27/11/2024

Lào làm thủy điện Don Sahong: “Chuỗi đại bác” thủy điện Mekong

Trên dòng sông Mekong từ Trung Quốc đến Campuchia có tất cả 19 dự án thủy điện (xem bản đồ). Trong đó, sáu đập đã hoàn thành, còn lại đang và sẽ xây dựng.

 

Lào làm thủy điện Don Sahong: “Chuỗi đại bác” thủy điện Mekong

 

Trên dòng sông Mekong từ Trung Quốc đến Campuchia có tất cả 19 dự án thủy điện (xem bản đồ). Trong đó, sáu đập đã hoàn thành, còn lại đang và sẽ xây dựng. 

 

 

Khi tất cả hoàn thành, đó là tai họa cho vựa lúa ĐBSCL của Việt Nam.

Công trình thủy điện Xayaburi của Lào đang được xây dựng – Ảnh: AFP

Lào đã chính thức công bố ý định và sắp hoàn tất quá trình tham vấn các nước để xây thủy điện Don Sahong (Đông Sa Hồng) trên sông Mekong. VN sẽ đối mặt những nguy cơ rất lớn khi thủy điện này xây dựng.

Đó là nội dung tọa đàm “Thủy điện Don Sahong và thách thức đối với Việt Nam” do Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) tổ chức ngày 10-12 tại Hà Nội. Mở đầu, ông Nguyễn Nhân Quảng, nguyên phó tổng thư ký Ủy ban sông Mekong VN, nêu từ tháng 9-2013, Lào chỉ gửi “thông báo” về việc dự kiến xây thủy điện Don Sahong thay vì phải tiến hành tham vấn các nước liên quan theo Hiệp định Mekong.

Lý do được đưa ra là thủy điện Don Sahong chỉ nằm trên nhánh của sông Mekong. Tuy nhiên, ngay sau đó đã có những ý kiến phản ứng.

VN có thể đối diện “mất mát không thể sửa chữa”

Tới tháng 6-2014, sau gần một năm, Lào mới chấp nhận đó là thủy điện trên dòng chính và đưa ra tham vấn. Tuy nhiên, ông Quảng lưu ý thời gian tham vấn sáu tháng sắp hết, cơ hội thể hiện sự quan ngại tới Lào không còn nhiều.

Trong khi đó, ông Quảng nêu lại bài học thủy điện Xayaburi, khi các nước đề nghị dừng lại để nghiên cứu thêm, Lào vẫn xây. “Đến nay đập Xayaburi đã hoàn thành tới 30%” – ông Quảng nói.

Ông Ngô Thuần Khiết (Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật VN):

Tăng việc nhiễm mặn ở ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động của nước biển dâng. Nếu các thủy điện chặn nước vào mùa khô sẽ tác động đến xâm nhập mặn. Diện tích đất ĐBSCL đã được đánh giá có thể giảm 5% vì xâm nhập mặn. Thủy điện giảm thêm nước sẽ khiến có tác động xấu hơn. Vấn đề bây giờ là phải thuyết phục Lào để tối thiểu hóa tác động xấu.

Vấn đề là nếu thêm đập Don Sahong được xây, nguy cơ là rất lớn. Báo cáo của Tổ chức Mạng lưới sông ngòi VN nêu làm đập thủy điện sẽ khiến phù sa giảm, làm đất bạc màu và năng suất lúa, hoa màu giảm. Chi phí canh tác, phân bón, kiểm soát dịch bệnh tăng.

Bà Ngụy Thị Khanh, thành viên Tổ chức Mạng lưới sông ngòi VN, nhận định việc xây đập còn đáng lo khi nhiều đập trên dòng chính Mekong hiện nay do nhà đầu tư Trung Quốc đề xuất và làm.

Bà Khanh cũng cho rằng nếu làm thủy điện, lợi ích lớn nhất vào tay nhà đầu tư chứ không hẳn người dân Lào. Các đập thủy điện sẽ tạo sự mất mát lớn và không thể sửa chữa với ĐBSCL.

Tác động đáng sợ

TS Đào Trọng Tứ, giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, cho rằng khi phát triển thủy điện quá nhanh, nhìn lại sẽ thấy tác động kinh khủng và không thể khắc phục được.

Ông Tứ cho biết đã đọc kỹ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án, mùa khô có tới 50% nước sông Mekong đi qua đập Don Sahong.

Về kỹ thuật, Don Sahong là đập dâng nhưng theo ông Tứ, nó có thể có tác động điều tiết ghê gớm. Một ngày hồ chứa này có thể chứa mấy trăm triệu mét khối nước thì hạ nguồn có thể khô kiệt, mà đó mới là một hồ.

Nhất là các hồ thủy điện ở Lào lại do nhiều nhà đầu tư khác nhau, từ Trung Quốc, Thái Lan… nên việc phối hợp rất khó. Đặc biệt, ông Tứ cảnh báo Don Sahong sẽ “tác động đáng sợ” với sinh thái cá ở ĐBSCL và Campuchia.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, nguyên trưởng nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường hệ thống đập trên dòng chính Mekong, nhắc lại ĐTM đập Xayaburi kém chất lượng, không hề đánh giá tác động xuyên biên giới và “báo cáo ĐTM cho Don Sahong cũng đang theo tiền lệ xấu của Xayaburi”.

