27/11/2024

Cướp biển bùng phát ở Đông Nam Á

Trong khi số vụ cướp biển ở Somali giảm thì số vụ tại vùng biển Đông Nam Á lại tăng gấp đôi và bọn cướp cũng ngày càng hung hãn.

 

Cướp biển bùng phát ở Đông Nam Á

 

 

Trong khi số vụ cướp biển ở Somali giảm thì số vụ tại vùng biển Đông Nam Á lại tăng gấp đôi và bọn cướp cũng ngày càng hung hãn.

 

 

Cướp biển bùng phát ở Đông Nam Á
Khu vực tàu Sunrise 689 và VP Asphalt 2 bị cướp  được đánh giá “rất nghiêm trọng” – Ảnh: Cục Hàng hải VN

 

Theo thống kê của Văn phòng Hàng hải quốc tế, từ tháng 1 đến tháng 9.2014 đã xảy ra 178 vụ cướp biển trên thế giới. Trong đó, số vụ cướp biển ở Somali giảm còn 10 vụ, tại Nigeria giảm còn 13 vụ, còn ở Đông Nam Á lại tăng gấp đôi với 103 vụ.

Ngày càng tàn độc

Một thống kê từ Cục Hàng hải VN cũng cho thấy, từ tháng 1 – 9.2014, cướp biển tại khu vực neo và cảng Indonesia giảm (41 vụ năm 2014 và 62 vụ năm 2013), nhưng số vụ xảy ra tại khu vực eo biển Malacca và Singapore, biển Đông, Bangladesh và Ấn Độ có dấu hiệu gia tăng. Số liệu mới cập nhật tháng 10.2014, có 18 vụ cướp diễn ra thì 7 vụ xảy ra tại khu vực eo Malacca và Singapore, 3 vụ xảy ra ở Indonesia. Đáng chú ý, khoảng 15 vụ cướp có súng, dao và 80% trong số đó các thuyền viên bị đe doạ, đánh đập, bắt làm con tin.

Theo ông Võ Duy Thắng, Trưởng phòng An toàn – An ninh hàng hải (Cục Hàng hải VN), từ tháng 9.2013, Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao đã có văn bản cảnh báo tới các chủ tàu, hiệp hội về nguy cơ gia tăng cướp biển ở khu vực Đông Nam Á như eo biển Singapore, Malacca…, đề nghị thực hiện các biện pháp phòng vệ khi đi qua khu vực này. Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cũng đã có thông báo hướng dẫn cách ứng phó cướp biển cho các tàu đi qua khu vực. Tuy nhiên, thực tế những vụ cướp biển diễn ra gần đây cho thấy các vụ cướp được thực hiện rất nhanh gọn, tinh vi khiến đa phần thuyền viên trên tàu không kịp phản ứng. “Tại khu vực Somali, cướp biển có tính chất hung tợn, thường nhằm vào mục đích bắt tàu đòi tiền chuộc, nhiều tàu của các nước cũng đã thuê các lực lượng bảo vệ tàu chuyên nghiệp. Khu vực châu Á chủ yếu các đối tượng nhắm vào cướp hàng, vũ khí trang bị cũng thô sơ hơn như dao kiếm. Nhưng gần đây đã ghi nhận gia tăng về tính chất hung bạo, sử dụng súng trong các vụ cướp”, ông Thắng thông tin thêm.

Khuyến cáo của Cục Hàng hải quốc tế cũng đã chỉ ra những khu vực luôn tiềm ẩn nguy cơ cướp biển ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương. Theo đó, vùng biển Indonesia ở khu vực quần đảo Anambas/Natuna/Mangkai/ Subi Besar, cướp biển thường được trang bị súng, dao hoặc dao phay và tấn công tàu vào ban đêm. Khu vực biển Malaysia được cảnh báo ở ngoài khơi Tioman/Pulau Aur. Còn các tàu đi qua khu vực eo biển Singapore được khuyến cáo nên duy trì chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đề phòng, cướp biển thường tấn công tàu trong khi hành trình hoặc neo đậu tại khu vực phía đông ngoài vùng giới hạn neo (OPL).

