28/11/2024

Giao đất quốc phòng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất ra sao?

Bộ Quốc phòng vừa đồng ý trước mắt giao trên 20ha đất các loại ở khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho Bộ Giao thông vận tải.

Giao đất quốc phòng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất ra sao?

 

 

Bộ Quốc phòng vừa đồng ý trước mắt giao trên 20ha đất các loại ở khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho Bộ Giao thông vận tải. 

 

 

 

 

Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất mà Bộ Quốc phòng dự kiến chuyển giao cho phía dân sự
Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất mà Bộ Quốc phòng dự kiến chuyển giao cho phía dân sự

Với phần diện tích đất mới được giao này, nếu khai thác tốt sẽ giúp sân bay Tân Sơn Nhất giảm đáng kể tình trạng quá tải hiện nay.

Theo lộ trình, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ tiếp nhận phần đất này, cùng Cục Hàng không VN (CAA) lập quy hoạch, sau đó bàn giao Cảng vụ hàng không miền Nam quản lý.

Cơ quan này sẽ bàn giao cho các doanh nghiệp như Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), các hãng hàng không, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ… có nhu cầu sử dụng.

Đề nghị 9ha, giao 20ha

Hôm 29-12, ông Lại Xuân Thanh, cục trưởng CAA, cho biết đây không phải lần đầu tiên Bộ Quốc phòng giao đất cho Bộ GTVT để mở rộng sân bay.

Từ cuối tháng 4-2014, bộ này đã bàn giao 7,63ha để mở rộng khu vực bãi đỗ, sân đậu máy bay nhằm giải quyết tình trạng quá tải tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TIA).

Sau đó ACV đã đầu tư mở rộng bãi đậu máy bay, đường lăn cho các hãng hàng không khai thác và dự kiến kết thúc quý 1-2016 sẽ hoàn tất, nâng số vị trí đậu máy bay từ 41 lên 46. “Con số này cũng chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu thực tế hiện nay” – ông Thanh thông tin.

Đến tháng 12-2015, Bộ GTVT tiếp tục đề nghị Bộ Quốc phòng giao thêm 9ha để làm bãi đậu và đường lăn phục vụ hàng không dân dụng.

“Không ngờ các anh ấy lại giao luôn 20ha thì quá tốt. CAA sẽ ngay lập tức lập quy hoạch để sớm đưa phần diện tích đất này vào sử dụng cho mục đích dân sự, nhằm giảm tình trạng quá tải đang gia tăng ở TIA” – ông Thanh cho hay.

Theo Cảng vụ hàng không miền Nam, phần diện tích đất mà Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao cho Bộ GTVT ở khu vực Tân Sơn Nhất nằm chếch về phía tây nam sân bay hiện hữu, là khu vực đậu máy bay vận tải quân sự và trực thăng quân sự thuộc trung đoàn 917, lữ đoàn 918 thuộc Sư đoàn không quân 370 (Quân chủng Phòng không – không quân).

Khu vực này từ phía đầu đài chỉ huy (cũ) kéo dài đến khu sân bay trực thăng trước đây, hiện là khu đậu máy bay quân đội và khu vực hangar (nhà chứa máy bay).

Lâu nay, do thiếu vị trí đỗ máy bay qua đêm nên các cơ quan quản lý nhà nước về hàng không, TIA đã đề nghị phía quân đội cho phép thuê diện tích để máy bay của các hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), Vietjet Air (VJ), Jetstar Pacific (JP) đậu lại qua đêm.

Mở rộng khu bay

Như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thông tin tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ ngày 28-12, ngoài 20ha giao Bộ GTVT giai đoạn 1, thời gian tới bộ này dự kiến giao thêm 20ha đất ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Các bộ phận liên quan của quân đội dự kiến chuyển đến sân bay quân sự Biên Hoà và Cam Ranh (Khánh Hoà). Theo ACV, tổng diện tích đất của TIA hiện là 590,48ha, như vậy sắp tới diện tích TIA sẽ tăng lên đáng kể.

“Không ngờ các anh ấy [quân đội] lại giao luôn 20ha thì quá tốt

Ông LẠI XUÂN THANH

Với 20ha đất được giao trong giai đoạn 1, CAA sẽ quy hoạch, sau đó giao Cảng vụ hàng không miền Nam quản lý và cơ quan này sẽ giao lại các doanh nghiệp có nhu cầu. “Có thể giao VNA hay VJ nếu các hãng này cần” – một nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết.

Phần diện tích được giao thêm sẽ quy hoạch làm gì? Ông Lại Xuân Thanh cho rằng chưa thể thông tin chi tiết sẽ triển khai phục vụ công năng gì, nhưng do đây là diện tích thuộc khu bay nên trước mắt sẽ ưu tiên làm hệ thống sân đậu máy bay và đường lăn để giải toả ách tắc hạ tầng khu bay TIA.

Ngay từ bây giờ, CAA phải nghiên cứu phương án sử dụng cụ thể toàn bộ diện tích đất này. Vẫn theo ông Thanh, phần đất này của phía quân đội cũng có quy hoạch. CAA tiếp thu quy hoạch này rồi nghiên cứu, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với TIA.

Quy hoạch mới (với phần đất mở rộng) này phải được Bộ GTVT phê duyệt, sau đó sẽ quyết định các kế hoạch đầu tư xây dựng những hạng mục chi tiết.

Hiện nay, tại TIA với trên 26 triệu lượt hành khách qua lại mỗi năm, các hãng hàng không cần trên 70 vị trí đậu, trong khi hiện TIA chỉ có thể đáp ứng 41 vị trí.

Cơ quan chức năng đã phải thuê thêm sân đậu của quân sự, tận dụng bãi đậu hangar, đảm bảo cho hãng hàng không bay đến, bay đi đủ chỗ đậu.

Theo CAA, với hạ tầng hiện nay của TIA, nếu dành hết 20ha này cho bãi đậu sẽ rất lãng phí, trong khi còn phải có quy hoạch cho các hoạt động liên quan: hangar, khu dịch vụ hậu cần… “Tiền để đầu tư toàn bộ khu vực này không phải ít trong khi khả năng thu hồi vốn rất khó khăn, nhưng nhu cầu bức bách của TIA nên ưu tiên đầu tư” – ông Thanh khẳng định.

Lấy đất mở đường, 
giảm kẹt xe

Ngoài phần đất nằm trong khu bay, phía Bộ Quốc phòng dự kiến bàn giao một số diện tích đất khác để phục vụ phát triển kinh tế.

Tại cuộc họp mới diễn ra cuối tuần trước với các thành viên tổ công tác liên ngành nâng cao chất lượng dịch vụ tại TIA, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết đã làm việc với Sư đoàn 370, đề nghị được bàn giao hệ thống đường kết nối sân bay (từ đường Phan Thúc Duyện ra đường Trường Chinh, Phạm Văn Bạch) nhằm giảm áp lực cho khu vực ở Lăng Cha Cả và Cộng Hoà.

Sở đang củng cố các vấn đề pháp lý nhằm tham mưu UBND TP.HCM báo cáo Bộ Quốc phòng, xin chủ trương để TP quản lý phần đường này.

Đồng thời sẽ lên kế hoạch bàn với CAA, TIA kết nối một số hướng ra tuyến đường này để giảm áp lực đường Trường Sơn, Hồng Hà, giảm mật độ xe lưu thông quá dày đặc tại cửa ngõ TIA.

LÊ NAM