Biểu tình khắp nước Mỹ
Hôm qua, hàng chục ngàn người Mỹ đã biểu tình ở nhiều thành phố khắp cả nước để phản đối vụ cảnh sát da trắng không bị truy tố dù đã bắn chết thanh niên da đen.
Biểu tình khắp nước Mỹ
Hôm qua, hàng chục ngàn người Mỹ đã biểu tình ở nhiều thành phố khắp cả nước để phản đối vụ cảnh sát da trắng không bị truy tố dù đã bắn chết thanh niên da đen.
Một người biểu tình da màu phản ứng với nữ cảnh sát da trắng trong đêm biểu tình thứ hai ở Emeryville, California đêm 25 rạng sáng 26-11 – Ảnh: Reuters |
Hôm qua, hàng chục ngàn người Mỹ đã biểu tình rầm rộ ở nhiều thành phố khắp cả nước để phản đối vụ cảnh sát da trắng không bị truy tố dù đã bắn chết thanh niên da đen.
Theo báo New York Times, tại thành phố New York, hàng ngàn người đã đổ ra đường phố, giương cao những biểu ngữ như “Giơ tay rồi, đừng bắn” và “Sinh mạng người da đen cũng đáng giá”.
Họ chặn dòng giao thông tại một số con đường đông đúc nhất ở khu Mahattan. Quảng trường Thời Đại cũng chật cứng người biểu tình và cầu Brooklyn bị tắc nghẽn. Nhà chức trách cho biết đã bắt giữ một số người gây rối loạn và cản trở giao thông.
Các cuộc biểu tình tương tự cũng nổ ra ở hàng chục thành phố trên khắp nước Mỹ, thủ đô Washington DC, các thành phố bờ đông như Atlanta, Philadelphia và Baltimore cho đến nhiều đô thị bờ tây như Oakland và Seattle.
Tại Portland và Denver, bạo động đã xảy ra, buộc cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông.
Người lái xe phản ứng với những người biểu tình chặn đường ở Seattle ngày 25-11 – Ảnh: Reuters |
Nóng bỏng nhất vẫn là thành phố Ferguson thuộc bang Missouri, nơi xảy ra vụ sĩ quan Darren Wilson xả súng bắn chết Michael Brown hôm 9-8. AFP cho biết hôm qua bạo động tiếp tục nổ ra.
Hàng trăm thanh niên giương cao biểu ngữ “Chúng tôi sẽ không bị bịt miệng” và “Không có công lý, không có hòa bình” rồi diễu hành đến trước Sở Cảnh sát Ferguson. Lực lượng an ninh đẩy lùi họ về phía tòa thị chính. Tại đây, một số xe cảnh sát bị đốt trụi.
Từ thủ đô Washington DC, Tổng thống Barack Obama khẳng định phải truy tố những kẻ phá hoại. “Có nhiều cách tích cực để thể hiện sự thất vọng. Đốt nhà, đốt xe và phá hủy tài sản là hành vi đe dọa tính mạng người khác. Không gì có thể biện minh cho hành động đó. Đó là những hành vi phạm tội” – ông Obama nhấn mạnh.
Dù vậy, ông Obama cũng thừa nhận các cộng đồng thiểu số ở Mỹ đang bức xúc vì sự phân biệt đối xử của cảnh sát. Ông cho biết đã ra lệnh cho Bộ trưởng tư pháp Eric Holder thực hiện các biện pháp nhằm xây dựng lòng tin với các cộng đồng thiểu số và “đảm bảo hoạt động thực thi và bảo vệ pháp luật diễn ra một cách công bằng”.
Cũng trong hôm qua, rất nhiều chuyên gia luật đã lên tiếng chỉ trích việc bồi thẩm đoàn thành phố Ferguson quyết định không truy tố sĩ quan Wilson vì cho rằng anh này đã tự vệ chính đáng.
Chuyên gia luật Sunny Hostin của Hãng CNN đánh giá lời khai của Wilson là “không đáng tin cậy”. Bà Hostin cho biết trong lời khai của Wilson có rất nhiều điểm mâu thuẫn, ví dụ việc anh ta bị đấm hai cú cực mạnh vào mặt nhưng bức ảnh cảnh sát chụp anh ta sau vụ xả súng cho thấy Wilson chỉ bị một vết bầm nhỏ trên má phải.
Các chuyên gia luật khác cũng chỉ ra rằng Wilson đã thể hiện rõ thái độ căm ghét cộng đồng nơi nạn nhân Brown sinh sống trong lời khai. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao công tố viên Robert McCulloch không hề chất vấn Wilson mà để anh ta tự do thoải mái đưa lời khai một chiều cho bồi thẩm đoàn.
Thay vì mở cuộc điều tra rồi trình bày vụ việc lên bồi thẩm đoàn và đưa ra đề nghị cáo trạng, ông McCulloch đổ dồn khối bằng chứng và tài liệu khổng lồ lên bàn bồi thẩm đoàn, buộc họ mày mò suốt ba tháng.
Báo Los Angeles Times dẫn lời giáo sư Ronald Sullivan, giám đốc Viện Công lý hình sự Harvard, đánh giá có những dấu hiệu cho thấy công tố viên McCulloch không muốn truy tố sĩ quan Wilson và mượn tay bồi thẩm đoàn để ra quyết định gây tranh cãi trên.
Luật sư của gia đình nạn nhân Brown cũng lên tiếng chỉ trích công tố viên McCulloch và cho rằng quy trình ra quyết định không truy tố sĩ quan Wilson là “sự đổ vỡ”.
Hiện chính quyền liên bang Mỹ vẫn đang tiếp tục thực hiện cuộc điều tra riêng về vụ xả súng ở Ferguson. Gia đình Brown cũng có thể đâm đơn kiện dân sự Wilson.
Người da đen dễ trở thành mục tiêu Theo khảo sát của báo USA Today, ít nhất 70 sở cảnh sát trên toàn quốc bắt người da đen nhiều gấp 10 lần người da trắng. Nghiên cứu của Hãng ProPublica cho biết thanh niên da đen có nguy cơ bị cảnh sát bắn chết cao gấp 21 lần người da trắng. Hồi tháng 9, một bồi thẩm đoàn ở Ohio cũng từ chối truy tố một sĩ quan cảnh sát vì bắn chết một thanh niên da đen cầm súng hơi trong siêu thị Wal-Mart. |