26/11/2024

Máy bay QZ8501 mất tích – Ác mộng tồi tệ nhất của AirAsia

Hãng hàng không giá rẻ AirAsia được hình thành từ hai chiếc máy bay vào năm 2001, rồi từ đó trở thành hãng hàng không khổng lồ với trên 180 máy bay chỉ trong vòng một thập niên, nhưng nay phải đối mặt với cơn ác mộng tồi tệ nhất. Đó chính là vụ máy bay của hãng này chở 162 người mất tích vào ngày 28.12.

Máy bay QZ8501 mất tích – Ác mộng tồi tệ nhất của AirAsia

 

Ông chủ Tony Fernandes của hãng hàng không giá rẻ AirAsia đã phải đối mặt với cơn ác mộng vào ngày 28.12, khi chiếc Airbus 320-200 của AirAsia Indonesia (chi nhánh của AirAsia) chở 162 người mất tích sau khi cất cánh từ sân bay ở thành phố Surabaya để đến Singapore.
 
“Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất của tôi”, ông Fernandes viết trên mạng xã hội Twitter. Có trên 1 triệu người dùng Twitter theo dõi những gì ông Fernandes chia sẻ trên trang mạng xã hội này.
 
“Với cương vị CEO, tôi sẽ có mặt ở đây để cùng các bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua thử thách khủng khiếp này”, ông Fernandes cho hay.
 
Máy bay mất tích sau khi phi công đề nghị chuyển hướng bay để tránh thời tiết xấu. Chính quyền Indonesia tạm ngừng công tác tìm kiếm trong đêm 28.12 và sẽ tiếp tục tìm kiếm vào sáng nay 29.12.
AirAsia, trụ sở chính ở Malaysia, sở hữu 49% cổ phần của AirAsia Indonesia và số cổ phần còn lại do những nhà đầu tư địa phương nắm giữ, theo Reuters.
 
Trước ngày 28.12, AirAsia hoàn toàn không có “vết nhơ” nào trong vấn đề an toàn bay nếu so sánh với hãng đối thủ là Malaysia Airlines (Malaysia), những hãng hàng không Indonesia như Lion Air và Garuda Indonesia vốn đã mất một số máy bay trong những vụ rơi máy bay trong vòng một thập niên vừa qua.
 
“Tony Fernandes và AirAsia được đánh giá cao trong ngành hàng không dân dụng. Hãng hàng không này rất thành công và có thành tích an toàn bay xuất sắc”, Reuters dẫn lời ông John Strickland, Giám đốc Công ty tư vấn JLS Consulting (trụ sở ở Anh), nhận định.
 
AirAsia – từ thua lỗ đến dẫn đầu thế giới
 
AirAsia, có chi nhánh ở Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Indonesia, đã trở thành đối thủ cạnh tranh lớn đối với những hãng hàng không trong khu vực như Malaysia Airline, Singapore Airlines (Singapore) và Qantas (Úc).
Lion Air và AirAsia đứng đầu những hãng hàng không Đông Nam Á với những đơn đặt hàng sắm máy bay do Boeing và Airbus sản xuất trị giá hàng chục tỉ USD.
 
Với 475 máy bay đã đặt hàng hoặc đã nhận, AirAsia vượt lên trở thành khách hàng lớn nhất của Airbus ở châu Á. Đơn đặt hàng của AirAsia quá lớn dẫn đến tranh giành hợp đồng giữa Airbus và Boeing.
Để giành được sự thành công cho AirAsia, ông Fernandes đã trải qua một khoảng thời gian dài “khẩu chiến” với Malaysia Airlines về đường bay và đã lobby thành công để giành quyền được khai thác những đường bay giá rẻ mới ở Malaysia. Ông đã biến đổi AirAsia trở thành hãng hàng không giá rẻ thuộc hàng lớn nhất châu Á.
Theo AFP, ông Fernandes mua lại AirAsia vào năm 2001, lúc bấy giờ hãng đang lâm vào cảnh thua lỗ với hai chiếc máy bay. Ông thế chấp căn nhà và bỏ tiền đầu tư vào AirAsia.
 
Với phương châm “Now everyone can fly” (Bây giờ ai cũng có thể bay – được in trên thân máy của AirAsia), ông Fernandes mở rộng dịch vụ bay giá rẻ ở khắp Đông Nam Á và mở rộng cả thế giới.

 
Ông Fernandes được xếp hạng 28 trong danh sách những người giàu nhất Malaysia do tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn, với tổng trị giá tài sản lên đến 650 triệu USD.
 
Là một người gốc Ấn Độ – Bồ Đào Nha, ông Fernandes có vợ và hai con, thích ăn mặc giản dị với quần jean, áo thun, đội mũ lưỡi trai hơn là mặc những bộ vest sang trọng quyền lực, theo AFP.
 
Chuyên gia hàng không Shukor Yusof, thuộc công ty tư vấn hàng không Endau Analytics (trụ sở Malaysia), nhận định: “Vụ việc này sẽ không làm ảnh hưởng đến tinh thần kinh doanh của ông Fernandes. Đây chỉ là một vụ việc không may mắn. AirAsia sẽ vẫn là một hãng hàng không giá rẻ hùng mạnh nhờ vào tinh thần kinh doanh của ông”.
 
Vào năm 2013, AirAsia được xếp hạng hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới và châu Á trong 5 năm liên tiếp.