08/01/2025

ASEAN cần chủ động, trách nhiệm hơn để giữ an ninh khu vực

Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN khai mạc sáng nay 12.11 tại thủ đô Naypyitaw, Myanmar.

 

ASEAN cần chủ động, trách nhiệm hơn để giữ an ninh khu vực

 

Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN khai mạc sáng nay 12.11 tại thủ đô Naypyitaw, Myanmar.

 

 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon. – Ảnh: Nhật Bắc

 

Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN thứ 25 và Thượng đỉnh Đông Á (EAS, với nguyên thủ 8 cường quốc đối tác) thứ 9 khai mạc trong bối cảnh chính trị khu vực thay đổi nhanh chóng mà Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh gọi là “thời điểm quyết định trong lịch sử của khối”.

Phát biểu tại lễ khai mạc của loạt hội nghị kéo dài trong 2 ngày 12-13.11, Tổng thống nước chủ nhà Thein Sein nói: “Các cuộc họp của chúng ta hôm nay và ngày mai sẽ cho chúng ta cơ hội để đẩy nhanh các nhiệm vụ còn lại để kịp hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, cũng như tìm ra cách thức tăng cường năng lực của khối phù hợp với khuôn khổ và tầm vóc các hoạt động của mình trong những năm tới”. 

Bên cạnh đó, “ASEAN cần thể hiện vai trò lớn hơn trên trường quốc tế bằng cách có lập trường thống nhất trước các vấn đề gây quan ngại và lợi ích chung”, ông nói thêm.

 

 Lãnh đạo 10 quốc gia Đông Nam Á trong lễ khai mạc Thượng đỉnh ASEAN thứ 25 và Thượng đỉnh Đông Á thứ 9 tại Naypyitaw, Myanmar sáng 12.11.
Lãnh đạo 10 quốc gia Đông Nam Á trong lễ khai mạc Thượng đỉnh ASEAN thứ 25 và Thượng đỉnh Đông Á thứ 9 tại Naypyitaw, Myanmar sáng 12.11 – Ảnh: Thục Minh

 

“Các vấn đề gây quan ngại và lợi ích chung” được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra trong cuộc họp của lãnh đạo 10 quốc gia trong khối sáng 12.11 gồm: nguy cơ bất ổn, xung đột cục bộ ở một số khu vực tiếp tục gia tăng, các thách thức an ninh phi truyền thống đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực như diễn biến phức tạp ở biển Đông, biển Hoa Đông; tình hình bán đảo Triều Tiên; khủng bố, bạo lực ở Trung Đông; dịch bệnh Ebola…

 Toàn cảnh cuộc các lãnh đạo ASEAN sáng 12.11.
Toàn cảnh cuộc họp các lãnh đạo ASEAN sáng 12.11 – Ảnh: Thục Minh

Riêng về vấn đề biển Đông, được xác định là “đứng đầu nghị trình” của hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Tại Hội nghị Cấp cao tháng 5.2014, ASEAN đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp, làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực. Ðến nay, tình hình biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm. Những việc làm này trái với quy định của Tuyên bố các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC)”.

 

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN chủ động, trách nhiệm hơn trong việc giữ an ninh khu vực tại cuộc họp Thượng đỉnh sáng 12.11.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN chủ động, trách nhiệm hơn trong việc giữ an ninh khu vực tại cuộc họp Thượng đỉnh sáng 12.11 – Ảnh: Thục Minh

 

Do đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: “Tại Hội nghị này, ASEAN cần chủ động và có trách nhiệm hơn nữa trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực”.

Theo Thủ tướng, “ASEAN cần tiếp tục yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của DOC, trước hết là Điều 5 của Tuyên bố này; thực hiện kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về luật Biển 1982 (UNCLOS)”.

“Đồng thời, ASEAN cần triển khai mạnh mẽ những nội dung đã thống nhất, đặc biệt là việc ASEAN – Trung Quốc cần sớm cụ thể hóa các biện pháp và xây dựng cơ chế nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, nhất là Điều 5 của Tuyên bố; đi vào đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử COC có tính ràng buộc, cũng như sớm triển khai các biện pháp “thu hoạch sớm” song song với tiến trình đàm phán về COC”.

 

Lên án mạnh mẽ khủng bố dưới mọi hình thức

 

Về vấn đề khủng bố và bạo lực gia tăng ở Iraq và Syria, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam lên án mạnh mẽ khủng bố dưới mọi hình thức. Chúng tôi ủng hộ Nghị quyết số 2170 của Hội đồng Bảo an LHQ và mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ”. Thủ tướng cũng tuyên bố ủng hộ việc Thượng đỉnh Đông Á lần này ra Tuyên bố chung lên án các tổ chức khủng bố gia tăng bạo lực hết sức tàn ác ở Iraq và Syria.

 

 

 

 

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đánh giá cao Việt Nam

 

Bên lề Hội nghị, sáng 12.11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Tại cuộc gặp, ông Ban đánh giá cao kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam và việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Ông cũng chúc mừng Việt Nam được bầu làm Ủy viên Hội đồng Nhân quyền LHQ và đã có những đóng góp tích cực vào việc thảo luận xây dựng các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ sau năm 2015.

Về vấn đề biển Đông, Tổng thư ký Ban Ki-moon khẳng định quan điểm của LHQ là các tranh chấp chủ quyền cần được giải quyết trên cơ sở đối thoại, các bên không có hành động gây căng thẳng, mà các hội nghị khu vực là cơ hội để các bên liên quan giải quyết vấn đề trên cơ sở tiếp cận hướng tới tương lai. LHQ sẵn sàng hỗ trợ và ủng hộ trong vấn đề này, ông Ban quả quyết.

 

 

 

Thục Minh 
(từ Naypyitaw, Myanmar)