29/11/2024

Phá đường dây buôn bán vú heo thối từ Trung Quốc

Vú heo được nhập lậu từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) qua đường biên giới về VN. Sau đó, được các đầu nậu tẩm ướp hóa chất rồi vận chuyển bằng đường bộ vào TP.HCM để bán vào các quán ăn, quán nhậu, biến thành vú dê.

 

Phá đường dây buôn bán vú heo thối từ Trung Quốc

 

 

Vú heo được nhập lậu từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) qua đường biên giới về VN. Sau đó, được các đầu nậu tẩm ướp hóa chất rồi vận chuyển bằng đường bộ vào TP.HCM để bán vào các quán ăn, quán nhậu, biến thành vú dê.



 


Vú heo thối bị thu giữ - Ảnh: Công Nguyên

Vú heo thối bị thu giữ – Ảnh: Công Nguyên

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, lúc 0 giờ ngày 18.12, một chiếc xe khách chạy tuyến Bắc Giang – Bình Dương chở theo 40 thùng xốp (khoảng 2,5 tấn) vú heo Trung Quốc bắt đầu lăn bánh vào nam tiêu thụ. Khoảng 1 giờ ngày 22.12, chiếc xe này qua cầu Đồng Nai rẽ vào đường ĐT 743 đi về hướng Bình Dương. 20 phút sau, xe dừng tại bãi xe gần Bệnh viện Quân đoàn 4 (TX.Dĩ An, Bình Dương).

 

 

 

Ai cũng biết, chỉ cán bộ không biết

 

 

Bà N.T.H (một người dân sống gần kho chứa vú heo thối của ông Đông), bức xúc cho biết ông Đông thường xuyên nhập vú heo thối về đây rồi phân phối cho các đầu nậu nhiều năm, dân ở đây ai cũng biết, chỉ có cán bộ quản lý và chính quyền địa phương không biết. Kho chứa hàng nằm mặt tiền QL1, mùi thối bốc ra khu vực xung quanh nồng nặc thử hỏi công an khu vực, cán bộ thú y phụ trách địa bàn, công an kinh tế phụ trách địa bàn, các ban ngành phường ở đâu?

 

 

Chẻ hàng tại Bình Dương

Tại địa điểm trên, hai chiếc xe tải loại 1,1 tấn chờ sẵn để bốc 40 thùng xốp chứa vú heo từ xe khách bỏ lên. Bốc hàng xong, hai xe tải lăn bánh theo tỉnh lộ 43 đâm ra QL1 (dưới chân cầu Gò Dưa) rồi thẳng tiến về khu vực cầu vượt Quang Trung. Hai xe tải dừng lại trước ngôi nhà số 108/2 QL1, P.Đông Hưng Thuận, Q.12. Lúc này, 4 thanh niên vận chuyển tất cả thùng xốp vào bên trong và khoá cửa lại. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ngôi nhà này được một người đàn ông tên Đông thuê lại để chứa hàng vú heo rồi phân phối cho các quán ăn tại Q.12, Gò Vấp, Thủ Đức… từ nhiều năm nay. Mỗi ngày tại đây có 2 – 3 nhân viên phân loại vú heo và rất nhiều khách đến lấy về bán.

7 giờ ngày 22.12, một thanh niên tên Tý (người làm thuê tại đây) đi xe máy đến mở cửa để phân loại hàng. Ít phút sau, ông Đông xuất hiện cùng với hai khách hàng mang giỏ tới mua vú heo. Đúng lúc này, cán bộ thanh tra thuộc Chi cục Thú y TP.HCM và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) – Công an TP.HCM ập vào kiểm tra. Thấy đoàn kiểm tra, Tý cố tình đóng cửa sắt lại nhưng bị cảnh sát ngăn cản, hai vị khách mua vú heo cũng nhanh chóng bỏ đi. Tại đây, đoàn phát hiện có 40 thùng xốp chứa 2,5 tấn vú heo đã bốc mùi hôi thối và gần 100 kg thịt heo chứa trong tủ lạnh. Tất cả số thịt trên đều biến sắc, rỉ dịch và không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Bao bì đóng vú heo thối chi chít chữ Trung Quốc

Bao bì đóng vú heo thối chi chít chữ Trung Quốc


 

 

 

Giảm thời gian chờ đợi kiểm tra an toàn thực phẩm

 

 
Ngày 22.12, tại Cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài đã khai trương điểm kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm với sự tham gia của 4 cơ quan chuyên ngành gồm: Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia; Cơ quan Thú y vùng 1; Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 5; Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol Hà Nội. Ông Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, cho biết cơ quan kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm thực hiện thủ tục một cửa tại Hải quan cửa khẩu quốc tế Nội Bài giúp doanh nghiệp giảm thời gian chờ đợi, đi lại làm thủ tục liên quan; thời gian trung bình cho các thủ tục này sẽ giảm còn 2 – 7 ngày.

