Cảnh vật của khu đầm đẹp như tranh vẽ, nguồn lợi thuỷ sản thì nhiều vô kể mà ‘để không’ tiếc quá, nên người nông dân Hai Hùng tổ chức làm du lịch, rồi dần dà thu hút nhiều du khách tìm đến.
Nông dân làm du lịch
Cảnh vật của khu đầm đẹp như tranh vẽ, nguồn lợi thuỷ sản thì nhiều vô kể mà ‘để không’ tiếc quá, nên người nông dân Hai Hùng tổ chức làm du lịch, rồi dần dà thu hút nhiều du khách tìm đến.
“Dinh thự” của ông Hai Hùng (Nguyễn Văn Hùng, 52 tuổi, ngụ ấp Tân Lập, xã Phong Lạc, H.Trần Văn Thời, Cà Mau) nằm tuốt ngoài đầm Thị Tường, tiếp giáp giữa 3 huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân (đều ở tỉnh Cà Mau). Theo truyền thuyết, lúc trước đầm có tên là Bà Tường (người tiên phong khai phá đầm), dần về sau người dân địa phương quen miệng gọi là đầm Thị Tường. Đầm dài 10 km, chỗ rộng nhất khoảng hơn 3 km, với diện tích mặt nước khoảng 700 ha.
Nhà tôi bây giờ có thể chứa được từ 30 – 40 người cùng lúc. Nhưng do lượng khách ngày càng đông nên tôi phải làm thêm nhà. Từ một chiếc vỏ máy ban đầu, giờ tôi đã sắm thêm 4 chiếc nữa để phòng khi khách đông có đủ phương tiện đưa họ dạo quanh đầm chơi
Nông dân Hai Hùng
Bỏ đất liền ra đầm ở
Tiếp chúng tôi trong căn nhà rộng đến 8 gian, Hai Hùng sảng khoái kể: “Tôi có nhà và mấy héc ta đất ở trong bờ. Nhưng 20 năm trước, trong một lần ra chơi ngồi nhậu lai rai trên căn chòi cất giữa đầm của người bạn, tôi cảm thấy thích thú vì ở đây gió rất mát, cá tôm muốn ăn chỉ cần thả lưới là có. Sau mấy đêm suy nghĩ, tôi quyết định đưa vợ con ra đây sống cho tới bây giờ. Ban đầu chỉ là căn nhà nhỏ xíu, đủ để vợ chồng và hai con trai ở. Cuộc sống thì chỉ dựa vào nguồn lợi cá, tôm, cua, ghẹ… trong đầm. Nhưng chính những nguồn lợi này đã giúp cho gia đình tôi có của ăn của để. Bà con xung quanh đầm thấy thế nên cũng dọn ra đây ở, mưu sinh trên đầm. Hiện tôi có đến vài chục căn chòi lớn nhỏ, trừ căn nhà đang ở rộng 10 m x 20 m, cất giữa đầm”.
Căn nhà của Hai Hùng sàn được lót bằng ván cách mặt nước hơn 1 m, vách và mái nhà lợp bằng lá. Đặc biệt là có rất nhiều cửa sổ để đón gió… Ngồi trong nhà, có thể cảm nhận tiếng sóng vỗ vào nhau như một bản nhạc du dương. Bà Dương Thị Lụa, vợ ông Hai Hùng chen vào: “Khi đó, tui khóc muốn khô nước mắt với ổng. Đang yên lành ở trong bờ, đất đai, vườn tược đều có, tự dưng bắt vợ con ra ở cheo leo ngoài này. Những ngày đầu chưa quen với cảnh suốt ngày phải quanh quẩn trong căn nhà chật hẹp, tôi khóc vì nhớ đất liền. Vậy mà bây giờ có cho vàng kêu tui vào bờ tui cũng hổng vô. Ở riết rồi tui cũng lây cái tính của ổng. Con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng, tôi cũng tổ chức ngay trong căn nhà giữa đầm và mời cả trăm khách”.
Theo lời vợ chồng ông Hai Hùng thì cá tôm, cua ghẹ… dưới đầm Thị Tường ngày xưa nhiều vô số kể. Một đống chà có thể bắt được vài chục ký cá tôm các loại, đánh một lưới cá đối phải hơn 30 kg.
Tiếng lành đồn xa
Giọng sang sảng, Hai Hùng kể: “Gọi là tour du lịch cho oai, chứ tôi làm chủ yếu là phục vụ anh em, chiến hữu cho vui. Với lại quê mình có phong cảnh thật đẹp, lại có nhiều món ngon mình ngại gì mà không bỏ chút công sức ra giới thiệu cho mọi người cùng đến tham quan, thưởng thức”.
Vừa rót rượu đãi khách, Hai Hùng kể về cuộc sống của mình
Ban đầu, khách đến với tour du lịch của Hai Hùng là khách trong huyện, trong tỉnh. Rồi “tiếng lành đồn xa”, hiện giờ hầu như ngày nào tour du lịch của Hai Hùng cũng có khách đăng ký du ngoạn, ăn uống trên đầm. Hướng dẫn viên của tour chính là ông chủ. Ông vừa lái vỏ máy chở khách dạo quanh đầm, vừa giải thích cho du khách hiểu về vùng đất quê mình. Bởi với 20 năm gắn bó, không ngóc ngách nào của đầm mà ông không tường tận. Khách đặt ăn uống, thì vợ con ông là thợ nấu, là nhân viên phục vụ. Nếu khách có nhu cầu nghỉ đêm ở đầm, thì nghỉ lại tại nhà ông. “Ai muốn dạo quanh đầm bất kể ngày hay đêm, cứ điện cho tôi trước chuẩn bị các món đặc sản ở đầm. Tôi chỉ lấy chi phí xăng và tiền cơm thôi, một người khoảng 200.000 đồng. Còn chỗ ở, tắm giặt thì tôi miễn phí luôn”, Hai Hùng nói thêm.
Để có đủ chỗ đón khách, Hai Hùng không ngừng cơi nới nhà mình. Chỉ tay về đống cây vừa được chở ra từ đất liền, Hai Hùng cho biết: “Nhà tôi bây giờ có thể chứa được từ 30 – 40 người cùng lúc. Nhưng do lượng khách ngày càng đông nên tôi phải làm thêm nhà. Từ một chiếc vỏ máy ban đầu, giờ tôi đã sắm thêm 4 chiếc nữa để phòng khi khách đông có đủ phương tiện đưa họ dạo quanh đầm chơi”. Rồi Hai Hùng đầu tư tiền điện kéo từ đất liền ra, đầu tư khoan giếng nước sâu hơn 120 m để lấy nước ngọt sử dụng. Ngoài ra, Hai Hùng còn trồng rau, nuôi heo, gà vịt… nhằm tạo thêm phong cảnh cho khách vui mắt.
Đầm Thị Tường không chỉ đẹp mà còn có nguồn lợi thuỷ sản nhiều vô kể – Ảnh: Gia Bách
“Từ giờ đến qua tết, ngày nào gia đình tôi cũng đón một vài đoàn khách nên cả nhà luôn trong tư thế sẵn sàng phục vụ. Phục vụ du khách thật tốt cũng là cách góp phần quảng bá cho quê hương”, Hai Hùng chia sẻ.