Đồng thuận trong khác biệt
Các nước đang tăng tốc tiến hành giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria, nhằm giải quyết tận gốc những rối loạn trong thời gian vừa qua.
Đồng thuận trong khác biệt
Các nước đang tăng tốc tiến hành giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria, nhằm giải quyết tận gốc những rối loạn trong thời gian vừa qua.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tỏ ra thoải mái trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 18-12 – Ảnh: Reuters |
Hội nghị quốc tế nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài năm năm qua ở Syria đã diễn ra tại New York ngày 18-12, với sự tham gia của bộ trưởng ngoại giao 17 quốc gia liên quan đến cuộc xung đột. Đây là cuộc họp lần thứ ba về Syria.
Hội nghị đã thảo luận việc thực hiện lời kêu gọi ngừng bắn và bước vào đàm phán giữa chính phủ và các lực lượng đối lập tại Syria vào đầu tháng 1-2016. Nội dung này từng nêu ra ở hai cuộc họp trước đây tại Vienna (Áo) ngày 30-10 và 14-11.
Tương lai của Syria phải do người dân Syria quyết định |
Nghị quyết HĐBA |
Không thể thiếu Nga
Cùng ngày, trước khi khai mạc hội nghị, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã “hà hơi tiếp sức” bằng việc nhất trí thông qua một nghị quyết được nhóm quốc tế hỗ trợ Syria tán thành, nhằm khởi động một tiến trình hoà bình cho Syria trên cơ sở các thoả thuận đạt được tại Vienna.
Nghị quyết này kêu gọi ngừng bắn và mở các cuộc đàm phán giữa chính phủ với phe đối lập vào ngày 1-1-2016, thành lập chính phủ quá độ, sau đó soạn thảo hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử tự do trong vòng 18 tháng dưới sự bảo trợ của LHQ.
Đồng thời HĐBA ủy quyền tổng thư ký LHQ tập hợp đại diện của Chính phủ Syria và phe đối lập để tham gia đàm phán. Đáng chú ý, nghị quyết đã khẳng định người dân Syria là người quyết định tương lai của Syria.
Tuy nhiên nghị quyết này đã không nhắc đến vấn đề vốn gây tranh cãi giữa các bên liên quan.
Mặc dù còn khác biệt trong một số vấn đề, nhưng việc các bên liên quan đã tạm gác bất đồng để ngồi lại với nhau và lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Syria cách đây năm năm, việc các cường quốc trên thế giới trong HĐBA nhất trí đưa ra được một kế hoạch ngừng bắn và tiến trình chính trị là một mốc hết sức quan trọng, mở ra triển vọng chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu ở đất nước chịu nhiều đau khổ này.
Sự kiện này còn cho thấy yêu cầu cấp bách phải tìm ra giải pháp cho vấn đề Syria khi các lực lượng khủng bố, trước tiên là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đang trở thành nguy cơ toàn cầu, đồng thời cũng thể hiện nguyện vọng của các bên muốn giải quyết cuộc xung đột Syria bằng thương lượng hoà bình.
Hội nghị quốc tế tiến hành ngay sau chuyến thăm Matxcơva của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 15-12 chứng tỏ vai trò của Nga là không thể thiếu được không chỉ trong vấn đề Syria, mà cả trong các vấn đề quốc tế quan trọng khác.
Không phải ngẫu nhiên mà trong khi áp đặt cấm vận toàn diện Nga sau vụ Ukraine và sáp nhập Crimea, Mỹ và phương Tây vẫn cần đến sự tham gia của Nga trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt trong vấn đề Syria, khi chiến dịch quân sự quy mô lớn của Nga chống khủng bố tại Syria đang phát huy hiệu quả tích cực.
Đáng khích lệ nhưng…
Nghị quyết của HĐBA và hội nghị quốc tế tại New York là sự mở đầu rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc thực hiện nghị quyết của LHQ không hề dễ dàng chút nào.
Rất khó có thể đạt được một cuộc ngừng bắn khi lực lượng IS đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria không được tham gia vào giải pháp.
Việc thỏa thuận được một danh sách phái đoàn của phe đối lập Syria tham gia đàm phán với Chính phủ Syria, việc phân loại các nhóm và tổ chức Syria nhằm xác định những phe nhóm khủng bố để gạt khỏi các cuộc thương lượng và giai đoạn chuyển tiếp đang gặp nhiều khó khăn do quan niệm của các bên còn rất khác nhau.
Trong khi đó, phương Tây và các nước Ả Rập vùng Vịnh còn đang chia rẽ với Nga, Syria và Iran về tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad.
Cuộc xung đột Syria kéo dài năm năm với sự tham gia của nhiều phe phái và các nước có quan điểm, lợi ích khác nhau không dễ gì giải quyết ngày một ngày hai. Con đường phía trước còn gập ghềnh và rất nhiều chông gai.
Tuy nhiên, các bên đều đã thấy được sự cần thiết phải giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp hòa bình. Họ đang tìm cách thoả hiệp để đạt được một giải pháp có thể chấp nhận được.
Đáng lưu ý là Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon tuyên bố: “Số phận của Tổng thống Bashar al-Assad phải do nhân dân Syria quyết định”.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry cũng tuyên bố: “Mỹ và các đối tác sẽ không tìm cách thay đổi chế độ ở Syria.
Chúng ta chỉ nên thúc đẩy một tiến trình hoà bình để người dân Syria có thể tự quyết định tương lai đất nước” và không còn coi việc ra đi của Tổng thống al-Assad là điều kiện tiên quyết cho các cuộc thương lượng.
Trong tình hình như vậy, mặc dù còn nhiều phức tạp nhưng việc các bên đạt được sự đồng thuận về các vấn đề mang tính nguyên tắc cho giải pháp Syria là sự mở đầu hết sức quan trọng.
Các bên sẽ tiếp tục hợp tác, xây dựng lòng tin để các cuộc hoà đàm có thể được tổ chức vào tháng 1-2016 theo kế hoạch đã định.