29/11/2024

Sao lại khống chế số lượng sinh viên?

Nhiều ý kiến nhận định tính pháp lý của Thông tư 32 quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh tối đa mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành thiếu thực tế và sẽ nảy sinh nhiều ngoại lệ.

 

Sao lại khống chế số lượng sinh viên?

 

Nhiều ý kiến nhận định tính pháp lý của Thông tư 32 quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh tối đa mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành thiếu thực tế và sẽ nảy sinh nhiều ngoại lệ.




Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, theo quy hoạch có năng lực đào tạo khoảng 25.000 SV - Ảnh: Ngọc Thắng

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, theo quy hoạch có năng lực đào tạo khoảng 25.000 SV – Ảnh: Ngọc Thắng

Thay vì được quyền, lại phải xin – cho

Theo đề án quy hoạch tổng thể xây dựng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2006 – 2030 mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phê duyệt từ năm 2006 thì trường có quy mô đào tạo hệ chính quy khoảng 25.000 sinh viên (SV). Đùng một cái, giờ theo Thông tư 32, quy mô đào tạo của trường không được quá 15.000. Như vậy, nếu thực hiện theo thông tư này, từ năm học tới trường sẽ phải giải trình để được Bộ trưởng cho phép tuyển sinh theo năng lực hiện có vì điều 5 của thông tư này có câu: “Những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và quyết định đối với từng trường hợp cụ thể”.
Trước thực tế này, một chuyên gia bình luận: “Trường ấy là một trường ĐH trọng điểm và có bề dày thành tích trong giáo dục ĐH nên chắc chắn Bộ sẽ cho phép họ duy trì tuyển sinh ít nhất như vừa qua. Chỉ có điều thay vì được quyền tuyển sinh, họ lại phải mất công… xin Bộ!”.
Lãnh đạo một trường ĐH kỹ thuật ở Hà Nội cho rằng khi soạn thảo Thông tư 32, Bộ đưa vào những nội dung vượt tầm một văn bản có tính chất hướng dẫn các thao tác kỹ thuật nhằm xác định chỉ tiêu tuyển sinh. “Hướng đến một nền giáo dục ĐH có chất lượng là đúng, nhưng muốn thế Bộ phải có một đề án quy hoạch tổng thể hệ thống giáo dục ĐH. Còn thông tư đưa ra các quy định là để thực hiện được ngay. Đằng này quy định rồi nhưng lại phải mở ngoặc sẽ xem xét những trường hợp đặc biệt thì khác nào làm hàng rào rồi lại phải khoét thêm lỗ”, vị lãnh đạo này nói. PGS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hoá, cũng bình luận: “Quy định rồi lại phải cho phép ngoại lệ làm cho một văn bản pháp lý mất thiêng”.
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Những trường có đủ năng lực đào tạo mà lại bị khống chế bởi quy định này thì sẽ là không hợp lý. Sợ nhất cơ chế xin cho”.
Trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH tại TP.HCM nhận định: “Tại thông tư này, 2 tiêu chí đầu quy định về số lượng giảng viên trên SV và diện tích sàn sử dụng trực tiếp tính trên SV, theo một nghĩa nào đó đã là cách để hạn chế quy mô đào tạo của các trường rồi. Nếu không đủ năng lực về giảng viên và cơ sở vật chất thì đâu được tuyển sinh. Do đó, không cần phải thêm tiêu chí thứ 3 quy định về quy mô đào tạo tối đa không được vượt quá 15.000 SV nữa”. Vì thế, vị này cũng lo ngại sẽ tạo ra cơ chế xin – cho vì chắc chắn, những trường có đủ năng lực đào tạo nhiều hơn và khả năng tuyển sinh tốt thì lúc đó sẽ phải làm văn bản xin Bộ.
Những con số như 15.000, 8.000… căn cứ vào đâu ?
Khi Thông tư 32 còn là dự thảo, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Đâu là cơ sở để Bộ đặt ra con số quy mô đào tạo tối đa kiểu ngành sức khỏe 8.000, nghệ thuật 5.000, các khối ngành khác 15.000?
PGS Nguyễn Văn Cương cho rằng quy định tiêu chí quy mô SV tối đa của Thông tư 32 là một ví dụ điển hình thể hiện cách làm chính sách trên giấy, thiếu hơi thở cuộc sống. “Tôi không hiểu Bộ đưa ra những con số như 15.000, 8.000 hay 5.000 là căn cứ vào đâu: khảo sát thực trạng hay học tập mô hình của nước nào hay có một nghiên cứu nào đó về giáo dục ĐH? Với con số 15.000, các “trường lớn” khó mà thực hiện được, mà số trường này tương đối nhiều. Còn với khối trường đơn thuần đào tạo nghệ thuật, con số 5.000 là không cần thiết, vì nó… quá lớn! Mỗi năm tuyển được vài trăm SV là nhiều, có muốn tuyển nhiều cũng không được vì lấy người đâu mà tuyển?”, ông Cương phân tích.
Ông Trương Ngọc Ẩn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho biết nếu siết chặt chất lượng, nên siết quy mô đầu vào. Siết quy mô trường theo đào tạo, cơ sở vật chất, giảng viên thì chung chung, không thiết thực. Con số này lấy từ đâu? Có vẻ không có cơ sở khoa học rõ ràng.
Nhiều cán bộ quản lý ĐH cũng băn khoăn về một số quy định thiếu tường minh, đặc biệt là các quy định liên quan tới tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh tối đa. Vì vậy, không phải vô cớ mà có người đặt câu hỏi: “Với một trường đa ngành, có đủ 7 nhóm ngành thì có quy mô tối đa 15.000 hay được tính theo kiểu nhóm ngành sức khoẻ không quá 8.000, nhóm nghệ thuật không quá 5.000, các nhóm còn lại không quá 15.000, tổng cộng thành không quá 28.000?”. PGS Nguyễn Văn Cương bình luận: “Một văn bản có tính chất pháp lý và có tính chất hướng dẫn mà để nhiều cách hiểu như vậy là không nên”.

