế nào để giảm bớt khó khăn này cho doanh nghiệp trong nước?
– Tôi cho rằng những yêu cầu về hàng rào kỹ thuật không phải để ngăn cản hàng nhập khẩu, mà là để bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản.
Doanh nghiệp không có con đường nào khác là tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, quản lý thật tốt từ khâu giống, chế biến và đóng gói đảm bảo cho ra sản phẩm chất lượng tốt nhất.
Tất nhiên, có những quy định mà phía Nhật Bản đưa ra không hợp lý thì cơ quan chức năng VN và các doanh nghiệp sẽ cùng có ý kiến tác động để phía Nhật Bản thay đổi.
Ví dụ, năm 2012 Nhật Bản đưa ra quy định hàm lượng tối đa với chất kháng sinh Ethoxyquin trong tôm là 0,01 ppm (một phần triệu) gây khó khăn cho xuất khẩu của doanh nghiệp VN.
Sau đó, cơ quan chức năng VN làm việc với phía Nhật Bản và cuối cùng phía Nhật đã quy định lại hàm lượng này là 0,2 ppm, tạo điều kiện rất nhiều cho doanh nghiệp thủy sản VN.
Hội thảo “Nông sản VN với công nghệ Nhật” Vào 13g ngày 15-11 tại khách sạn New World (TP.HCM), báo Tuổi Trẻ và báo Mainichi (Nhật Bản) sẽ tổ chức hội thảo về phát triển thị trường nông sản VN – Nhật Bản với chủ đề “Nông sản VN với công nghệ Nhật Bản”, Công ty Esuhai hỗ trợ thực hiện. Dự kiến sẽ có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Nông lâm nghiệp và thủy sản Nhật Bản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN, lãnh đạo UBND TP.HCM và khoảng 100 doanh nghiệp của Nhật và VN hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, phân phối… hàng nông sản, thủy sản, đã và đang có ý định đầu tư, kinh doanh tại VN. Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận làm rõ đâu là những điểm cần phải thay đổi khi sản xuất hàng nông sản xuất vào thị trường Nhật, làm thế nào để hợp tác thành công với các doanh nghiệp Nhật trong lĩnh vực nông sản… Tham dự sự kiện này, ban tổ chức cũng tạo điều kiện, dành khoảng thời gian và địa điểm cho các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu kết nối với các đối tác là các doanh nghiệp Nhật trong cùng lĩnh vực. |