 

 
Liên Châu

 

Làm việc với cơ quan chức năng, ông Cao Chí Đông (36 tuổi, quê Bến Tre) thừa nhận số vú heo trên được nhập từ các tỉnh phía bắc và không có giấy tờ hợp lệ. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện các bao bì chứa vú heo có rất nhiều dòng chữ Trung Quốc. Qua dịch nhanh, số vú heo trên được đóng gói tại Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Hằng Tiến (tỉnh Vân Nam – Trung Quốc). Chi cục Thú y TP.HCM đã lập biên bản đề xuất xử phạt hành chính ông Đông 3 hành vi sai phạm gồm: không đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, nơi chứa đựng sản phẩm không đảm bảo vệ sinh thú y, với số tiền trên 20 triệu đồng và tiêu hủy toàn bộ số hàng nói trên. PC49 cũng lập biên bản tịch thu tất cả sổ giao nhận hàng hóa của ông Đông để tiếp tục điều tra làm rõ.

8 năm buôn bán vú heo thối

Làm việc với công an, ông Đông thừa nhận nhập trái phép vú heo thối từ các tỉnh phía bắc vào TP.HCM để phân phối cho các quán ăn, nhậu từ 8 năm nay. Trung bình mỗi ký vú heo thối ông Đông mua giá 50.000 đồng về sơ chế và bán lại cho các quán từ 100.000 – 120.000 đồng. Đặc biệt những mùa cao điểm lễ, tết vú heo thối được ông Đông bán ra lên tới 150.000 đồng/kg. Ông Đông đã không ít lần bị cơ quan chức năng xử phạt về hành vi buôn bán sản phẩm động vật thối. Điển hình, ngày 9.5.2012, xe đông lạnh BS 15C-024.89 do tài xế Trần Văn Chính (quê Nam Định) vận chuyển hơn 10 tấn chân gà và 3,2 tấn vú heo thối từ Hải Phòng vào TP.HCM thì bị Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức bắt giữ. Sau khi bị bắt, ông Cao Chí Đông đến nhận đây là hàng của mình. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt trên 20 triệu đồng và buộc tiêu huỷ hơn 13 tấn chân gà và vú heo nói trên. Những năm trước, Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp (Chi cục Thú y TP.HCM) cũng đã nhiều lần xử lý các vụ vận chuyển vú heo thối liên quan đến ông Cao Chí Đông.

Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành thú y (Chi cục Thú y TP.HCM), nhận định vú heo có xuất xứ từ Trung Quốc mà về đến TP.HCM phải mất từ 5 – 7 ngày. Vì vậy các đầu nậu bắt buộc phải tẩm ướp hoá chất bảo quản. Nếu như vú heo quá thối, những người buôn bán phải dùng hoá chất để tẩy mùi trước khi bán ra cho các quán. Vì vậy rất nguy hiểm cho người tiêu dùng khi ăn phải những thức ăn thế này. Theo một cán bộ PC49, ông Đông buôn bán vú heo thối nhiều năm và đã từng bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục, vì đây là mặt hàng siêu lợi nhuận. Bên cạnh đó, luật quy định trong lĩnh vực này còn nhiều vướng mắc nên xử lý không tới nơi tới chốn những người buôn bán thực phẩm độc hại này.

Lò mổ tiêm thuốc cấm vào heo

Rạng sáng 22.12, Trạm thú y Q.12 (Chi cục Thú y TP.HCM) phối hợp với Công an Q.12 bất ngờ kiểm tra cơ sở giết mổ lậu tại KP.5, P.Thạnh Xuân. Tại đây, ông Hoàng Đình Phúc (36 tuổi – chủ cơ sở) cùng các nhân viên đang giết mổ 1 con heo (100 kg) bỏ dưới nền nhà dơ bẩn. Trong chuồng có 8 con heo sống ngủ li bì. Ông Phúc khai nhận, số heo này được mua từ Long An về và không có bất cứ giấy tờ nào liên quan. Cơ sở giết mổ này hoạt động chui 3 tháng nay, thịt heo giết mổ được bán lẻ trên địa bàn Q.12.

Thuốc Prozil - Ảnh: Mã Phong

Thuốc Prozil – Ảnh: Mã Phong


Đặc biệt, đoàn kiểm tra phát hiện một ống kim tiêm chích thuốc cho heo, một lọ thuốc hiệu Prozil 50 ml đã qua sử dụng và 7 lọ thuốc cùng nhãn hiệu chưa sử dụng. Ông Phúc thừa nhận đã tiêm loại thuốc này vào heo 20 phút trước khi giết mổ để thịt đỏ tươi, săn chắc. Theo cán bộ thú y, Prozil là loại thuốc an thần bị cấm tiêm vào heo trước khi giết mổ, vì lượng thuốc tồn dư sẽ ảnh hưởng rất lớn cho sức khoẻ người ăn phải. Trạm thú y Q.12 đã lập biên bản đề xuất UBND Q.12 xử phạt ông Phúc trên 23 triệu đồng, đồng thời yêu cầu ông Phúc lưu giữ số heo trên trong quá trình chờ kết quả xét nghiệm.

 

Công Nguyên