Biển Đông vẫn dậy sóng năm tới
Năm 2016 có khả năng trở thành một năm bước ngoặt về vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Biển Đông vẫn dậy sóng năm tới
Năm 2016 có khả năng trở thành một năm bước ngoặt về vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Giàn khoan Hải Dương 981 – Ảnh: Tấn Vũ |
Những hành động của Trung Quốc trong năm 2015 đã đặt một nền móng cơ bản cho những thách thức to lớn hơn, đe doạ lợi ích quốc gia của Việt Nam trong những năm sắp tới.
Cụ thể, hoạt động xây dựng nhanh chóng các đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở quần đảo Trường Sa đã tạo ra nguyên trạng mới, đồng thời cho thấy khả năng nước này tiếp tục quyết tâm thực thi các yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của mình.
Bất chấp luật quốc tế
Tòa trọng tài thường trực (PCA) dự kiến sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc vào giữa năm 2016. Dù Trung Quốc liên tục cho rằng PCA không có thẩm quyền phán quyết, nhưng nhiều khả năng PCA sẽ đưa ra phán quyết ở hầu hết “các chủ điểm” mà Philippines nêu trong đơn để chống lại Trung Quốc.
Trung Quốc đã kiên định từ chối chấp nhận thẩm quyền của PCA và như thế thật sự đã tự dồn mình vào một góc tường. Có dấu hiệu cho thấy một số nhà ngoại giao và luật sư Trung Quốc không vui do chiến lược pháp lý thất bại của chính quyền Bắc Kinh.
Tuy nhiên, rất khó có khả năng Bắc Kinh chấp nhận phán quyết của toà án, cho dù việc chấp nhận phán quyết của PCA là phù hợp với các lợi ích quốc gia dài hạn của nước này.
Dù việc bác bỏ phán quyết của PCA đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ phải trả giá lớn về ngoại giao và chính trị nhưng có vẻ như giới lãnh đạo Bắc Kinh chấp nhận cái giá này. Họ cho rằng nếu chấp nhận phán quyết của PCA thì họ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro chính trị hơn.
Dù gì đi nữa, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục việc xây dựng đảo nhân tạo. Trung Quốc có cả một hạm đội tàu nạo vét và những con tàu này chắc chắn sẽ được tiếp tục sử dụng. Trung Quốc cũng chắc chắn sẽ tiếp tục quân sự hoá các đảo nhân tạo.
Bắc Kinh có thể chọn năm 2016 là năm hạ nhiệt căng thẳng và tránh đối đầu quân sự, nhưng rõ ràng nước này đang nỗ lực nâng cao khả năng “chống tiếp cận và chống thâm nhập khu vực” (A2/AD) đồng thời đang có ý đồ thực thi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Bắc Kinh sẽ biện minh rằng việc quân sự hóa ở Biển Đông là hành động tự vệ trước các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải (FONOP) của nước ngoài, mà họ cho rằng đã xâm phạm đến tuyên bố chủ quyền hợp pháp của mình.
Dù vụ kiện của Philippines có thể là một thắng lợi to lớn về pháp lý, nhưng ít khả năng các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông sẽ sớm theo con đường của Philippines.
Năm của ban lãnh đạo mới
Năm 2016 là năm có nhiều quốc gia thay đổi lãnh đạo. Cuộc chạy đua tranh cử tổng thống đang diễn ra quyết liệt ở Philippines. Tổng thống Benigno Aquino đã dành nhiều sức lực để tập trung lực lượng quân sự còn non kém của Manila từ bảo vệ an ninh nội địa sang bảo vệ lãnh thổ.
Dù chương trình hiện đại hóa quân đội của ông Aquino được cho là rất khiêm tốn so với các tiêu chuẩn khu vực, nhưng lại là một bước đi quan trọng trong quan hệ với Mỹ.
Tuy vậy, ứng viên hàng đầu kế nhiệm ông Aquino đã nói bóng gió rằng sẽ đi theo đường lối ít đối đầu hơn, làm dấy lên quan ngại cho rằng ông ấy có thể từ bỏ vụ kiện Trung Quốc nếu PCA không đưa ra phán quyết chậm nhất vào tháng 5-2016.
Hơn nữa, Tòa án tối cao Philippines đã hai lần trì hoãn đưa ra phán quyết về hiệp định nâng cao hợp tác quốc phòng với Mỹ, vốn sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh. Cho đến bây giờ vẫn chưa rõ liệu tòa án của Philippines chỉ đơn thuần chưa đưa ra quyết định hay không muốn đưa một phán quyết nhạy cảm như thế trong năm bầu cử.
Malaysia trở nên khá quyết đoán trong năm 2015. Tuy nhiên Thủ tướng Najib Razak đang trong tâm bão bị tố cáo tham nhũng lớn, khiến chính phủ của ông có nguy cơ bị sụp đổ.
Trong khi đó, dù Tổng thống Joko Widodo tiếp tục xem trục biển là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Indonesia, nhưng việc quá phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô sang Trung Quốc làm suy yếu vị trí của ông Joko Widodo.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã điều chỉnh hiến pháp, tăng chi tiêu quân sự, thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các quốc gia Đông Nam Á, tiếp tục tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng mặt khác điều này cũng làm tăng thách thức từ Trung Quốc đối với các tuyên bố chủ quyền của Nhật.
Nó có thể khiến ông Abe đánh mất sự ủng hộ quan trọng của một bộ phận người dân Nhật yêu chuộng hoà bình.
Do vậy, dù ông Abe có thể hào hứng với ý tưởng tham gia các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc sẽ phản ứng lại bằng cách tăng cường tuần tra và các hoạt động thách thức ở khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, qua đó gây áp lực nặng nề lên năng lực phòng thủ và chấp pháp hàng hải của Nhật Bản.
Tuy nhiên không có nước nào đảo ngược chính sách chính trị nhiều hơn Mỹ.
Cuối năm 2015, sau nhiều tranh cãi nội bộ, cuối cùng Mỹ cũng tham gia các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải với cam kết sẽ tiếp tục các hoạt động này thường xuyên.Nhưng kể từ đó, Washington liên tục lúng túng trong việc đưa ra thông điệp chiến lược, làm suy yếu lòng tin của các đồng minh và đối tác.
Điều này cho thấy vẫn còn đó những nhân vật trong chính quyền Mỹ không đồng ý thực hiện hoạt động bảo đảm tự do hàng hải của nước ngoài với lo sợ rằng nó sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn dĩ đã phức tạp với Trung Quốc.
Cũng cần thấy là các hoạt động tranh cử trong năm sau sẽ là những tác nhân chi phối chính cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc.
Theo dõi sát hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 Một chỉ huy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam khẳng định với Tuổi Trẻrằng giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang hoạt động cách đường trung tuyến bờ (ranh giới phân định trên vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc) khoảng 70 hải lý về phía đông. “Tuy nhiên hoạt động của giàn khoan này chưa có dấu hiệu bất thường. Cảnh sát biển Việt Nam vẫn đang theo dõi chặt” – viên chỉ huy này khẳng định. Theo Cảnh sát biển Việt Nam, đây là sự việc bình thường và sẽ kịp thời thông tin nếu có những bất thường trong hoạt động của giàn khoan này. Trước đó, trang web chính thức Cục Hải sự Trung Quốc cho biết giàn khoan Hải Dương 981 sẽ khoan thăm dò ở khu vực có tọa độ 17 – 29o53N, 110 – 57o18E từ ngày 28-12-2015 đến 10-2-2016. Đồng thời cấm các phương tiện đường thủy tiến vào khu vực 2.000m xung quanh giàn khoan. VIỄN SỰ |