29/11/2024

Chất độc ‘núp’ trong đồ chơi

Nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em có xuất xứ Trung Quốc bị tẩy chay dữ dội tại các nước phương Tây vì chứa chất độc hại nhưng lại đang được bày bán tràn ngập thị trường VN.

 

Chất độc ‘núp’ trong đồ chơi

 

Nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em có xuất xứ Trung Quốc bị tẩy chay dữ dội tại các nước phương Tây vì chứa chất độc hại nhưng lại đang được bày bán tràn ngập thị trường VN.





Đồ chơi độc hại Trung Quốc đang ngập tràn thị trường Việt - Ảnh: Khả Hòa

Đồ chơi độc hại Trung Quốc đang ngập tràn thị trường Việt – Ảnh: Khả Hoà

Báo cáo liệt kê những sản phẩm đồ chơi độc hại do Hệ thống cảnh báo nhanh các sản phẩm phi thực phẩm nguy hiểm (RAPEX) của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra từ đầu năm đến nay cho thấy, có gần 400 loại sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc bắt buộc phải thu hồi. Trong đó, tập trung ở các nhóm đồ chơi: thú nhựa, vũ khí nhựa, robot điều khiển từ xa, miếng dán hoạt hình, đồ chơi nấu ăn, thú bông, đồ chơi âm nhạc, phao, kính bơi, thảm xốp, ghế hơi…

Đặc biệt, có 170 loại chứa chất độc hại mà phần lớn là thành phần phthalate, chất để làm mềm nhựa và là một trong những nhóm chất cực độc đối với sức khỏe con người.

 
 
Chất độc 'núp' trong đồ chơi - ảnh 1

 

Nhiều món đồ chơi không dán tem CR được làm bằng nhựa đủ màu sắc được bán giá sỉ chỉ 15.000 – 17.000 đồng/con chuồn chuồn, bướm hay con dế. Riêng búp bê Trung Quốc, nhiều loại đang được EU báo động thu hồi vì độc hại, đựng trong hộp giá sỉ từ 30.000 đồng/món
Chất độc 'núp' trong đồ chơi - ảnh 2
 

 

“Chở thẳng từ Quảng Đông về Sài Gòn”

