10/01/2025

Khốn đốn vì tin đồn “trà nhiễm dioxin”

Tại Đài Loan, Trung Quốc đang xuất hiện tin đồn thất thiệt chè Lâm Đồng nhiễm chất độc da cam (dioxin).

 

Khốn đốn vì tin đồn “trà nhiễm dioxin”

Tại Đài Loan, Trung Quốc đang xuất hiện tin đồn thất thiệt chè Lâm Đồng nhiễm chất độc da cam (dioxin).

 


 

 

Thu hoạch chè Oolong tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: Mai Vinh
Thu hoạch chè Oolong tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng – Ảnh: Mai Vinh

Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chè (trà) xuất khẩu tại Lâm Đồng, trong đó có khoảng 30 doanh nghiệp Đài Loan, đang điêu đứng trước tin đồn thất thiệt tại Đài Loan, Trung Quốc rằng chè Lâm Đồng nhiễm chất độc da cam (dioxin).

Chiều 18-11, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra thông báo khẳng định đất vùng chè và nông sản tại Lâm Đồng đều không nhiễm dioxin.

Thông báo này nêu rõ: “Căn cứ tài liệu của nhiều cơ quan trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, khẳng định từ trước đến nay không phát hiện vùng nhiễm dioxin trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Chè VN, do ảnh hưởng của những tin đồn thất thiệt, hai tháng gần đây sản lượng chè Lâm Đồng xuất khẩu giảm khoảng 50%.

Thông quan cũng không bán được

Nếu ở Lâm Đồng từng bị Mỹ rải dioxin, chắc chắn Mỹ đã có hàng rào kỹ thuật để ngăn nông sản Lâm Đồng vào Mỹ, trong khi thực tế có rất nhiều nông sản tại Lâm Đồng xuất sang thị trường Mỹ bình thường
Ông NGUYỄN VĂN SƠN (phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng)

Bà Hà Thúy Linh – giám đốc Công ty Hà Linh (Đà Lạt), đơn vị chuyên xuất khẩu chè Oolong – cho biết doanh nghiệp này đang có 11 tấn chè Oolong bị ách tại cảng Đài Loan chờ thông quan.

“Kể từ khi xuất hiện tin đồn, các kiện hàng bị kiểm tra chặt hơn, hàng được thông quan rất chậm chạp. Một số doanh nghiệp không được thông quan, phía hải quan cho biết phải đợi địa phương có chè xuất khẩu trả lời có hay không chè Oolong trồng trên vùng đất nhiễm dioxin tại Lâm Đồng” – bà Linh nói.

Theo bà Linh, do xuất khẩu chậm và các khâu bị đình trệ, đến nay doanh nghiệp này ước bị thiệt hại hơn 2 tỉ đồng.

Thậm chí phía đối tác bắt đầu thúc ép và có thể buộc công ty này phải đền hợp đồng. Không riêng gì Công ty Hà Linh, từ giữa tháng 9-2014 đến nay, khoảng 70 container chè Oolong trị giá hơn 140 tỉ đồng của các doanh nghiệp tại Lâm Đồng đang bị ách tại các cảng phía Đài Loan.

Bà Nguyễn Ngọc Mai, giám đốc Công ty trà Sung Viên (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) – doanh nghiệp từng có khối lượng xuất khẩu chè lên tới 20 tấn/tháng, cho biết hơn hai tháng nay hoạt động xuất khẩu của công ty chựng lại do hàng bị kiểm tra gắt gao, thiệt hại rất lớn.

“Thay vì 10 ngày, thời gian kiểm tra kéo dài đến 20 ngày, mỗi tháng chúng tôi mất thêm gần 2.000 USD để lo chi phí kho bãi cho hàng lưu kho chờ thông quan, chưa kể lượng xuất khẩu và công suất sản xuất của chúng tôi cũng sụt giảm mạnh” – bà Mai nói.

Trong khi đó, kể từ khi phía Đài Loan thực hiện chính sách kiểm soát gắt gao chất lượng chè nhập khẩu từ VN, bà Mai cho biết chưa lần nào doanh nghiệp này bị trả hàng, do chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo.

“Nói như vậy để thấy rằng dư lượng kim loại nặng cũng không có, lấy đâu ra dioxin, nhưng tin đồn chè nhiễm dioxin không những khiến ngành chè Lâm Đồng điêu đứng mà các doanh nghiệp cũng hoang mang” – bà Mai bức xúc.

Ông Đoàn Trọng Phương, phó chủ tịch Hiệp hội Chè VN, cho biết không chỉ doanh nghiệp VN điêu đứng mà hơn 30 doanh nghiệp sản xuất chè của Đài Loan đang đầu tư tại VN cũng bị ảnh hưởng nặng.

“Không chỉ không thông quan được mà có thông quan cũng không thể bán. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận để nằm kho tại các cảng hàng trăm tấn chè chờ cơ hội thương lượng” - ông Phương nói.

Nguyên nhân là người tiêu dùng Đài Loan lo sợ nên không mua chè nhập từ Lâm Đồng.

“Chè Lâm Đồng từng gặp những tin đồn do đối thủ nước ngoài tung ra nhưng chưa tin đồn nào ác như lần này. Lần này thật sự không chỉ 5.000ha chè Oolong bị ảnh hưởng mà còn 23.000ha chè của Lâm Đồng bị vạ chung” – ông Phương bức xúc.

