Nguyễn Duy Tuấn (32 tuổi, ngụ thôn 5, xã Hòa Khương, H.Hoà Vang, TP.Đà Nẵng) là dân học kinh tế, nhưng vì muốn phát huy năng lực ở lĩnh vực nông nghiệp nên ngay khi khởi nghiệp, anh đã chọn ngành chăn nuôi. Sau nhiều năm loay hoay vay mượn, đầu tư gần 200 triệu đồng chăn nuôi heo nhưng vẫn “tay trắng”, anh nhận ra ở thời điểm hiện tại, nếu chăn nuôi theo mô hình trang trại truyền thống sẽ không hiệu quả do bất ổn định từ con giống, tăng trưởng, đầu ra cho đến dịch bệnh.
Từ thành công của mô hình nuôi heo hiện đại, tháng 6.2015, anh Tuấn vinh dự được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”.
Công nghệ rút ngắn thời gian tăng trưởng
Đến năm 2012, khi được người bạn giới thiệu mô hình nuôi heo theo công nghệ Thái Lan với hệ thống chuồng trại khép kín, có máng ăn, nước uống bán tự động, xây cao, thoáng mát và hoàn toàn không có mùi hôi, anh Tuấn “hạ quyết tâm” đầu tư và trở thành nông dân đầu tiên ở Đà Nẵng làm mô hình này.
Để có vốn, anh Tuấn phải mượn cả chục sổ đỏ của người thân mang đi vay gần 2 tỉ đồng. Trại heo được xây trên diện tích 250 m2, nhưng đầu tư đến 1,6 tỉ đồng, gồm hệ thống trang trại khép kín và dàn máy làm lạnh công nghiệp theo kiểu quạt hơi nước (không phải máy điều hoà nhiệt độ kiểu gia đình vẫn dùng), đảm bảo nhiệt độ luôn ở khoảng 28 – 29oC. Chuồng trại vừa xong, anh Tuấn nhập ngay 20 con heo giống PIC của Mỹ nuôi thí điểm.
“Nhiệt độ lý tưởng đối với giống heo này là 25 – 29oC. Chính vì vậy, chỉ cần môi trường sống đảm bảo, kiểm soát được dịch bệnh heo sẽ khoẻ, ăn ngủ tốt, phát triển nhanh, rút ngắn thời gian tăng trưởng và có thể đảm bảo trọng lượng xuất chuồng mà không cần bất cứ một “thủ thuật” vỗ béo, tích nước, tăng trọng bằng chất kích thích hay tạo nạc, những chất cấm trong chăn nuôi”, anh Tuấn khẳng định.
Chất lượng giống tốt, năng suất sinh sản cao, thời gian tăng trưởng ngắn hơn so với heo nuôi đại trà, đặc biệt khi nuôi trong môi trường khép kín với nhiệt độ ổn định sẽ tránh được dịch bệnh chính là những ưu thế mà anh Tuấn và những người chăn nuôi heo theo công nghệ hiện đại chọn.
Anh Tuấn giới thiệu hệ thống làm mát của chuồng heo tiền tỉ
Trong năm đầu tiên, đàn heo 20 con nái của anh Tuấn cho ra lứa thứ 2 được gần 300 con. Theo chia sẻ của anh Tuấn thì mất khoảng 5 tháng để một lứa heo nuôi đạt trọng lượng 1,2 – 1,4 tạ/con, đảm bảo trọng lượng xuất chuồng với thịt ngon, chất lượng, xương nhỏ, độ nạc cao… mà heo nuôi truyền thống khó sánh bằng. Mỗi năm, ngoài số heo giống bán ra, trại của anh Tuấn còn xuất chuồng từ 300 – 400 heo thịt với trọng lượng từ 1,2 – 1,4 tạ. Hiện tại, dù mới chỉ làm với quy mô nhỏ, nhưng sau khi trừ hết chi phí đầu tư, giống, thức ăn… thì đều đều mỗi năm anh Tuấn vẫn thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Dự án heo Mỹ – công nghệ Mỹ
Từ thành công bước đầu với quy trình nuôi heo khép kín, đầu năm 2015, anh Tuấn bắt đầu ấp ủ dự án nuôi heo Mỹ bằng công nghệ Mỹ, với chuồng trại hoàn toàn tự động từ khâu chăm sóc, ăn uống, vệ sinh đến kiểm soát nhiệt độ, dịch bệnh… Anh Tuấn cho biết, dự án sẽ có quy mô triển khai trên diện tích chuồng trại khép kín rộng khoảng 5 ha, có thể nuôi tầm 300 con nái và 1.000 heo thịt để bán ra thị trường, tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỉ đồng. Anh Tuấn nhẩm tính, triển khai được dự án này, mỗi năm sẽ thu trên dưới 6 tỉ đồng. “Tham vọng của dự án không chỉ là cung cấp một lượng lớn thịt lợn sạch, đảm bảo tiêu chuẩn ra thị trường mà còn là địa chỉ cung cấp lợn giống, thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân, đặc biệt là thanh niên nông thôn nuôi tham vọng làm giàu”, anh Tuấn tâm tư.
Là người sâu sát với dự án trang trại heo công nghệ Mỹ của anh Tuấn suốt thời gian qua, ông Lê Đức Trí, Trưởng phòng Kinh tế – hạ tầng huyện Hoà Vang, chia sẻ: “Mô hình nuôi heo công nghệ cao của anh Tuấn là mô hình điểm của thanh niên địa phương, rất nhiều người tìm đến học hỏi. Hiện chính quyền địa phương đang làm hồ sơ về dự án trang trại khép kín với quy mô 5 ha của anh Tuấn và trình thành phố hỗ trợ để dự án sớm được triển khai, góp phần phát triển kinh tế nông thôn mới”.