Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Gửi ngoại tệ có thể phải trả phí
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD tác động như thế nào đến kinh tế VN? Tỉ giá VND/USD và lãi suất sẽ được định hướng điều hành ra sao trong thời gian tới?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Gửi ngoại tệ có thể phải trả phí
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD tác động như thế nào đến kinh tế VN? Tỉ giá VND/USD và lãi suất sẽ được định hướng điều hành ra sao trong thời gian tới?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình – Ảnh: Việt Dũng |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) NGUYỄN VĂN BÌNH phân tích:
– Việc FED tăng lãi suất, trước tiên phải xem nó có ảnh hưởng gì đến lãi suất của VN không. Theo tôi, không ảnh hưởng nhiều vì lãi suất của VN đã cao hơn Mỹ nên lãi suất USD có tăng một chút cũng không tác động lớn.
Mặt khác, đối với tỉ giá, qua theo dõi thị trường chứng khoán trong nước, suốt thời gian FED dọa tăng lãi suất thì dòng vốn ngoại vào vẫn cao hơn dòng vốn ra.
Chỉ còn một yếu tố nữa là đồng tiền các nước lân cận cũng phá giá sẽ tác động gián tiếp như thế nào đến VN, chẳng lẽ chúng ta không phá giá? Tuy nhiên, tỉ trọng thương mại của VN hiện chủ yếu bằng đồng USD nên chiều hướng tỉ giá cơ bản phụ thuộc vào đồng USD.
Chúng ta tôn trọng quyền nắm giữ ngoại tệ của người dân, doanh nghiệp, nhưng trên lãnh thổ VN phải sử dụng VND. Bạn có nguồn thu ngoại tệ hợp pháp, nhưng nếu tiêu xài phải rút ra bằng đồng VND. Đó là lộ trình cuối cùng phải tiến tới |
Mặc dầu vậy, việc các nước phá giá buộc ta cũng phải tạo ra vị thế mới của VND, dù không chạy theo nhưng phải ứng phó, đặc biệt với đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. Thật ra từ đầu năm tới nay chúng ta đã phá giá tới 6%, mức khá cao.
Chỉ riêng với NDT, trước thời điểm ta phá giá vừa rồi, 10 năm qua VND phá giá so với đồng NDT là 38%. Trung Quốc mới phá giá cỡ 3-4%, ta đã phá giá tới 6%. Như vậy với NDT ta phá giá nhiều. Còn các đồng tiền khác trong khu vực, tính trung bình họ chỉ phá giá 6-7%. Nói thế để thấy rằng ta đủ sức cân bằng tương quan thương mại dưới góc độ tỉ giá với các nước trong khu vực, nhất là với Trung Quốc.
Mặt khác, gần đây tỉ lệ nhập siêu của VN giảm hẳn, thậm chí một hai tháng gần đây xuất siêu. Tiền gửi của doanh nghiệp và người dân bằng ngoại tệ tăng rất mạnh.
Tiến tới cơ chế điều hành tỉ giá mới
* Ngay sau khi FED tăng lãi suất, dù NHNN đã hạ lãi suất USD về 0% nhưng trên thị trường mấy ngày qua giá USD vẫn tiếp tục tăng kịch trần. Người dân vẫn đang chờ đợi động thái điều hành tỉ giá sắp tới của NHNN?
– Tại sao mấy ngày qua tỉ giá lại tăng? Tôi cho rằng đang có tình trạng găm giữ ngoại tệ do tâm lý. Xác định do yếu tố tâm lý dẫn đến tình trạng găm giữ ngoại tệ nên chính sách điều hành của NHNN đánh vào điểm này.
Cụ thể vừa qua chúng ta giữ ổn định tỉ giá, đồng thời duy trì lãi suất VND cao hơn nên ít người muốn giữ USD. Nay để lãi suất VND khá thấp vì muốn nền kinh tế phục hồi, đồng vốn rẻ hơn mới phát triển sản xuất được.
Do vậy, bài toán đặt ra là vừa ổn định tỉ giá đồng thời ổn định lãi suất song vẫn đảm bảo mức hấp dẫn để tránh tình trạng găm giữ ngoại tệ.
Định hướng nhất quán của NHNN là chống USD hoá, nghĩa là chuyển từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua – bán. Cái này ta đã làm thành công với vàng. Chúng ta tôn trọng quyền nắm giữ ngoại tệ của người dân, doanh nghiệp, nhưng trên lãnh thổ VN phải sử dụng VND. Bạn có nguồn thu ngoại tệ hợp pháp, nhưng nếu tiêu xài phải rút ra bằng đồng VND. Đó là lộ trình cuối cùng phải tiến tới.
