Nhiều chứng cứ bác tin đồn “trà nhiễm dioxin”
Giám đốc Công ty trà Đài Loan Fushen cho rằng đây là chiêu trò cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất trà nội địa Đài Loan nhằm hạ uy tín các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
Nhiều chứng cứ bác tin đồn “trà nhiễm dioxin”
Giám đốc Công ty trà Đài Loan Fushen cho rằng đây là chiêu trò cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất trà nội địa Đài Loan nhằm hạ uy tín các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
Trà Oolong Lâm Đồng đa số được xử lý tươi trên những tấm nong tre đã được xử lý nhằm tránh phát sinh chất “lạ” trong sản xuất – Ảnh: Mai Vinh |
Lâm Đồng đã hoàn thành việc thu thập các chứng cứ khẳng định vùng nông sản Lâm Đồng nói chung và vùng chè Lâm Đồng nói riêng không nằm trong vùng bị rải chất độc dioxin trong chiến tranh. Bản đồ vùng ô nhiễm chất độc dioxin và kết quả phân tích mẫu đất, nước, nông sản trong nhiều năm của 138 doanh nghiệp đang xuất khẩu nông sản vào các thị trường khó tính như Anh, Nhật, Mỹ, Singapore… là các chứng cứ phản bác tin đồn ác ý tại Đài Loan |
Ông Nguyễn Văn Yên (phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) |
Các doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan tại tỉnh Lâm Đồng đã lên tiếng kêu cứu vì thương hiệu trà Oolong sản xuất tại Việt Nam bị tổn hại nghiêm trọng do ảnh hưởng của tin đồn thất thiệt trà nhiễm dioxin xuất hiện tại Đài Loan thời gian gần đây.
Ngày 19-11, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công thư gửi đến Văn phòng Kinh tế văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, trong đó khẳng định “vùng nhiễm chất độc dioxin nằm cách xa các vùng nguyên liệu trà, nông sản của tỉnh Lâm Đồng hàng trăm kilômet, hoàn toàn không ảnh hưởng đến vùng sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng”, đồng thời đề nghị cơ quan này công bố nội dung trên đến các cơ quan truyền thông Đài Loan.
Kiểm tra độc chất hằng năm
Bà Trần Thị Hà, trưởng phòng tổng hợp Công ty Vina Suzuki (chuyên sản xuất trà theo chuẩn hữu cơ – Organik), cho biết rất bất ngờ khi được nghe về những thông tin vô căn cứ rằng đất Lâm Đồng nằm trong vùng nhiễm dioxin.
Có mặt từ những ngày đầu tiên cùng các chuyên gia Nhật Bản khảo sát chất lượng đất để xây dựng vùng trà nguyên liệu và nhà máy, bà Hà khẳng định việc đầu tiên trong hoạt động khảo sát của các chuyên gia Nhật là đã tham khảo bản đồ vùng nhiễm dioxin của Việt Nam, tiếp theo là độ cao của vùng trồng chè với các vùng đất bị nhiễm dioxin.
“Dù không nằm trong vùng ảnh hưởng dioxin, nhưng nếu vùng đất đó thấp hơn thì các chuyên gia Nhật cũng không chọn, do lo sợ nước mưa sẽ cuốn hóa chất đến làm ảnh hưởng đến trà sạch. Sau khi chọn được vùng đất thích hợp, các chuyên gia Nhật mới lấy đất, nước đi kiểm tra. Họ lấy ở nhiều vùng khác nhau, ngẫu nhiên, liên tục trong vòng năm năm rồi mới quyết định xây dựng nhà máy và vùng trà nguyên liệu” – bà Hà kể lại.
Đưa cho chúng tôi các túi đất đối chứng được lưu mẫu tại công ty, bà Hà cho biết đến thời điểm này, hằng năm Tổ chức Chứng nhận nông sản hữu cơ (Organik) đều lấy mẫu trà và đất trồng trà nguyên liệu đưa về Hà Lan phân tích.
“Kết quả liên tục hơn 10 năm qua chưa có khi nào chúng tôi bị tổ chức chứng nhận hàng đầu thế giới nhắc nhở. Nói như vậy để thấy tin đồn đất trồng nông sản ở Lâm Đồng bị nhiễm dioxin là không đúng” – bà Hà khẳng định.
Quy trình sản xuất trà Oolong tại Việt Nam Theo thông tin từ Hiệp hội Chè Việt Nam, dù công nghệ có thể khác nhau nhưng trà Oolong sản xuất tại Việt nam dựa theo quy trình phía Đài Loan đưa ra, gồm giai đoạn chuẩn bị vùng nguyên liệu và 11 giai đoạn chế biến. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị gồm chuẩn bị đất, nước, giống đúng tiêu chuẩn Đài Loan. Giai đoạn chế biến gồm 11 khâu khép kín từ xử lý tươi cho đến xử lý khô và đóng gói. Điều quan trọng nhất của giai đoạn này là chè được lấy mẫu kiểm tra các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ở giai đoạn xử lý tươi và trước đóng gói. |
Ông Han Wen Te, giám đốc Công ty trà Đài Loan Fushen, cho biết đã gửi văn bản cho các đối tác để chứng minh đất nông nghiệp ở Lâm Đồng không nhiễm dioxin.
