Sống chậm lại. Nghĩ khác đi…
Khuya! Con trai gục mặt trên bàn học, xung quanh ngổn ngang bài tập về nhà, bài học thuộc ghi nhớ các loại… Còn trong lòng cháu thì đang ôm một mớ đề văn phải chuẩn bị trước cho kiểm tra học kỳ 1.
Sống chậm lại. Nghĩ khác đi…
Khuya! Con trai gục mặt trên bàn học, xung quanh ngổn ngang bài tập về nhà, bài học thuộc ghi nhớ các loại… Còn trong lòng cháu thì đang ôm một mớ đề văn phải chuẩn bị trước cho kiểm tra học kỳ 1.
1 Để con chợp mắt ít phút, tôi tiện tay xếp gọn mớ giấy tập vương vãi trên bàn, và vô tình thấy bài kiểm tra ngữ văn trên lớp của con. Mắt tôi muốn hoa lên vì con số 4 màu đỏ trong khung điểm, và đây không phải là lần đầu tiên con mình như vậy! Môn văn lớp 9 – năm thi chuyển cấp – thời gian chỉ còn vài tháng, mỗi lần thấy con bị điểm dưới trung bình người tôi cứ như bị sốt phát ban!
Bình tĩnh lại, tôi nhận ra đề bài văn của con cũng khá hay, và khi hỏi lại con tôi mới biết hơn nửa lớp của con đều có điểm… dưới trung bình! Đề bài yêu cầu: “Nêu suy nghĩ của em về một lời nhắn cho giới trẻ ngày nay: “Sống chậm lại. Nghĩ khác đi. Yêu thương nhiều hơn”.
2 Nếu đề văn này dành cho các bậc phụ huynh, thì các vị nghĩ chúng ta nên viết thế nào để có điểm trên trung bình?
Tôi cũng muốn con mình “sống chậm lại” nhưng liệu… có được không? Mỗi sáng, học sinh lớp 9 như con tôi từ 5g đã mắt nhắm mắt mở dậy ôn bài, 6g vội vã rời khỏi nhà với ổ bánh mì hay gói xôi. Tới 12g trưa quay về nhà ăn cơm, 13g30 trở lại trường học tiếp, rồi 17g tan trường chạy qua lớp học thêm để luyện thi, 21g về nhà cơm nước xong là xoay một vòng các loại bài tập, bài học cho đến tận 0g sáng thì kiệt sức, gục mặt xuống bàn học mà ngủ.
Năm lớp 8, sáng chủ nhật cháu còn tham gia sinh hoạt kỹ năng sống, bây giờ thì bỏ hẳn vì không có thời gian, phải ưu tiên việc học. Học trò mà suy nghĩ “sống chậm lại” nghĩa là dùng thời gian đi học thêm, học ngày và học đêm để đi thăm ông bà hay phụ giúp ba mẹ công việc nhà; hoặc đọc sách, đi thư viện, chơi thể thao, tham gia sinh hoạt cộng đồng… Nếu như thế thì không những bị làm bài điểm kém, mà cũng có thể là kém hơn! Vì ngành giáo dục đã không cho bọn nhỏ có cơ hội để sống chậm lại, thế không kém hơn thì là gì?
3 Làm thế nào để cách “nghĩ khác đi” của giới trẻ được chấp nhận?
Ở trường, cách chấm điểm môn văn của các cấp học hiện giờ là trả lời theo đúng kiến thức đã được học. Học thuộc lòng, viết văn mẫu, đếm ý tính điểm… muốn “nghĩ khác đi” liệu có được không?
Trong gia đình, mới đây thôi, lúc ngồi ăn cơm ba cháu đã động viên con trai ráng hết sức để thi lớp 10 cho tốt, thì con rất hồn nhiên trả lời: “Con muốn đi bán kem!”. Mặt ba cháu tím lại rồi cáu gắt: “Đừng bao giờ nói với ba như thế!”. Như gáo nước sôi giội lên cây kem, cậu thiếu niên mắt cụp xuống im lặng. Có lẽ con không hình dung rằng câu nói tưởng là vui của mình lại khiến ba “nghĩ khác đi” một cách đầy tiêu cực, rồi đâm ra hụt hẫng.
Dưới áp lực học hành và sự kỳ vọng to lớn của ba áp đặt lên vai mình, con trai đã có tâm lý hoảng sợ thật sự trước gánh nặng này. Con đã viết trong bài văn 4 điểm rằng: “Ngày nay, ta thường thấy giới trẻ nói và làm theo phương châm: “Sống là không chờ đợi!”. Bằng cách nắm bắt mọi cơ hội trước mắt, và thực hiện nó một cách vội vã, mà không cần phải suy nghĩ điều đó có làm cho cuộc sống của mình hạnh phúc không…”.
Con đã dám nghĩ khác. Bữa cơm chiều đó, tôi đã xoa đầu con cười và gợi ý rằng: “Vậy khi mở cửa hàng bán kem, con có thể thuê mẹ không?”. Con mở to mắt, nét mặt tươi lên ra vẻ ngẫm nghĩ rồi gật đầu nói: “Dạ có, nếu mẹ thích!”.