Vẫn còn băn khoăn về dự án sân bay Long Thành
Ông Nguyễn Văn Giàu – chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đề nghị cần nghe những ý kiến khác nhau về dự án sân bay Long Thành trước khi quyết định.
Vẫn còn băn khoăn về dự án sân bay Long Thành
Ông Nguyễn Văn Giàu – chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đề nghị cần nghe những ý kiến khác nhau về dự án sân bay Long Thành trước khi quyết định.
Ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (giữa), nghe ông Trần Văn Vĩnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trình bày về dự án sân bay Long Thành sáng 11-12 – Ảnh: Hà Mi |
Đề nghị này được ông Giàu đưa ra tại buổi làm việc với các bộ ngành và tỉnh Đồng Nai chiều 11-12, sau chuyến thị sát dự án sân bay quốc tế Long Thành,
“Như đại biểu Dương Trung Quốc nói đi để cho “vỡ” ra, chúng ta công khai, minh bạch để người duyệt, người làm dự án cũng không áy náy”- ông Giàu nói.
Dự án “treo” nhiều năm
Tiền đền bù không đủ tái định cư Để làm rõ hơn thông tin từ cơ sở, ông Nguyễn Văn Giàu đã hỏi lãnh đạo xã Long An (huyện Long Thành) về tâm trạng của dân khi có đất nằm trong dự án phải thu hồi giải tỏa ra sao. Đại diện UBND xã Long An cho biết: “Dân đồng tình nhưng quan trọng nhất là đền bù tái định cư. Vì thực tế các dự án quốc gia công cộng khi thu hồi đền bù cho dân không thỏa đáng. Tiền đền bù không đủ mua nhà tái định cư nên đề nghị trung ương xem xét nếu cho làm dự án”. Tiếp đó, đại diện xã Suối Trầu nói về những hộ chưa đồng tình cho rằng “có thể quy hoạch treo quá lâu nên dân không đồng tình”. |
Nói về quá trình chuẩn bị cho dự án, ông Trần Văn Vĩnh – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – cho hay dự án đã quy hoạch được 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa chấp thuận chủ trương nên dân muốn đầu tư sản xuất dài hạn cũng rất khó khăn.
Theo ông Vĩnh, đến thời điểm này tỉnh Đồng Nai đã tiến hành điều tra thông tin để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết việc làm đối với sáu xã khu vực dự án thuộc huyện Long Thành.
Kết quả, đa số người dân, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học nằm trong khu vực xây dựng dự án đều đồng tình.
Cụ thể, tổng diện tích được điều tra có trên 4.400/5.000ha đất bị thu hồi của hơn 4.500 hộ gia đình với hơn 14.400 nhân khẩu thì chỉ có 25 hộ chưa đồng tình với chủ trương xây dựng dự án.
Về kinh phí ước tính thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư là hơn 18.500 tỉ đồng.
Trong đó 13.000 tỉ đồng dành cho công tác bồi thường với hai giai đoạn, số còn lại dành cho xây dựng hai khu tái định cư để bố trí cho khoảng 3.500 hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng.
Cũng theo tỉnh Đồng Nai, để chuẩn bị cho việc thực hiện dự án, tỉnh cũng đã quy hoạch hai khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn và Bình Sơn với diện tích 564ha, kinh phí xây dựng là 5.390 tỉ đồng
Theo ông Vĩnh, Đồng Nai cũng đã chuẩn bị phương án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho các hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án…
Đoàn công tác Quốc hội và các bộ ngành đi thị sát vị trí dự án sân bay Long Thành tại xã Bình Sơn (Long Thành, Đồng Nai) sáng 11-12 – Ảnh: Hà Mi |
“Có lợi ích nhóm không?”
Ông Nguyễn Văn Phúc – phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội – đặt vấn đề: “Trong 5.000ha có những tổ chức, cá nhân nào biết được quy hoạch sân bay rồi mua, chuyển nhượng đón đầu để hưởng chênh lệch? Có xã bị giải tỏa trắng thì có tính toán để lập xã mới có chính quyền quản lý hay đưa họ vào chung cư vì chúng tôi đã gặp những trường hợp rất phức tạp…”.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) hỏi tiếp: “Theo số liệu tính toán làm 1ha sân bay tốn 200.000 USD. Vì vậy quy mô 3.000ha hay 5.000ha phải cần xem xét bởi thu hồi đất của dân nhiều. Còn không chúng ta phải trả giá nếu ngưng dự án”.
Trước gợi mở của ông Nguyễn Văn Giàu về việc cần phải phản biện, ông Nguyễn Hữu Quang (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Quốc hội) đặt vấn đề: “Về lâu dài tôi ủng hộ dự án này nhưng xem lại quy mô dự án. Làm lúc này có sớm không?”.
Theo ông Quang, trong phần vốn dự án có ngân sách nhà nước, ODA… tất cả đều tính vào nợ công. “Nợ công là nợ chung của nền kinh tế. Phát triển cái này nó ảnh hưởng đến cái khác. Giờ ngân sách nhà nước lúc này cực kỳ khó khăn…” – ông Quang lưu ý.
Đi thẳng vào vấn đề, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt câu hỏi: “Có lợi ích nhóm không? Có sự đầu cơ đất đai không?”.
Ông Quốc cho rằng nan giải nhất hiện nay là bài toán kinh phí để thực hiện dự án. Trong khi đây là dự án tổng thể của vùng lẽ ra phải đặt vấn đề này sớm hơn nhưng quy hoạch kéo dài 10 năm là quá lãng phí. “Sự phản biện lúc này chính là bức xúc của người dân” – ông Quốc nói.
Lưu ý với Đồng Nai về dự án trên, ông Nguyễn Doãn Khánh – phó Ban Nội chính trung ương – đề nghị rà soát lại số hộ dân chưa đồng tình và tổ chức sắp xếp dân cư ra sao trước khi trình Quốc hội cho chủ trương. Ngoài ra phải tính thêm cách thức tổ chức việc làm bởi không đơn thuần là đưa dân nông thôn ra các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là xong. “Vì nhu cầu làm việc, khả năng đáp ứng của mỗi người khác nhau” – ông Khánh nói.
Giải trình thêm nhiều thắc mắc của các đại biểu, ông Đinh Quốc Thái – chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – tiếp thu nhiều ý kiến góp ý. Ông giải thích thêm có gần phân nửa đất thu hồi của dự án nằm trong phần đất của Tổng công ty Cao su và sự chuẩn bị cả một quá trình lâu dài cho dự án như các khu tái định cư để tránh chuyện thu hồi đất mà dân chưa có chỗ ở.
“Cái này không phải lợi ích riêng của tỉnh mà có cả lợi ích quốc gia và của cả vùng nên tỉnh vẫn muốn có chủ trương để làm sớm”-ông Thái đề nghị.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định bộ này đã tính toán nhiều phương án để chọn vị trí dự án ở Đồng Nai, cả về diện tích và các dịch vụ đi kèm. “Đây là vấn đề cấp bách cần phải có chủ trương cho làm, sau đó thông tin chi tiết về dự án sẽ phải giải trình tiếp…” – ông Đông nói.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Giàu cho hay với những băn khoăn của một số đại biểu, đoàn giám sát sẽ gợi ý cho Bộ GTVT và UBND tỉnh Đồng Nai bổ sung còn thiếu gì phải giải trình thêm cho chi tiết, dễ hiểu để trình Quốc hội thời gian tới. “Nhưng Bộ GTVT phải làm nhanh để có báo cáo cho Bộ Chính trị báo cáo trước Ban Chấp hành trung ương” – ông Giàu kết luận.