Trước mắt, người dân vẫn có quyền rút ngoại tệ, nhưng NHNN không khuyến khích việc này. Như vàng chẳng hạn, trước đây gửi vàng được hưởng lãi suất, nay gửi vàng phải trả phí. Do đó, chúng ta sẽ từng bước tiến tới việc gửi ngoại tệ sẽ phải trả phí.
Vừa qua, lãi suất USD đối với doanh nghiệp gửi đã đưa về 0%/năm và từ ngày 18-12 người dân gửi còn 0%. Tới đây, không loại trừ khả năng NHNN áp dụng mức lãi suất âm, nghĩa là người gửi ngoại tệ sẽ phải trả phí. Tất nhiên, nói như vậy nhưng sẽ linh hoạt trong điều hành, khi tâm lý găm giữ ngoại tệ không còn, NHNN sẽ nâng lãi suất tiền gửi ngoại tệ.
Bước tiếp theo trong điều hành tỉ giá là sẽ có tỉ giá trung tâm của NHNN. Hiện NHNN đang chuẩn bị các bước cần thiết để tiến tới một cơ chế điều hành tỉ giá mới.
Theo đó, tỉ giá trung tâm sẽ thay đổi thường xuyên, thậm chí hằng ngày, hôm nay NHNN có thể công bố tỉ giá này và ngày mai công bố tỉ giá khác. Khi đó, ai có nhu cầu thật mới mua, còn nếu đầu cơ thì nguy cơ thua lỗ, rủi ro rất lớn.
* Như vậy, đòi hỏi NHNN phải có nguồn lực rất lớn để áp dụng chính sách tỉ giá linh hoạt theo ngày? Thời điểm nào sẽ áp dụng, thưa ông?
– Với biện pháp này, NHNN tốn ít ngoại tệ hơn rất nhiều so với hiện nay. Vừa qua, do tỉ giá trung tâm khá ổn định, biên độ 2-3% nên trong khoảng này người ta cho rằng có thể “làm ăn” được.
Còn khi áp dụng chính sách tỉ giá trung tâm thậm chí theo ngày sẽ rất mạo hiểm, rủi ro khi mua vào vì rất có thể ngay hôm sau NHNN sẽ nâng tỉ giá. Cộng với giải pháp về lãi suất như tôi nói ở trên thì những ai giữ USD sẽ không yên vì không biết như thế nào, có thể lỗ vì lãi suất và cũng có thể lỗ tỉ giá trong ngày.
Gửi VND vẫn lợi hơn
* Như định hướng ông vừa phân tích về chính sách tỉ giá và lãi suất ngoại tệ, với người dân có khoản tiền nhàn rỗi 300 triệu đồng, ông khuyên họ nên gửi ngoại tệ hay USD?
– Nếu tôi nói ngay người dân nên gửi bằng đồng VN vì có lợi hơn USD, nhiều người sẽ nói tôi chủ quan, nhưng phân tích bằng con số cụ thể sẽ thấy rõ điều này. Cụ thể, người dân gửi bằng ngoại tệ lãi suất vừa qua chỉ 0,25%/năm, còn gửi bằng VND thì lãi suất gửi ngắn hạn thấp nhất cũng 5-6%/năm, gửi dài hạn 7-7,5%/năm.
Rõ ràng khi so sánh với lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ thì lãi suất VND cao hơn 5,75%/năm. Hiện nay lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 0%, tiền gửi VND càng có lợi hơn. Ở VN hiện nay, lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp, năm 2014 tăng 1,84%, năm 2015 khoảng 1% và với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô xuyên suốt trong những năm tới của Chính phủ thì giá trị VND sẽ ổn định.
Một thực tế mà tôi muốn chia sẻ là ở Malaysia, có lần họ phá giá đồng ringgit tới 16% nhưng người dân không quan tâm, bởi họ cho rằng đồng ringgit vẫn có giá trị. Tóm lại đồng tiền có giá trị hay không là lạm phát bao nhiêu, cao hay thấp.
Lãi suất sẽ ổn định
* Thực tế để duy trì lãi suất VND thực dương, hấp dẫn người gửi tiền, lãi suất huy động mấy ngày qua đang nhích lên. Điều này liệu có ảnh hưởng đến mục tiêu tạo nguồn vốn rẻ ổn định cho doanh nghiệp?
– Mục tiêu lâu dài là làm sao duy trì lãi suất thấp hợp lý. Điều này phải đảm bảo hai yếu tố là lạm phát thấp và quan hệ giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ có sự chênh lệch cao.
