Điêu đứng vì tôn giả
Chiếm thị phần ước tới 20%, tôn giả đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng, gây ảnh hưởng tới kinh tế…
Điêu đứng vì tôn giả
Chiếm thị phần ước tới 20%, tôn giả đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng, gây ảnh hưởng tới kinh tế…
|
Tại hội thảo mới đây ở Hà Nội với chủ đề “Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép: nhận diện và quản lý”, các đại biểu tham dự đều cho rằng, hoạt động buôn lậu, nhái tôn thép trong nước đang diễn ra hết sức phức tạp với thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn và diễn ra ở khắp các địa phương trong cả nước.
Thiệt hại 1.300 tỉ đồng vì tôn giả
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tôn Hoa Sen cho biết: Mỗi mét tôn giả người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại khoảng 4.000 – 6.000 đồng. Với thị phần khoảng 20% như nói trên, số tiền mà người tiêu dùng thiệt hại do mua phải tôn giả năm 2014 lên tới khoảng 1.300 tỉ đồng. Từ thực tế này, ông Vũ cho rằng, để chống hàng giả trước hết phải lành mạnh hóa thị trường, đồng bộ từ cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Cụ thể, quản lý thị trường (QLTT) phải làm liên tục, hết trách nhiệm, buộc các doanh nghiệp phải công bố công khai tiêu chuẩn hàng hóa ngay tại cửa hàng. Theo lời ông Vũ, năm 2013, tôn Hoa Sen chiếm 39,31% thị phần trong nước. Nhưng chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ này giảm 2,6% do tôn giả – nhái, tương đương gần 45.000 tấn, dẫn đến lãi gộp bị mất 118 tỉ đồng.
|
Ông Nguyễn Văn Sưa – Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thông tin: Theo thống kê của VSA, hiện nay nước ta có 15 công ty lớn là thành viên của VSA và một số cơ sở nhỏ sản xuất tôn thép mạ, tôn phủ màu với năng lực sản xuất trên 4 triệu tấn/năm, được đánh giá là số 1 trong các nước ASEAN cả về số lượng, chất lượng. Tuy nhiên, đầu ra cho tiêu thụ lại đang gặp không ít khó khăn do vấn nạn hàng giả, hàng nhái trà trộn chiếm lĩnh thị trường. Đây chính là “rào cản” khắc nghiệt, khiến cho ngành tôn thép trong nước chỉ phát huy được khoảng 60% năng lực, phải đẩy mạnh xuất khẩu 664.000 tấn mới tiêu thụ hết số hàng sản xuất trong nước trong 10 tháng đầu năm.
Giả nhiều nhưng bắt được ít
Chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất tôn thép chân chính, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục QLTT Bộ Công thương, cho biết: Trước thực trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp, Chính phủ và đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Công thương đã chỉ đạo lực lượng QLTT vào cuộc quyết liệt, kiểm tra tịch thu khoảng 10.000 tấn các loại tôn, thép. Trong số này, tính riêng trên địa bàn TP.Hà Nội bắt khoảng gần 200 tấn tôn nhập khẩu nhái nhãn nổi tiếng và đang tiến hành điều tra làm rõ thêm. Tại Vĩnh Phúc, QLTT đã trực tiếp kiểm tra và xử lý 16 vụ, đồng thời cũng đang trong quá trình điều tra để làm rõ. Theo đánh giá của ông Tín, tình trạng tôn, thép bị làm giả, làm nhái tương đối phổ biến nhưng kết quả thanh tra, xử lý chưa tương xứng với thực tế diễn ra. Vì đa phần hàng giả, hàng nhái không bày bán tại các cửa hàng mà được cất giấu ở những kho riêng nên việc kiểm tra, xử lý chỉ phát hiện được sự gian lận về giá cả, niêm yết giá. Trong khi gian lận thương mại phổ biến tại các cửa hàng, công ty là độ dày thực tế của tôn thấp hơn so với thông tin đã in.
Theo ông Trần Việt Hưng, Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, trong năm 2014, đơn vị này đã bắt giữ 64.500 tấn tôn thép các loại, với sai phạm chủ yếu là khai báo sai về tên hàng, mã số HS để gian lận thuế, trốn thuế, mà nguyên nhân là do các quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu mặt hàng tôn thép còn nhiều bất cập, dễ bị lợi dụng. Ông Hưng chỉ rõ: Do việc áp mã để tính thuế còn phức tạp nên dễ dẫn đến khi nhập khẩu doanh nghiệp khai báo một loại, khi bán ra thị trường lại quảng cáo bán là loại khác, đã tạo điều kiện để các đối tượng gian lận về chất lượng.
Chính vì vậy, ông Hưng kiến nghị nhà nước cần sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu theo hướng: hàng hóa khi nhập khẩu về VN phải ghi đầy đủ các yếu tố bắt buộc như xuất xứ, nhãn hiệu để bảo đảm kiểm soát có hiệu quả nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định bộ tiêu chuẩn về chất lượng thép nhập khẩu bảo đảm sát với yêu cầu thực tế, tránh làm kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng gian lận.
Minh Sang