26/11/2024

Giá dầu thấp: lợi hay hại?

Sự trượt dốc của giá dầu có thể ảnh hưởng đến một số quốc gia xuất khẩu dầu, nhưng nhìn chung sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

 

Giá dầu thấp: lợi hay hại?

 

Sự trượt dốc của giá dầu có thể ảnh hưởng đến một số quốc gia xuất khẩu dầu, nhưng nhìn chung sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

 

 

Đường cung cấp khí đốt khổng lồ South Stream đã bị tạm ngừng - Ảnh: AFP
Đường cung cấp khí đốt khổng lồ South Stream đã bị tạm ngừng – Ảnh: AFP

Đó là khẳng định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). 

“Sẽ có người thắng kẻ thua, nhưng cơ bản đây là tin tốt cho nền kinh tế toàn cầu” - AFP dẫn lời phát biểu đầu tiên của bà tổng giám đốc IMF Christine Lagarde kể từ khi giá dầu rớt 18% hồi tháng trước. Giá dầu mỏ giảm đến 30% kể từ tháng 6 và mất đến 10 USD/thùng tuần qua, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết không giảm sản lượng.

Giá dầu trồi sụt trong hai ngày qua, giảm còn 68,5 USD/thùng ngày 2-12 sau khi hồi phục nhẹ trước đó một ngày. Giá dầu Brent tuột về mốc 72 USD/thùng.

Ngày 1-12, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã tăng trở lại từ mức thấp kỷ lục trong năm năm qua, giá dầu thô ngọt nhẹ vào khoảng 69 USD/thùng và dầu Brent bán với giá 72,54 USD/thùng.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định diễn biến mới chỉ là sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật của thị trường sau cú sốc tuần trước, khi thị trường cho rằng mức giảm vừa qua đủ để thể hiện sự thất vọng đối với quyết định của OPEC.

Tin tốt

Theo lãnh đạo IMF, giá dầu giảm mạnh sẽ là đòn đau cho các nhà sản xuất và xuất khẩu nhưng lại giúp người tiêu dùng và các doanh nghiệp giảm bớt chi phí năng lượng.

“Nếu giá dầu giảm 30%, nó sẽ giúp cộng thêm 0,8% vào tăng trưởng của nền kinh tế phát triển bởi tất cả họ đều nhập khẩu dầu” – bà Lagarde phân tích.

Giá năng lượng thấp dự kiến giúp Mỹ tăng trưởng 3,5% trong năm sau, tăng mạnh so với dự đoán 3,1% trước đó. Nó cũng sẽ thắp lên hi vọng cho châu Âu, Nhật và các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc vượt qua giai đoạn trì trệ của kinh tế.

Dù vậy, giá dầu chỉ thật sự có lợi nếu các nước biết tận dụng. “Giá năng lượng ảnh hưởng đến giá hàng hóa và dịch vụ, nếu chúng giảm cũng sẽ làm gia tăng giảm phát và các căn bệnh kèm theo đó” – nhà kinh tế chính trị Will Hutton cảnh báo trên tờ Guardian.

Trước đó, báo cáo của IMF nhận định nền kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với những thách thức khu vực, nhất là sự tăng trưởng quá chậm của châu Âu.

Tuy nhiên lãnh đạo IMF cũng cảnh báo giá dầu giảm sẽ làm suy yếu kinh tế các nước xuất khẩu như Nga, Iran, Venezuela hay Nigeria. “Tôi nghĩ cần theo dõi những nước bị ảnh hưởng mạnh bởi sự sụt giảm giá dầu. Venezuela rõ ràng là nước sẽ gặp khó khăn” – bà Lagarde nói.

Dầu thô chiếm đến 96% giá trị xuất khẩu của Venezuela và sự mất giá đã khiến nước này lao đao. Bà cũng cảnh báo các nước Trung Đông nên sẵn sàng cho thâm hụt tài chính và cho biết IMF sẽ giúp các nước xuất khẩu dầu mỏ nhỏ.

Nguy cơ khủng hoảng

Các chuyên gia không loại trừ khả năng giá dầu sẽ giảm xuống dưới 40 USD/thùng.

Trong khi đó, những quốc gia sản xuất dầu mỏ đã quen với mức giá khoảng 100 USD/thùng nên không đa dạng hóa nền kinh tế, hoặc thực hiện quá trình này quá chậm chạp. Nếu sự trượt dốc của dầu thô kéo dài, những nước này và sau đó là cả thế giới có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng chính trị và xã hội nghiêm trọng.

Giá đồng rúp của Nga sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục khiến mối lo ngại về nền kinh tế Nga leo thang. Ngày 1-12 đồng rúp giảm tới 4% so với đồng USD, hiện ở mức 1 USD đổi được 52 rúp, thấp kỷ lục kể từ năm 1998.

Matxcơva thiệt hại 140 tỉ USD/năm do giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Bộ Kinh tế Nga cảnh báo kinh tế nước này sẽ suy thoái trong năm 2015 với tăng trưởng âm 0,8% thay vì 1,2% như dự báo trước đó.

Theo báo Wall Street Journal, các nhà đầu tư từ trước đã lo ngại về sự gia tăng chi phí sản xuất dầu và việc giảm giá “vàng đen” có thể sẽ làm chậm lại hàng loạt dự án lớn trên toàn cầu.

Những khu vực chịu thiệt hại nhiều nhất sẽ là châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Các nhà sản xuất dầu và khí đốt hàng đầu thế giới mới đây đã bắt đầu lên kế hoạch siết chặt chi phí trong năm sau.

Nga ngừng xây đường ống khí đốt cho châu Âu

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa bất ngờ tuyên bố gác lại dự án đường ống cung cấp khí đốt South Stream trị giá hàng tỉ USD sang châu Âu. Lý do: Liên minh châu Âu (EU) đã gây cản trở việc xây dựng đường ống tại Bulgaria.

Hôm qua, các hãng tin Nga dẫn lời giám đốc điều hành tập đoàn khí đốt thuộc sở hữu nhà nước Gazprom là Alexei Miller: “Vậy đó, dự án đã khép lại”.

Cho đến nay, Gazprom đã đầu tư gần 4,7 tỉ USD vào dự án South Stream. Một số ước tính cho biết tổng chi phí xây dựng dự án có thể lên đến 20 tỉ USD.

Theo AFP, đường ống South Stream sẽ dẫn khí đốt (ở mức 63 tỉ m3/năm) đi qua vùng lãnh hải của Thổ Nhĩ Kỳ ở biển Đen và bán đảo Balkan, xuyên qua Bulgaria, Serbia, Hungary và Slovenia đến Áo để kết nối với mạng lưới đường ống dẫn khí của châu Âu.

Theo BBC, phần đường ống trên đất liền đã bắt đầu tại Bulgaria vào tháng 10-2013 trước khi bị hoãn lại vào tháng 6 vừa qua. Trước áp lực lớn từ EU và Mỹ, Bulgaria đã quay lưng với dự án South Stream mà trước đây từng ủng hộ hết mình.

Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1-12, ông Putin tiết lộ Matxcơva sẽ chọn nước này làm đối tác ưu tiên cho một đường ống dẫn khí đốt thay thế dự án South Stream, cam kết giảm giá khí đốt và cho rằng trong tương lai Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò quan trọng như là một trung tâm khí đốt. Ngoài ra ông cũng nói rõ rằng phần khí đốt không chuyển được cho châu Âu sẽ được chuyển hướng sang châu Á.

ANH THƯ

TRẦN PHƯƠNG