Ý tôi muốn nói là lạm phát, tỉ giá sẽ tác động đến ổn định mặt bằng lãi suất thấp, nhưng mặt bằng lãi suất thấp sẽ tác động ngược trở lại với lạm phát. Mà muốn duy trì mặt bằng lãi suất thấp phải cung tiền phù hợp.
Nếu tiền bơm ra không hiệu quả như thời kỳ “bong bóng bất động sản” sẽ làm giá cả tăng vọt, kéo theo lạm phát tăng, khi đó lãi suất sẽ tăng.
Vì vậy ổn định kinh tế vĩ mô sẽ giúp ổn định lãi suất. Bởi đối với doanh nghiệp, đang từ lãi suất cao xuống lãi suất thấp sẽ rất thích, nhưng ngược lại đang từ lãi suất thấp lên lãi suất cao sẽ phá vỡ kế hoạch kinh doanh của họ.
* Nhiều doanh nghiệp cho biết lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao. Theo ông, nếu lạm phát năm 2016 vẫn như hiện nay, lãi suất cho vay ở mức nào sẽ hợp lý?
– Theo quy luật, lãi suất cho vay sẽ xuống dần khi gánh nặng nợ xấu bớt đi. Đặc biệt phụ thuộc lớn nhất vào lãi suất tiền gửi và “sức khỏe” của các ngân hàng.
Lạm phát của năm sau nếu có duy trì như năm nay cũng vẫn là yếu tố không bền vững vì dựa vào giá cả thế giới, nhất là giá dầu. Khi lạm phát của VN xoay quanh mức 3-5%, lãi suất kỳ vọng của năm 2016 cơ bản sẽ giữ như hiện nay.
Còn trong vòng năm năm tới nếu lạm phát tiếp tục ổn định 3-5%, khi đó lãi suất tiền gửi VND khoảng 4-5,5%/năm, từ đó lãi suất cho vay cộng thêm chênh lệch khoảng 2%, tức khoảng 6-8%/năm. Mức lãi suất đó là lý tưởng cho nền kinh tế VN.
Vấn đề đặt ra, mục tiêu đặt ra là phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cho tốt, song để làm được cái đó phải có nỗ lực rất lớn của các cơ quan. NHNN chỉ là một bên, còn tất cả cơ quan khác phải làm nữa như quản lý giá cả, quản lý đầu tư công…
Nói thêm về tăng trưởng tín dụng năm sau và những năm tới sẽ ở mức 18-20%. NHNN sẽ không để tín dụng tăng cao như trước đây nữa, hoặc tăng thấp sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Vốn sẽ hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Lãi suất huy động tiếp tục đi lên Lãi suất (LS) huy động tại nhiều ngân hàng (NH) tiếp tục tăng trong những ngày cuối cùng của năm 2015. Trong đó các kỳ hạn huy động ngắn LS đã tiến sát mức 5%/năm. Sacombank đã tăng LS huy động lần thứ 3 kể từ đầu tháng 12. Theo đó, các kỳ hạn 1 và 2 tháng đã tăng lên mức 4,8%/năm, cao hơn 0,2%/năm so với lần tăng vào ngày 9-12. Các kỳ hạn 3, 4 và 5 tháng cũng tăng lên lần lượt 5,2%/năm, 5,25%/năm và 5,3%/năm, trong khi trước đó LS các kỳ hạn này đồng loạt bằng 4,9%/năm. NH ACB cũng mới tăng LS huy động, hiện LS kỳ hạn 1 và 2 tháng nhích từ 4,3%/năm lên 4,4%/năm, trong khi đó kỳ hạn 3 và 6 tháng cũng tăng 0,2%/năm lên lần lượt 4,6%/năm và 4,8%/năm. Không chỉ các NH cổ phần, cả NH có gốc quốc doanh cũng nhập cuộc với mức tăng khá “rát”. Cụ thể tại NH BIDV LS kỳ hạn 1 tháng tăng 0,8%/năm so với khoảng hai tháng trước, lên mức 4,8%/năm. Các NH cho biết dù LS huy động liên tục tăng nhưng tốc độ tăng huy động vốn không bằng các tháng đầu năm do yếu tố thời vụ, vì cuối năm doanh nghiệp và cá nhân đều có nhu cầu thanh toán nhiều. Về LS cho vay, một số NH cho biết mới chỉ điều chỉnh nhẹ LS các gói cho vay ưu đãi chứ chưa dám tăng mạnh. |