Ngoài việc chọn một vùng đất phù hợp về độ cao và khí hậu, ông Han cho biết trước khi quyết định đầu tư vào sản xuất trà chất lượng cao tại Việt Nam, đầu tiên doanh nghiệp này đã tham khảo bản đồ ô nhiễm hóa chất.
“Ngoài việc khảo sát toàn diện vào lúc xây dựng nhà máy năm 1995, chúng tôi thuê đơn vị độc lập phân tích tất cả thông số về an toàn thực phẩm, bên cạnh các kiểm tra của cơ quan chức năng Việt Nam, Đài Loan. Tự bảo vệ vậy mà nay bị tin đồn làm cho lao đao” – ông Han bức xúc.
Tương tự, trước khi gieo giống xà lách Mỹ, Công ty An Phú Lacue (liên doanh Việt Nam – Nhật Bản) cho biết đã lấy đất ngẫu nhiên ở giữa vùng sản xuất nông nghiệp, ven nguồn nước, ven bìa rừng đưa về Nhật phân tích.
Khi có kết quả, ông Takaya Hanaoka, giám đốc Công ty An Phú Lacue, khẳng định: “Mảnh đất xấu nhất ở Đà Lạt là tốt nhất ở Nhật Bản. Đây là nơi phù hợp để trồng nông sản sạch”.
Chính quyền Lâm Đồng vào cuộc
Trao đổi với chúng tôi về tin đồn trà Lâm Đồng nhiễm dioxin, ông Han Wen Te cho rằng đây là chiêu trò cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất trà nội địa Đài Loan nhằm hạ uy tín các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Đài Loan. Bởi giá trà Oolong nhập khẩu vào Đài Loan từ Lâm Đồng chỉ có 10 USD, chỉ bằng 1/4 giá trà Oolong tại Đài Loan.
“Lượng trà nhập vào Đài Loan không bán được và trả lại chiếm hơn 50% sản lượng nhập khẩu đã khiến các công ty lao đao. Hơn 30 công ty Đài Loan tại Việt Nam hiện lưu kho ít nhất 100 tấn trà Oolong, doanh nghiệp nội địa mua trà của doanh nghiệp Việt Nam cũng trong hoàn cảnh tương tự. Đó cũng là lý do doanh nghiệp trà Oolong tại Việt Nam giảm hơn 50% sản lượng trà xuất khẩu” – ông Chang Chao Jung, giám đốc Công ty King Wen Chen, giải thích.
Theo các doanh nghiệp trà Oolong Đài Loan tại tỉnh Lâm Đồng, hàng trăm container không thông quan được tại Đài Loan là thiệt hại có thể đo đếm được nhưng thương hiệu trà Oolong Việt Nam bị hạ thấp mới là thiệt hại lớn không thể đo đếm.
“Chúng tôi nhập trà về công ty mẹ không bán đi được. Đối tác từ Thái Lan, Hàn Quốc và nhiều nước khác bảo sợ vì có tin Việt Nam đang bị nhiễm dioxin, chờ phía Việt Nam giải thích công khai” – ông Han Wen Te nói.
Nhiều doanh nhân Đài Loan cho biết đã về nước và gửi văn bản giải thích với đối tác nhưng không có hiệu quả, như lời ông Chang Chao Jung, là “tin đồn đã làm người dân Đài Loan tin thật, hiện vẫn còn nhắc đi trên nhiều kênh truyền thông”. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất trà Đài Loan tại Lâm Đồng cho biết đã “cầu cứu” chính quyền tỉnh Lâm Đồng.
“Phải có cuộc họp báo công bố các tài liệu chứng minh Lâm Đồng không nằm trong vùng bị nhiễm dioxin trong chiến tranh mới giải vây được cho doanh nghiệp sản xuất trà. Nếu không, thương hiệu trà Oolong tại Việt Nam xây dựng hơn 10 năm nay sẽ bị sụp” – ông Han nói.
Ông Nguyễn Văn Yên, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết địa phương này sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ ngành phối hợp giải quyết khủng hoảng lần này.
Đồng thời sẽ đề nghị Vụ Thông tin báo chí (Bộ Ngoại giao) tổ chức họp báo hoặc có hoạt động truyền thông tại Đài Loan nhằm xóa bỏ tin đồn nông sản Việt Nam, chè Lâm Đồng nhiễm dioxin. Các chứng cứ liên quan được tổng hợp sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế – văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội Hoàng Chí Bằng: Sẽ giải thích với báo chí Đài Loan Việc báo chí Đài Loan (bao gồm tờ báo uy tín như báo Liên Hiệp Đài Loan) đưa thông tin nông sản của Việt Nam xuất sang Đài Loan đều nhiễm dioxin là đã nói quá sự thật. Nhà chức trách tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định vùng đất trồng chè và nông sản tại Lâm Đồng không nhiễm dioxin. Đây là văn bản chính thức từ phía Việt Nam. Phía Đài Loan sẽ dịch các văn bản chính thức của chính quyền Lâm Đồng sang tiếng Hoa và chuyển cho truyền thông Đài Loan nhằm giải đáp mọi hiểu lầm. |