Theo quy định, đồ chơi trẻ em phải dán tem hợp quy (CR) mới được lưu hành nhưng hầu hết các quầy hàng bán sỉ và lẻ đều phớt lờ quy định này.
Trên đường Trần Bình, bên hông chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), một nữ nhân viên có hơn 5 năm phụ bán tại một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em thản nhiên trả lời chúng tôi: “Đồ chơi Trung Quốc xưa nay độc ai cũng biết, nhưng không bán hàng Trung Quốc thì biết bán đồ chơi gì. Hàng có tem hay không tem vẫn mua tuốt”.
Theo quan sát của PV, những sản phẩm trong nhóm hàng độc hại EU yêu cầu thu hồi đều được bán sỉ tại đây. Bộ đồ chơi nấu ăn trẻ em đủ màu sắc có giá 50.000 – 72.000 đồng/bộ; kiếm đao bằng nhựa giá rẻ 15.000 – 17.000 đồng/chiếc và được đựng trong từng bao lớn màu đen. “Mua hàng sỉ ở đây, loại cao cấp về bán giá gấp đôi vẫn rẻ hơn giá trong các nhà sách. Còn hàng rẻ, cứ mỗi món cộng thêm 10.000 bỏ túi. Hàng ở đây chở thẳng từ Quảng Đông về Sài Gòn, không có chuyện “đáp” hàng qua trung gian ở Hà Nội. Mua tận gốc bán tận ngọn, nên giá rẻ nhất rồi”, nữ nhân viên này nói thêm.
Cách đó 2 quầy là sạp bán đồ chơi L.T. Thắng, vừa theo xe “đánh hàng” từ Trung Quốc về, cho biết cửa hàng đang có hàng loạt mẫu đồ chơi mới chuẩn bị quà tết giá rất mềm, như bộ đồ làm bác sĩ giá 35.000 đồng. “Các nhà sách, siêu thị mua về đưa giá gấp 3 vẫn khối người mua”, Thắng miệng nói, tay lấy ra hàng loạt mẫu xe nhựa màu vàng và “chốt” giá khui thùng từ 30.000 đồng/chiếc; bộ ghép nhà nhựa màu hồng 29.000 đồng/bộ…
Chủ cửa hàng chuyên phân phối sỉ và lẻ các loại đồ chơi trẻ em nằm trên đường Tháp Mười (Q.6) tên Hương cho biết gia đình bà có truyền thống kinh doanh đồ chơi trẻ em từ 20 năm nay, tiến từ Bắc vào Nam và đã có cơ ngơi ổn định tại TP.HCM. “Đồ chơi Trung Quốc có nhiều cảnh báo, nhưng đến nay có danh sách nào đưa về bảo cửa hàng nên bán hàng này, không nên bán hàng kia đâu. Mà hàng đồ chơi thì Trung Quốc có cả ngàn thương hiệu. Chẳng hạn, với miếng dán này, tháng trước nghe bảo độc nên các mối lấy hàng về bán lẻ có giảm đi. Nhưng vẫn lai rai. Không có hàng dán thì có hàng xếp hình bằng xốp”, bà Hương cho biết.
Nhiều món đồ chơi không dán tem CR được làm bằng nhựa đủ màu sắc được bán giá sỉ chỉ 15.000 – 17.000 đồng/con chuồn chuồn, bướm hay con dế. Riêng búp bê Trung Quốc, nhiều loại đang được EU báo động thu hồi vì độc hại, đựng trong hộp giá sỉ từ 30.000 đồng/món. Bà Hương cho biết, bộ búp bê cao cấp có giá 129.000 đồng/bộ, mua về bán tầm 300.000 đồng. Hoặc đàn điện tử giá sỉ 50.000 – 120.000 đồng/bộ, bán lẻ với giá “gấp đôi gấp 3 là vừa”.
Cầm con mèo Doremon biết kể chuyện mà tại một siêu thị chúng tôi vừa thấy giá bán 95.000 đồng, bà Hương bảo bán sỉ 35.000 đồng/con.
Gây ung thư, tê liệt thần kinh
Theo cảnh báo của RAPEX, các món đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc mà tổ chức này “cấm cửa” tại thị trường EU là những sản phẩm có chứa chất phthalate, thường tấn công người dùng qua đường hô hấp và nếu trẻ ngậm, nhai càng nguy hiểm hơn. Trước đó, tổ chức này cũng đưa ra khuyến cáo những miếng dán đồ chơi hoạt hình Trung Quốc nằm trong danh sách nguy hiểm. Ngoài chất phthalate, lượng cadmium trong các món đồ chơi này vượt quá cao so với mức an toàn. Đặc biệt, cadmium nếu tích luỹ trong cơ thể sẽ làm hỏng các cơ quan, thậm chí dẫn đến ung thư.
Kết quả kiểm nghiệm miếng dán đồ chơi Trung Quốc mới đây của Cục Quản lý chất lượng hàng hoá (Tổng cục Đo lường chất lượng) cho thấy, chất phthalate vượt ngưỡng an toàn cho phép 480 lần. Sản phẩm bóng hơi của Trung Quốc cũng có hàm lượng phthalate vượt mức cho phép gấp 400 lần. Trước đó, mẫu búp bê đầu hình trái cây qua thử nghiệm của cơ quan này cũng cho kết quả chất phthalate quá cao. Chuyên gia của Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 khuyến cáo, với những đồ chơi vượt quá mức an toàn cho phép của những hoá chất độc hại như phthalate, người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua.
Nhà nghiên cứu hoá học, thạc sĩ Hồng Lê Thọ cho biết phthalades là hoá chất được sử dụng khá phổ biến trong công nghiệp nhựa và được phát hiện là một trong những nguyên nhân gây rối loạn nội tiết, đặc biệt là hệ sinh dục nam giới… Năm 2007, hãng đồ chơi lớn nhất thế giới Mattel đã phải thu hồi gần nửa triệu mẫu đồ chơi xuất xứ Trung Quốc do sản phẩm sơn lớp sơn phủ có dư lượng chì độc hại. Ấn Độ cũng từng công bố nhiều mẫu đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc chứa nhiều kim loại nặng như chì, cadimi ảnh hưởng nghiêm trọng đến thấn kinh của trẻ.
Theo các chuyên gia, với những mẫu có hàm lượng các chất độc hại này gấp hàng trăm, mấy trăm lần cho phép, không chỉ gây độc hại cho trẻ khi ngậm hay cầm, nắm mà còn có thể gây nhiễm độc qua đường hít thở không khí. Khi đó, hệ miễn dịch và thần kinh của trẻ có thể bị tổn thương vĩnh viễn.
Cơ quan chức năng kêu “khó”
Trước tình trạng đồ chơi độc hại bày bán tràn lan và công khai ngoài thị trường, một cán bộ Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường nói: “Kiểm tra chất nếu có là ở khâu hải quan, chứ đã lọt cửa hải quan rồi, đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ thì rất khó kiểm soát”. Còn ông Phan Hoàng Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho rằng việc kiểm tra đồ chơi trẻ em từ Trung Quốc vẫn diễn ra thường xuyên. “Tuy nhiên, chỉ mới dừng lại với hàng hoá không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp hoặc không có trong danh mục cho lưu hành”, ông Kiếm nhìn nhận.

Nguyên Nga