Nhật Bản từng phân tích đất vùng chè Lâm Đồng

Thông tin phía Đài Loan thiếu căn cứ

Bà Wu Feng Shu cho biết tại Đài Loan, nhiều doanh nghiệp sản xuất chè, gạo và các mặt hàng nông sản có cạnh tranh với hàng xuất khẩu tại VN thường xuyên lên truyền hình và các báo nói về việc đất tại Lâm Đồng nhiễm dioxin nhưng không đưa ra được căn cứ gì.

Tuy vậy, thông tin này vẫn khiến dư luận đồn thổi và lo lắng khi dùng sản phẩm nhập từ Lâm Đồng nói riêng và VN nói chung.

Một cán bộ Chi hội thương mại Đài Loan tại tỉnh Lâm Đồng (đề nghị giấu tên) cho biết dù khẳng định “hùng hồn” là chè nhập khẩu từ Lâm Đồng nhiễm dioxin nhưng tác giả các đoạn phim, bài báo Đài Loan không đưa ra chứng cứ nào thuyết phục về việc này, mà chủ yếu nhắc đi nhắc lại tác hại của dioxin, hình ảnh máy bay rải chất độc hóa học và những người kém may mắn bị ảnh hưởng bởi dioxin.

Ông Nguyễn Phúc Tín, chi cục phó Chi cục Kiểm tra chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Lâm Đồng, cho biết vùng chè Lâm Đồng được thực hiện dựa trên cơ sở vùng chè do người Pháp quy hoạch từ những năm 1927-1930.

Và trong lần kiểm tra mới đây để quy hoạch vùng chè Lâm Đồng đến năm 2020, cơ quan này đã phân tích gần 1.000 mẫu đất, hơn 200 mẫu nước khắp các vùng trồng chè và dự định trồng chè tại Lâm Đồng, với kết quả cho thấy chất lượng đất trồng chè phù hợp tiêu chuẩn của VN và các nước.

“Không có bất kỳ thông số nào cho thấy có sự tồn tại của dioxin trong đất” - ông Tín khẳng định.

Ông Đoàn Trọng Phương cho biết năm 1995, Công ty Suzuki Vina (Nhật Bản) đã đến VN và lấy mẫu đất, nước ở các vùng chè khắp Lâm Đồng phân tích ròng rã nhiều năm liền. Và kết quả phân tích khẳng định đất ở Lâm Đồng hoàn toàn đảm bảo để sản xuất chè theo tiêu chuẩn cao nhất hiện nay là hữu cơ.

“Năm 2000, dựa trên các số liệu khẳng định sự an toàn của đất và nguồn nước, phía Nhật đã mở Công ty Suzuki Vina sản xuất chè Oolong hữu cơ và sản xuất cho đến ngày hôm nay” – ông Phương cho biết.

Ông Nguyễn Văn Sơn, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho rằng việc rải dioxin phát quang rừng xuất phát từ quân đội Mỹ trong chiến tranh và chỉ diễn ra ở những nơi có giao tranh nhằm dễ phát hiện bộ đội VN.

Trong khi đó, tại Lâm Đồng vào thời điểm đó có sự hiện diện của rất nhiều người Mỹ và những người thân của Mỹ nên không thể xảy ra việc này.

“Nếu ở Lâm Đồng từng bị Mỹ rải dioxin, chắc chắn Mỹ đã có hàng rào kỹ thuật để ngăn nông sản Lâm Đồng vào Mỹ, trong khi thực tế có rất nhiều nông sản tại Lâm Đồng xuất sang thị trường Mỹ bình thường” – ông Sơn khẳng định.

Theo số liệu từ Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, ngoài xuất khẩu vào Đài Loan, mỗi năm chè Oolong từ Lâm Đồng còn xuất sang các thị trường khó tính như Nhật, Anh và Mỹ khoảng 12.000 tấn.

Và hiện nay chưa có ghi nhận nào về việc chè bị tiêu hủy hoặc bị trả lại do nhiễm dioxin.

Trao đổi với chúng tôi, bà Wu Feng Shu, chi hội phó Chi hội thương mại Đài Loan tại tỉnh Lâm Đồng, cho rằng tốt nhất tỉnh Lâm Đồng nên phối hợp với Chính phủ VN có một buổi họp báo công khai tại Đài Loan để khẳng định việc Lâm Đồng không có dioxin trong đất. Hành động đó mới giải vây được cho doanh nghiệp chè Lâm Đồng và doanh nghiệp Đài Loan đang sản xuất chè tại Lâm Đồng.

Theo bà Wu Feng Shu, việc tổ chức họp báo và thông tin đầy đủ một cách công khai rằng chè Lâm Đồng không nhiễm dioxin không chỉ giúp thông quan hàng tồn ở cảng, mà còn tạo cơ hội cho truyền thông tại Đài Loan thông tin đến đa số người dân đang hoang mang vì tin đồn nên không tiêu thụ chè Lâm Đồng.

“Hiện đã có một số doanh nghiệp Đài Loan về nước để tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm khẳng định nguồn chè họ sản xuất và xuất đến Đài Loan không trồng trên đất có dioxin” – bà Wu Feng Shu nói.

MAI VINH