29/11/2024

Tắc nghẽn chuyển nhượng tên miền Việt Nam

Dù Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền VN từ ngày 1.9.2014 nhưng sau hơn một năm, các cá nhân, doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi mỏi mòn do chưa có hướng dẫn thực hiện.

 

Tắc nghẽn chuyển nhượng tên miền Việt Nam

 

Dù Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng tên miền VN từ ngày 1.9.2014 nhưng sau hơn một năm, các cá nhân, doanh nghiệp vẫn phải chờ đợi mỏi mòn do chưa có hướng dẫn thực hiện.



 


Khách hàng đăng ký tên miền tại Công ty Mắt Bão - Ảnh: D.Đ.Minh

 

Khách hàng đăng ký tên miền tại Công ty Mắt Bão – Ảnh: D.Đ.Minh


Đầu năm 2012, Công ty an ninh mạng BKAV đã chi ra số tiền 2,3 tỉ đồng để mua lại tên miền quốc tế Bkav.com từ một công ty của Mỹ. Đây là số tiền lớn nhất để sở hữu một tên miền của doanh nghiệp (DN) VN ở thời điểm đó.

Tên miền là tài sản
Theo Tổng giám đốc BKAV Nguyễn Tử Quảng, trước đó 10 năm công ty không nghĩ tới việc có thể đưa thương hiệu ra toàn cầu nên không mua tên miền quốc tế “.com” và chỉ mua tên miền trong nước “.vn”. Nhưng khi BKAV muốn đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài phải liên hệ để mua lại tên miền bởi đó là địa chỉ đầu tiên để bạn hàng, đối tác tìm hiểu và liên hệ với DN qua mạng internet. Hoạt động mua bán chuyển nhượng tên miền quốc tế luôn sôi động vì tên miền quốc tế “.com” được tự do mua bán và không ít những cái tên thương hiệu lớn của VN đã rơi vào tay những DN ở các châu lục xa xôi. Ông Quảng chia sẻ, các DN nên mua ngay tên miền quốc tế để tránh phải chi nhiều tiền mua lại sau này.
Trong những ngày qua, chuyên gia Nguyễn Trọng Khoa đang rao bán 10 tên miền quốc tế với mức giá thấp nhất là 100 triệu đồng/tên. Là người đang sở hữu khoảng 1.200 tên miền quốc tế và VN, Nguyễn Trọng Khoa cho biết hoạt động mua bán tên miền quốc tế từ trước đến nay đều đơn giản, nhanh gọn. Trong hoạt động xuất khẩu và thị trường không biên giới như hiện tại, tên miền giúp định vị rõ thương hiệu, nhãn hàng của DN. Việc kiểm soát và nắm giữ quyền quản trị một tên miền trở thành lợi thế. Vì vậy, không chỉ sở hữu tên miền trong nước, các DN nên nghĩ đến việc mua tên miền quốc tế để tránh các cá nhân hoặc đối thủ cạnh tranh sở hữu tên giống thương hiệu của mình. Khi đó các hoạt động marketing ra thị trường quốc tế sẽ khó khăn hơn.
“Các DN cần phải nhìn nhận tên miền như một tài sản, một công cụ marketing không thể thiếu trên mạng internet ngày nay. Chẳng hạn các tập đoàn lớn như Starbucks dù đã có tên miền quốc tế nhưng trước khi chính thức có mặt tại thị trường VN cũng đã thông qua một đơn vị tư vấn để mua tên miền www.starbucks.vn. Vì vậy việc mua tên miền quốc tế lẫn tên miền quốc gia đều quan trọng như nhau”, ông Nguyễn Trọng Khoa nói.
Địa chỉ .vn không được sang tên
Trong khi hướng dẫn cho phép chuyển nhượng, đấu giá quyền sử dụng tên miền VN “.vn” chưa có thì mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT Quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên internet nêu rõ không được thay đổi tên của chủ thể đăng ký tên miền. Điều này hạn chế luôn cơ hội chuyển từ cá nhân sang sở hữu DN thành lập mới dù cùng chủ sở hữu.
Ông Nguyễn Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử VN, cho biết hiện có một số DN đang gặp khó khăn khi xin giấy phép thành lập mạng xã hội. Bởi DN phải có tên miền do chủ DN đứng tên sở hữu nhưng không thể chuyển từ tên cá nhân sang dù cùng một người. Nếu phải làm thủ tục trả lại tên miền rồi DN đăng ký lại theo quy định thì vừa mất thời gian vừa có nguy cơ bị mất ngay lập tức. Vì vậy ông đề nghị mở lại chuyện sang tên như trước đây trong khi chờ hướng dẫn cho phép hoạt động mua bán chuyển nhượng công khai theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Thái, Giám đốc kinh doanh – Công ty Mắt Bão, lý giải nhiều cá nhân thường đăng ký trước tên miền đẹp, sau một thời gian mới thành lập DN, hoặc trong khi chờ hoàn tất thủ tục đăng ký DN thì họ đăng ký trước tên miền để khỏi bị mất. Vì thế, nhu cầu chuyển tên sở hữu từ cá nhân sang sở hữu công ty rất nhiều. Quy định mới cấm chuyển nhượng nên tất cả hồ sơ liên quan đều bị ách lại.
Vì thế, ông Thái đề nghị cho phép chuyển sở hữu cá nhân sang sở hữu DN như trước đây và nên khởi động sớm với sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước để tránh đầu cơ nhưng vẫn gia tăng thị phần tên miền VN. Còn theo ông Nguyễn Trọng Khoa, tên miền như một tài sản, hay nói cách khác như một ngôi nhà và Trung tâm internet VN nên tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức hoàn tất thủ tục khi có nhu cầu chuyển nhượng. Khi đó Chính phủ sẽ thu được phí chuyển nhượng và thuế thu nhập cá nhân…
Ông Khoa lý giải: Cho phép chuyển nhượng tên miền VN càng sớm sẽ giúp Chính phủ có thêm nguồn thu, hạn chế những tranh chấp cũng như khuyến khích được người dân và các DN hiểu được tầm quan trọng của tên miền trong việc quảng bá, marketing sản phẩm… Sim số điện thoại cũng là tài nguyên viễn thông nhưng được đấu giá thì tại sao tên miền lại chưa được?
Gần 1 triệu tên miền tiếng Việt
Theo Trung tâm internet VN, tính đến hết tháng 11.2015, tổng số tên miền tiếng Việt đang tồn tại trên hệ thống là 952.710 tên miền.
Theo quy định hiện hành, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể đăng ký tên miền tiếng Việt theo nguyên tắc ai đăng ký trước thì được.
Phí đăng ký tên miền VN cho năm đầu tiên là 830.000 đồng, phí duy trì hằng năm là 480.000 đồng. Phí đăng ký tên miền quốc tế “.com” hoặc “.net” là 280.000 đồng (thêm thuế VAT 10%), phí duy trì mỗi năm là 280.000 đồng.

Mai Phương