Quan hệ độc đáo Nhật – Ấn
Cuộc viếng thăm Ấn Độ trong ba ngày cuối tuần vừa qua của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có thể được xem như hình mẫu của sự hữu nghị, của tính chiến lược.
Quan hệ độc đáo Nhật – Ấn
Cuộc viếng thăm Ấn Độ trong ba ngày cuối tuần vừa qua của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có thể được xem như hình mẫu của sự hữu nghị, của tính chiến lược.
Hai thủ tướng trong lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai nước tại New Delhi ngày 12-12 – Ảnh: Reuters |
Không một đối tác nào đóng vai trò quyết định trong cuộc chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ bằng Nhật Bản. Không một thân hữu nào lại quan trọng hơn Nhật trong việc biến giấc mơ kinh tế của Ấn Độ thành hiện thực |
Thủ tướng MODI (phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12-12) |
Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi đã đưa ra giải thích về mối quan hệ độc đáo Ấn – Nhật trong cuộc họp báo chung ngày 12-12: “Trong một thế giới đầy những cam kết quốc tế, chỉ vài cuộc viếng thăm mới thật sự là lịch sử hoặc làm thay đổi diễn tiến quan hệ… Thật là một niềm hân hoan lớn khi tiếp một người bạn cá nhân và một người luôn ủng hộ hết lòng cho mối quan hệ Ấn – Nhật”.
Ông Modi đã không quá lời khi nói rằng ông Abe là một “người bạn cá nhân” của ông. Mối thâm giao giữa hai ông đã nảy sinh từ thời ông Modi còn là chánh bộ trưởng đặc trách kinh tế ở bang Gujarat và ông Abe lần đầu tiên giữ chức thủ tướng.
Ông Modi đã không những mở rộng cửa bang Gujarat để đón làn sóng đầu tư Nhật, mà còn đồng cảm với tinh thần quốc gia của ông Abe trong ý nghĩa làm sao hiện đại hóa đất nước mà vẫn giữ được bản sắc của mình.
Nhà báo Iain Marlow của tờ The Globe and Mail đã nhắc lại như thế vào tháng 9 năm ngoái khi ông Modi chọn Nhật làm điểm viếng thăm đầu tiên của các chuyến công du từ khi nhậm chức thủ tướng Ấn vào tháng 5 trước đó. Và người đón ông ở Tokyo không ai khác hơn là người bạn cố tri Abe, đang giữ chức thủ tướng lần thứ hai.
Tất nhiên, như có thể thấy trong lịch sử bang giao quốc tế, các mối thâm giao giữa các nhà lãnh đạo với nhau có thể làm thay đổi dòng lịch sử. Mối quan hệ thân tình giữa hai ông Modi và Abe cũng đã tác động tích cực lên quan hệ hai nước.
Trong góc độ trao đổi kinh tế – kỹ thuật, có thể hiểu tại sao việc Ấn Độ lại “hợp rơ” với Nhật hơn với một nước nào khác: Ấn Độ ở một trình độ phát triển tương đối khá cao, nên có nhờ cậy đến Nhật làm tàu cao tốc hay phát triển điện hạt nhân (hoặc tới đây sản xuất xe Nhật rồi tái xuất sang Nhật) cũng là đúng, chớ không lẽ cậy đến một nước có trình độ phát triển và kỹ thuật đang bị nghi kỵ là “hàng nhái”.
Trên một bình diện khác (chính trị, xã hội, văn hoá, tôn giáo…), Ấn và Nhật cũng tương đồng hơn chớ không “chỏi” về thể chế chính trị, xã hội và nhất là tham vọng phát triển như với nước khác.
Bởi thế Thủ tướng Modi mới thẳng thắn nhận định: “Tôi không thể nghĩ rằng có quan hệ đối tác chiến lược nào tốt hơn mối quan hệ chiến lược của hai nước chúng ta trong tác động sâu sắc đến việc hình thành một tiến trình của châu Á cùng các khu vực đại dương gắn liền với nhau”.
Nôm na mà nói, quan hệ chiến lược Ấn – Nhật vốn “đồng điệu” chứ không “lạc điệu” hoặc trái chiều, sẽ là cột trụ của tương lai châu Á và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Chính vì thế hai thủ tướng Ấn và Nhật đã cùng “khẳng định lại cam kết vững chắc của mình trong việc thực hiện một trật tự trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và xa hơn nữa, trên cơ sở hoà bình, cởi mở, công bằng, ổn định và dựa trên luật lệ.
Ấn Độ và Nhật Bản nêu cao các nguyên tắc: chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết hoà bình các tranh chấp; dân chủ, nhân quyền cùng các quy định của pháp luật; chế độ thương mại mở toàn cầu; tự do hàng hải và hàng không”.
Từ đó, hai nhà lãnh đạo cùng nói đến tình hình Biển Đông và đưa ra những kêu gọi sâu sắc nhất, do lẽ Biển Đông có yên ổn thì Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mới yên ổn để Ấn Độ và Nhật Bản cùng thịnh vượng với các nước trong khu vực chung này.