Ăn chặn tiền hỗ trợ
HTX dịch vụ – thương mại – nông nghiệp Thái Hoà (xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) được Nhà nước cung cấp hàng tỉ đồng để hỗ trợ nông dân.
Ăn chặn tiền hỗ trợ
HTX dịch vụ – thương mại – nông nghiệp Thái Hoà (xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) được Nhà nước cung cấp hàng tỉ đồng để hỗ trợ nông dân.
Tuy nhiên, những cán bộ điều hành HTX đã chia chác hàng trăm triệu đồng trong khoản tiền này.
HTX Thái Hoà được thành lập năm 1979, là tổ chức kinh tế tập thể, tham gia kế hoạch liên minh sản xuất lúa giống Nha Hố – Hải Thuỷ – Thái Hoà từ tháng 2-2012 đến 12-2013. HTX có 71 thành viên chính thức và 23 thành viên ghép, có diện tích 57,5ha đất. |
Xã viên HTX Thái Hoà được dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Bình Thuận (dự án ACP) hỗ trợ 40% kinh phí/hạng mục đầu tư. Kinh phí giải ngân, hỗ trợ mỗi hộ gia đình xã viên không quá 2.000 USD, tương ứng trên 35,39 triệu đồng.
Theo kết luận thanh tra việc quản lý thu chi, sử dụng vốn dự án ACP tại HTX Thái Hoà của UBND huyện Bắc Bình, HTX Thái Hoà được giải ngân trên 2,5 tỉ đồng nhưng hàng trăm triệu đồng trong số tiền này đã không đến tay nông dân.
Theo tìm hiểu, trang thiết bị vật tư nâng cao năng suất lao động như máy xới, máy bơm nước, máy phát cỏ, xe rùa/cút kít, môtơ điện, bình xịt thuốc máy xăng, bình xịt tay, sân phơi hộ gia đình được dự án ACP hỗ trợ với tổng số tiền trên 686,7 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp được HTX hỗ trợ sai đối tượng hoặc lập hồ sơ khống để nhận tiền.
Chẳng hạn như hộ ông Hà Mạnh Hùng (cha của bà Hà Thị Hạnh, kế toán HTX) đăng ký 0,6ha vào liên minh sản xuất lúa giống để HTX chi các khoản chi phí sản xuất với số tiền trên 21,8 triệu đồng, nhưng trên thực tế ông Hùng không sản xuất lúa giống, không thực hiện cam kết.
Trong 18 chiếc máy xới được hỗ trợ chỉ có ba trường hợp đúng đối tượng, 15 trường hợp còn lại thuộc các diện có đăng ký ban đầu nhưng không mua máy. Còn sáu máy bơm nước thì có đến bốn cái được lập hồ sơ khống. Những dụng cụ còn lại như bình xịt thuốc bằng xăng, máy phát cỏ, môtơ điện cũng bị phát hiện với sai phạm tương tự.
Trong tổng cộng 22 trường hợp được hỗ trợ xây dựng sân phơi thì có bảy trường hợp lập hồ sơ chi sai, nghiệm thu sân phơi khống; đa số trường hợp còn lại được lập hồ sơ và nghiệm thu diện tích cao hơn so với diện tích thực tế xây dựng.
Không chỉ có phần tiền hỗ trợ nông dân được lập hồ sơ khống để lấy tiền dự án, mà kinh phí đầu tư chung cho HTX cũng bị ăn chặn. Cụ thể dự án đầu tư một máy Kobe Mitsubishi (máy móc đất) và một máy cày nhỏ (130 triệu đồng, chiếm 40% kinh phí mua), lãnh đạo HTX Thái Hoà không mua sắm mà hợp thức hoá hồ sơ bằng mua hoá đơn bán hàng khống tại Đồng Nai.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bá Thành – chủ nhiệm HTX Thái Hoà- thừa nhận ông xuất thân từ bộ đội, do chưa trải qua trường lớp nghiệp vụ nào nên gặp khó khăn trong việc quản lý HTX.
Về số tiền 130 triệu đồng được dự án hỗ trợ mua một máy Kobe Mitsubishi và một máy cày nhỏ, ông Thành giải thích do vốn hoạt động của HTX không đủ nên lấy 65 triệu đồng mua hoá đơn, số còn lại nhập quỹ hoạt động cho HTX.
Ông Thành cũng cho biết nhiều chi phí khác như tiếp khách, mua lúa giống, vật liệu xây sân phơi… ở huyện Bắc Bình không xuất được hoá đơn. HTX phải làm hợp đồng với đơn vị khác có hồ sơ thanh toán.
UBND huyện Bắc Bình xác định tổng số tiền phải thu hồi nộp ngân sách là trên 708,8 triệu đồng. Sau khi vụ việc bị phát giác, HTX Thái Hoà đã tự giác khắc phục hậu quả, nộp lại số tiền trên 311 triệu đồng.
UBND huyện Bắc Bình đã chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Bắc Bình.