An ninh lấn át kinh tế tại hội nghị G20
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã khai mạc tại Brisbane (Úc) hôm qua.
An ninh lấn át kinh tế tại hội nghị G20
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã khai mạc tại Brisbane (Úc) hôm qua.
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm tại Brisbane – Ảnh: Reuters |
Chủ đề chính là kinh tế nhưng các vấn đề về an ninh và khủng hoảng lại trở thành tâm điểm.
Ngay từ ngày 14-11, một số lãnh đạo G20 đã làm nóng không khí với những phát biểu chỉ trích nhắm vào vấn đề khủng hoảng Ukraine và vai trò của Nga. Đây là một màn chào đón hiếm thấy trong ngoại giao.
Tuy vậy, bước vào hội nghị chính thức, các lãnh đạo vẫn phải đề cập đến những vấn đề cần giải quyết cấp bách.
Nếu chúng ta có thể dùng tên thân mật để nói chuyện thì chắc sẽ tốt hơn. Bởi vì dù có bất đồng thế nào, tôi vẫn nghĩ rằng cách nói chuyện đó ít nhất cũng sẽ giúp tạo ra sự nồng ấm tình người giữa chúng ta |
Thủ tướng Úc Tony Abbott đề xuất trong buổi sáng tiếp đón các lãnh đạo dự hội nghị |
Chung tay thúc đẩy tăng trưởng
Phát biểu tại cuộc gặp của những người đồng cấp các nước G20, Bộ trưởng Tài chính Úc Joe Hockey cho rằng mục tiêu hướng tới nâng tăng trưởng kinh tế toàn cầu thêm 2% trong vòng năm năm tới vẫn đang diễn ra đúng tiến độ.
“Tham vọng này đồng nghĩa với việc sẽ có thêm khoảng 2.000 tỉ USD trong hoạt động kinh tế toàn cầu và hàng triệu việc làm mới” – ông Hockey nói. Theo Reuters, bộ trưởng tài chính Úc cũng cho biết các nước G20 đã thực hiện kế hoạch của mình để có thể đưa ra một loạt biện pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Bên lề hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi lãnh đạo các nước nỗ lực nhiều hơn để tăng tốc tăng trưởng. “Trong những năm qua, Mỹ đã giải quyết được việc làm hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến cộng lại” – ông Obama nói và cho biết tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm còn 5,8% vào tháng 10, thấp nhất kể từ tháng 7-2008.
Tuy nhiên, ông cũng nhắc: “Một mình nước Mỹ không thể gánh nền kinh tế thế giới trên lưng. Vì vậy ở Brisbane, G20 phải có trách nhiệm hành động, thúc đẩy nhu cầu, đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân”.
Truyền thông Úc dẫn nội dung bản dự thảo kế hoạch hành động Brisbane nói do các mối quan ngại về tình trạng trì trệ trên toàn cầu, các nhà lãnh đạo sẽ nhất trí các biện pháp cải tổ để có thể nâng mức tăng trưởng thêm 2,1%.
Các nước G20 – chiếm đến 85% kinh tế thế giới – dự kiến sẽ đạt các mục tiêu bằng cách thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tổ tài chính và khuyến khích tự do thương mại.
Báo The Australian của Úc cho biết sẽ có một cơ quan giám sát mới do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) điều hành để theo dõi các cam kết G20 có được thực hiện hay không và quy trách nhiệm cho các nước không thực hiện cam kết.
Theo AFP, Tổng thống Mỹ Obama nêu rõ việc bãi bỏ chủ nghĩa bảo hộ và bài trừ tham nhũng là những yếu tố chủ chốt để đạt được các mục tiêu tăng trưởng.
Mỹ tiếp tục cảnh báo về an ninh châu Á
Về tình hình an ninh khu vực, ông Obama cũng gây chú ý với bài phát biểu tại Trường đại học Queensland ở Brisbane.
Theo Reuters, tổng thống Mỹ nói trật tự an ninh châu Á không thể dựa trên sự “ép buộc và hăm dọa, nơi mà các nước lớn bắt nạt nước bé” và trật tự an ninh khu vực phải dựa trên liên kết về an ninh chung.
Ông Obama cũng cảnh báo tranh chấp lãnh thổ, nhất là những hòn đảo và bãi cạn xa xôi, có nguy cơ bị cuốn vào một cuộc đối đầu.
Mặc dù không đề cập trực tiếp Trung Quốc, giới quan sát cho rằng ông Obama đang ám chỉ đến tranh chấp lãnh hải giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng cộng với các quan ngại ngày càng tăng trong khu vực về việc Trung Quốc tăng cường phát triển quân đội.
Tổng thống Mỹ lặp lại quan điểm từng nêu ở Bắc Kinh hồi đầu tuần sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Washington hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một nước hòa bình và có trách nhiệm trên trường quốc tế.
Ông Obama một lần nữa khẳng định với các đồng minh châu Á – Thái Bình Dương về chính sách xoay trục châu Á. Tuy nhiên, theo AFP, nhiều nước châu Á vẫn tỏ ra hoài nghi, nhất là trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang lo giải quyết các vụ khủng hoảng khác trên thế giới như tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), xung đột ở Ukraine hay Ebola.
Ebola và Ukraine cũng nóng AFP cho biết các lãnh đạo đã cam kết sẽ làm hết sức để dập dịch Ebola. Tuy nhiên, không có cam kết nào về tài trợ được đưa ra. Các lãnh đạo G20 hoan nghênh sáng kiến của IMF giải ngân 300 triệu USD để đối phó với Ebola mặc dù phía Mỹ muốn IMF đi xa hơn trong việc xóa 100 triệu USD tiền nợ cho Sierra Leone, Liberia và Guinea – ba nước đang bị dịch hoành hành nặng nhất. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon hôm qua cũng cảnh báo tác động tiếp theo của cuộc khủng hoảng y tế là khủng hoảng lương thực do việc trồng trọt bị gián đoạn. Khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng đến 1 triệu người ở Tây Phi. Vấn đề Ukraine đương nhiên là điểm nóng tại hội nghị. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã lên tiếng yêu cầu Nga ngưng đưa vũ khí và binh lính vào Ukraine, gây sức ép buộc quân ly khai ngừng bắn, nếu không sẽ bị thêm các lệnh cấm vận. Thậm chí Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lên tiếng khẳng định các biện pháp trừng phạt tiếp theo “đã nằm trên lịch trình”. Theo Reuters, phía Nga lập tức bác bỏ mọi sự liên quan đến tình hình leo thang tại Ukraine. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó khẳng định trong cuộc gặp Nga – Anh, hai bên đã thảo luận việc “tái xây dựng các quan hệ Nga – phương Tây”. |