Tránh đối đầu cướp

Trung tâm chia sẻ thông tin của tổ chức Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp vũ trang tấn công tàu thuyền tại châu Á (ReCAAP ISC) khuyến cáo các thuyền viên tránh đối đầu với cướp biển, đặc biệt khi cướp biển được vũ trang. Theo Cục Hàng hải quốc tế, tại eo biển Malacca, những tàu có hành trình đi qua đây nên duy trì chế độ kiểm tra chặt chẽ để tránh nguy cơ cướp biển; tăng cường cảnh giới nghiêm ngặt bằng mắt thường cũng như radar, khi phát hiện có dấu hiệu tàu nghi cướp biển cần kích hoạt hệ thống báo động an ninh và liên lạc với các tổ chức quốc tế để có sự phối hợp kịp thời. Tại eo biển Singapore, tàu thuyền được khuyến cáo duy trì chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đề phòng cướp biển tấn công khi trong hành trình hoặc neo đậu tại khu vực phía đông…

Cục Hàng hải khuyến cáo các chủ tàu, đơn vị quản lý tàu nên mua bảo hiểm cướp biển (Piracy Insurance) đối với những tàu hoạt động ở vùng biển có nguy cơ cướp biển cao, để giảm thiểu gánh nặng tài chính trong trường hợp có rủi ro xảy ra. Các chủ tàu thường xuyên tuần tra trên tàu khi đi qua các khu vực được xem là điểm đen cướp biển. Nếu thấy vấn đề khả nghi phải báo cáo ngay về Trung tâm an ninh – Cục Hàng hải VN cũng như quốc tế. Trong vùng cảng biển của Đông Nam Á, VN đã ký hợp tác về phòng chống bạo loạn, phòng chống cướp biển với các tàu thương mại và hàng hoá không được trang bị vũ khí. Vì vậy, khi xảy ra cướp biển các thuyền viên cần bấm nút cấp cứu để các tàu tuần tra trong khu vực tổ chức ứng cứu. Hiện tại, Malaysia có tổ chức chống cướp biển quốc tế đóng tại vùng biển nước này. Để đảm bảo an toàn, Trung tâm an ninh – Cục Hàng hải sẽ tăng cường công tác huấn luyện an ninh cho các thủy thủ để họ có kỹ năng tự bảo vệ và xử lý tình huống bất trắc trên biển. Cục này cũng đã thiết lập một đường dây nóng dành cho thủy thủ, công nhân cảng, đại lý tàu biển… Nếu phát hiện được thông tin liên quan đến tội phạm hàng hải, trong đó có cướp biển, cần báo ngay qua đường dây nóng: Tel: + 60 3 2031 0014, Fax: +60 3 2078 5769, Telex: MA 34199 E-mail: [email protected].

 

Nơi trú ẩn của cướp biển

Theo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN (VMRCC), trong năm 2014 có 2 tàu của VN bị cướp biển tấn công ở vùng biển Đông Nam Á. Cụ thể, tàu VP Asphalt 2 của Công ty CP Vận tải hóa dầu VP bị tấn công vào lúc 4 giờ 30 sáng 7.12 vừa qua khi đang trên hành trình về VN, ở vị trí cách Singapore khoảng 60 hải lý. Vị trí tàu VP Asphalt 2 bị cướp gần với vị trí tàu Sunrise 689 bị tấn công ngày 2.10 khi đang chở 5.226 tấn dầu gaso khởi hành từ cảng Horizon, Singapore về cảng Cửa Việt (VN). Đến nay, vẫn chưa tìm ra tung tích thủ phạm vụ cướp tàu Sunrise 689. “Đây là vùng biển giáp ranh giữa nhiều nước Singapore, Malaysia, Indonesia… có nhiều hòn đảo nhỏ được cho là nơi trú ẩn của cướp biển”, ông Ngô Hữu Việt, Phó giám đốc Trung tâm an ninh hàng hải thuộc Cục Hàng hải, nói.

 

Thanh Niên