Lạm phát “liên minh chống khủng bố”!
Sau hai liên minh chống khủng bố do Mỹ và Nga dẫn dắt, vừa xuất hiện thêm liên minh của khối các nước Ả Rập.
Lạm phát “liên minh chống khủng bố”!
Sau hai liên minh chống khủng bố do Mỹ và Nga dẫn dắt, vừa xuất hiện thêm liên minh của khối các nước Ả Rập.
Lực lượng Saudi Arabia tham chiến ở Yemen – Ảnh: Reuters |
Liên minh mới ra đời tại Riyad, thủ đô Vương quốc Saudi Arabia, có tên gọi “Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố”.
Theo những thông báo chính thức đầu tiên hôm 14-12, liên minh này do 35 quốc gia Hồi giáo đồng sáng lập. Việc gia nhập liên minh hoàn toàn tự nguyện. Đóng góp và tham gia cụ thể tuỳ theo khả năng của mỗi quốc gia thành viên. Trụ sở bộ chỉ huy tác chiến của liên minh này đóng tại Riyad.
Nhiều băn khoăn
Hoàng tử Mohammed Ben Salman kiêm bộ trưởng quốc phòng Saudi Arabia còn giải thích rõ họ nhắm tới “tất cả tổ chức và hình thức khủng bố, không riêng gì Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng”.
Bản tuyên cáo thành lập liên minh còn viết liên minh “sẽ phối hợp với các quốc gia bè bạn yêu chuộng hoà bình và các bên quốc tế để phục vụ những nỗ lực quốc tế chống khủng bố và gìn giữ hoà bình – an ninh thế giới”.
Việc ra đời một liên minh quân sự của nhiều quốc gia Hồi giáo cùng nhắm vào một mục tiêu chung là chống khủng bố. Điều này cho thấy các quốc gia Hồi giáo đều nhận thức được tầm mức nghiêm trọng của mối hiểm hoạ khủng bố do các tổ chức cực đoan nhân danh tôn giáo của họ gây ra.
Việc tự người Hồi giáo đứng ra đảm nhận trọng trách chống các hình thức khủng bố nhân danh đạo Hồi là một quyết định tích cực và đúng đắn; bởi những người đạo hữu với nhau tự giải quyết các vấn đề phát sinh từ bản đạo sẽ đỡ gây hằn thù với các tôn giáo khác, tránh bị các tổ chức khủng bố lợi dụng để phát động một cuộc chiến tranh tôn giáo trong thế giới văn minh ngày nay.
Tuy nhiên, việc ra đời liên minh quân sự Hồi giáo này có vẻ khá đường đột, khiến công luận quốc tế hầu như yên ắng, thậm chí phải băn khoăn.
Vì sao lại phải ra đời một liên minh nữa mà các thành viên chủ chốt của liên minh mới này vẫn đang là thành viên của Liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ đứng đầu?
Bằng chứng là hôm 15-12, Ngoại trưởng Saudi Arabia – hoàng tử Adel al-Jubeir còn tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Paris (Pháp) rằng Saudi Arabia cùng các đồng minh ở vùng Vịnh (UAE, Qatar, Bahrain) đang nghiên cứu gửi quân đặc nhiệm tới Syria trong khuôn khổ liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu.
Còn việc tham gia chống khủng bố ở Iraq thì đòi hỏi phải có yêu cầu chính thức từ chính quyền Baghdad.
Phải chăng Saudi Arabia và các đồng minh Ả Rập vùng Vịnh cùng Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng với cách mà Mỹ tiến hành chống khủng bố chỉ nhắm vào IS và al-Qaeda tại Syria và Iraq, trong khi ngoại trưởng Saudi Arabia nhiều lần khẳng định “ông al-Assad phải ra đi, cho dù bằng giải pháp chính trị hay bằng vũ lực”; còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyeb Erdogan luôn gắn chống khủng bố với loại bỏ chế độ của ông al-Assad?
Định nghĩa bất nhất
Một vấn đề lớn khác là đối tượng “khủng bố” mà liên minh Hồi giáo nhắm tới rất rộng, thậm chí chưa định tính, định lượng được. Trên thực tế, tại các quốc gia chủ chốt của liên minh mới này như Saudi Arabia, Ai Cập, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ… quan niệm về “tổ chức khủng bố” cũng không đồng nhất.
Trong khi Saudi Arabia và Ai Cập xếp tổ chức Anh em Hồi giáo vào loại “khủng bố”, thì hai quốc gia còn lại không đồng tình, thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ còn đón nhận, dung dưỡng các thành viên Anh em Hồi giáo bị Ai Cập truy bức phải trốn chạy ra nước ngoài.
Thực lực tài chính của liên minh này, với nòng cốt là các vương quốc dầu lửa vùng Vịnh, thì không phải bàn. Nhưng sức mạnh thật sự còn phải bàn vì chưa phải hễ cứ có tiền nhiều là vượt trội được.
Cũng như liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu số lượng rất đông nhưng nòng cốt không đáng kể, mà hành động thực tế hầu như chỉ Mỹ gánh chịu. Liên minh quân sự Hồi giáo này có lẽ cũng tương tự.
Đóng góp tài chính chủ yếu sẽ chỉ có dăm ba quốc gia chủ chốt. Còn trách nhiệm quân sự thì đáng kể chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Saudi Arabia. Đứng đầu Liên minh quân sự Hồi giáo này là Saudi Arabia vẫn đang rất bận rộn với cuộc can thiệp quân sự vào Yemen từ hồi tháng 4 năm nay.
Ngoại trưởng al-Jubeir đã khẳng định liên minh này không phân biệt hai dòng Hồi giáo Sunni/Shiite. Nhưng việc Iran, Iraq và chính quyền Syria không tham gia liên minh khiến tất cả thành viên sáng lập của liên minh này đều do dòng Sunni cầm quyền.
Dư luận không khỏi băn khoăn khi một liên minh quân sự chỉ gồm có người Hồi giáo Sunni xuất hiện trong hoàn cảnh tranh chấp căng thẳng đậm đặc mâu thuẫn giữa Hồi giáo Sunni với Hồi giáo Shiite (mà Iran là đại diện), đang chi phối nặng nề mọi cuộc khủng hoảng ở Trung Đông.
Còn quá sớm để biết Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố này sẽ đem lại những điều tích cực gì để góp phần sớm loại trừ hiểm hoạ khủng bố.
Lún vào Yemen Saudi Arabia cùng các đồng minh vùng Vịnh đã dùng không quân đánh phá thường xuyên lực lượng phiến quân dòng tộc Hauthi suốt từ tháng 4 đến nay. Từ tháng 9, hàng chục ngàn binh sĩ một số nước Ả Rập vùng Vịnh đã tiến vào Yemen cùng số lượng vũ khí và trang bị quân sự hùng hậu để quyết đánh bại phiến quân, khôi phục chính quyền hợp pháp do Tổng thống Mansour Hadi đứng đầu. Thế mà đến nay vẫn chưa thể giải phóng các khu vực trọng yếu ở ven Hồng Hải cũng như miền bắc đất nước, trong đó có thủ đô Yemen. Chiến trường Yemen thật sự là một thử thách nhãn tiền để đặt ra nỗi băn khoăn rằng Saudi Arabia rất nhiều tiền, nhưng khả năng chiến đấu của quân đội vương quốc này liệu có tương xứng với các đối thủ trong khu vực hay không. |