Thay đổi trong cách tính chỉ tiêu tuyển sinh

Thông tư 57 (năm 2011) Bộ chỉ yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên đội ngũ giảng viên chung của toàn trường. Thông tư 32 xác định chỉ tiêu căn cứ vào các tiêu chí: Tỷ lệ SV chính quy trên giảng viên quy đổi theo mỗi khối ngành (mức quy đổi từ 10 – 25 SV/giảng viên tùy theo từng khối ngành). Tiêu chí về diện tích sàn tính trên mỗi SV không thấp hơn 2,5 m2. Thông tư mới thêm tiêu chí thứ 3 quy định về quy mô SV chính quy tối đa của mỗi trường.


Để đảm bảo chất lượng?

 

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, cho biết nếu nói về đảm bảo chất lượng, thì quy định này là đúng. Thời gian vừa qua cho mở trường, mở ngành nhiều quá. Lãnh đạo một trường ĐH tư thục đa ngành cho rằng nếu SV đông quá thì sẽ không tốt.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, việc khống chế quy mô như vậy là hoàn toàn vô lý. “Siết chất lượng đào tạo không phải bằng cách như vậy mà phải kiểm soát bằng đầu ra. Ở Mỹ, rất nhiều người la ó Trường ĐH Phoenix mở rộng số SV lên mức khủng khiếp vì họ lo ngại về chất lượng. Tuy nhiên, chính phủ không hề bắt buộc họ giảm quy mô. Họ chỉ kiểm soát bằng cách bắt trường đưa ra tỷ lệ SV ra trường có việc làm”.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, cho biết thế giới không ai quy định chặt theo kiểu chỉ tiêu, hạn chế về tổng quy mô, dựa trên số lượng giảng viên và trên đất sở hữu của trường như vậy. “Chất lượng là gì? Đó là SV ra trường có việc làm hay không? Chất lượng đào tạo và giảng dạy. Đất đai và số lượng giảng viên không phải là chất lượng. Dựa trên các tiêu chí này không đúng lắm. Cần đánh giá theo đầu ra chứ không phải đầu vào. Đó là số lượng SV có việc làm, ngành học có phù hợp hay không”, ông Minh nhận định.
Đăng Nguyên

Quý Hiên – Mỹ Quyên