Con đập Don Sahong sẽ tác động nghiêm trọng đến nguồn thủy sản của cả lưu vực vì nằm ngay giáp biên giới Campuchia (Don Sahong thuộc huyện Khong, tỉnh Champasak, miền Nam Lào, cách biên giới Lào – Campuchia chưa đến 2km) – “nút cổ chai” cho luồng cá di cư.

Ông Thiện cho biết sản lượng cá nước ngọt của hạ lưu sông Mekong tới 2,1 triệu tấn, chiếm 20% tổng lượng cá nước ngọt thế giới, đập Don Sahong sẽ chặn đúng dòng duy nhất mà cá có thể di cư dễ dàng quanh năm.

Đặc biệt, nhiều loài sinh vật như bông điên điển, cá phải chờ tín hiệu dòng sông như nước lên mới di cư, sinh sản, trổ bông… trong khi đó, nếu các đập trên Mekong được xây dựng, mùa khô có thể bị chuyển thành mùa nước hoặc ngược lại rất đột ngột.

Các con đập cũng sẽ ngăn phù sa, nguồn dinh dưỡng khiến giảm năng suất thủy sản…

Việc nhà thầu Malaysia tuyên bố áp dụng cách vừa xây dựng vừa nghiên cứu là rủi ro rất lớn. Nếu những tác động không giải quyết được thì cộng đồng trong vùng Mekong sẽ phải trả giá.

Mô hình thủy điện Don Sahong (Lào) đang gây lo lắng – Đồ họa: V.CƯỜNG

Làm sao ngăn “chuỗi đại bác”

Ông Đào Trọng Tứ cảnh báo đập Don Sahong nếu được xây dựng sẽ là câu chuyện đặc biệt, vì nó có thể bắt đầu cho “chuỗi đại bác” xây dựng liên tiếp các thủy điện trên dòng Mekong. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Nhân Quảng, tại thượng nguồn sông Mekong Trung Quốc đã dự kiến làm 11 đập, trong đó đã xây xong sáu thủy điện, có dự án rất lớn như: Mãn Loan 1.500 MW, Tiểu Loan 

4.200 MW và đặc biệt đã có dự án cực lớn là Nọa Trác Độ 5.860 MW… Lưu vực từ Lào đến Campuchia, ngoài Xayaburi đang xây, hiện còn 10 dự án khác đã lên kế hoạch.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Quảng tiết lộ nhà đầu tư Trung Quốc đang dự định làm thêm thủy điện Pak Beng phía thượng lưu thủy điện Xayaburi. Ngoài ra, có thông tin Trung Quốc đang nghiên cứu và có thể giúp Campuchia xây thủy điện Sambo quy mô hơn 3.000 MW.

“Như thế thì cực kỳ nguy hiểm cho ĐBSCL” – ông Quảng nói. Tuy nhiên, ông Quảng cũng lưu ý VN còn nhiều con đường khác để có ảnh hưởng đến quyết định xây đập. “Cần có nhiều phương án, để tránh như đập Xayaburi, ban đầu cứ nói chắc Lào không xây nhưng sau đó họ cứ xây”.

Mạnh mẽ nêu quan điểm đề nghị cần tôn trọng sự toàn vẹn cho sông Mekong và phản đối tất cả thủy điện trên dòng chính sông Mekong là ý kiến của bà Phan Cẩm Nhung, đại diện Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF).

Bà Nhung cho rằng các quyết định phải dựa trên căn cứ khoa học. WWF cũng đề nghị sự minh bạch, đầy đủ trong báo cáo ĐTM và báo cáo này cần có sự tham gia của các nước. Lâu dài WWF mong đưa công ước về sử dụng nguồn nước được tất cả các nước lưu vực Mekong phê chuẩn và thực hiện.

Bà Lâm Thị Thu Sửu (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội, điều phối viên mạng lưới sông ngòi Việt Nam):

Khoảng 14 triệu nông dân ĐBSCL bị ảnh hưởng

Nếu tất cả 11 dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong đều được xây dựng và vận hành thành công thì 54% trên tổng số diện tích hoa màu hai bên bờ sông chắc chắn bị mất.

Ngoài ra, một lượng lớn diện tích đất cũng bị mất để làm hồ chứa cho các đập thủy điện trên dòng chính và tuyến dây tải điện. Người ta ước tính sự mất mát này có giá trị khoảng 25,1 triệu USD/năm.

Ngoài ra các thủy điện còn làm giảm tải lượng dinh dưỡng cần thiết cho nền nông nghiệp và ước tính thiệt hại này khoảng 24 triệu USD/năm để có thể duy trì năng suất nông nghiệp so với hiện nay.

Khi các đập thủy điện dòng chính sông được xây dựng xong, tải lượng phù sa hằng năm của sông Mekong (160 triệu tấn) sẽ giảm chỉ còn 1/4. Mất phù sa kết hợp với hiện tượng giảm bồi lắng ven biển dẫn đến mất cơ hội mở rộng lãnh thổ vùng ĐBSCL.

Về mặt tác động xã hội, các chuyên gia đánh giá Việt Nam sẽ có khoảng 14 triệu nông dân và ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp do có thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Sinh kế của ít nhất 2,1 triệu người chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Trong số này sẽ có khoảng 107.000 người phải chịu tác động trực tiếp vì mất nhà cửa, đất đai và buộc phải tái định cư.

ĐỨC TUYÊN ghi

CẦM VĂN KÌNH