Mua hàng phải soi kỹ nguồn gốc
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều đơn vị phân phối sản phẩm thịt heo, rau củ VietGAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) đã tung hàng ra thị trường. Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ tạo niềm tin…
Mua hàng phải soi kỹ nguồn gốc
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều đơn vị phân phối sản phẩm thịt heo, rau củ VietGAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) đã tung hàng ra thị trường. Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ tạo niềm tin…
Các sản phẩm có chứng nhận VietGAP được trưng bày tại hội nghị triển khai và công bố mô hình chuỗi cửa hàng an toàn thực phẩm do Sở Công thương TP.HCM tổ chức sáng 7-12 – Ảnh: Thanh Tùng |
Thực phẩm an toàn được bán đồng loạt, rồi mô hình chợ an toàn thực phẩm cũng đang được thí điểm… có nghĩa bà nội trợ không phải tự mình xoay xở, chống chọi với thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhưng chừng đó đã đủ lấy lại niềm tin người tiêu dùng?
Khi cầm một món hàng trên tay, tôi muốn biết nó được sản xuất ở đâu, theo phương thức nào, nguyên liệu là gì… Nhưng đáng tiếc là phần lớn thực phẩm hiện nay vẫn chưa thực hiện được việc truy xuất như vậy |
VŨ THẾ TUẤN (tổng giám đốc Công ty cổ phần Icheck) |
Nhờ nguồn rau quê
Chị Lan Anh, ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), đang nuôi con nhỏ, kể từ trước đến nay để có nguồn rau củ, cá, thịt sạch an toàn, phải cầu cứu người nhà ở Khánh Hoà gửi vào. Cứ hai tuần/lần, chị đều phải nhờ người nhà mua hàng tận gốc sau đó đóng gói, cấp đông chuyển theo xe đò vào để dành ăn dần. “Cháu còn nhỏ, nhu cầu không nhiều, chứ lâu dài tôi cần tìm một nguồn thực phẩm an toàn ngay tại thành phố” – chị Lan Anh chia sẻ.
Nhiều bà nội trợ vẫn thường băn khoăn về nguồn gốc, chất lượng thực phẩm nhưng rồi cũng đành chọn mua hàng theo cảm tính. “Tin tưởng nhau là chính, ăn hoài không sao nên cứ mua quen ở một vài chỗ thôi” – chị Trang đi chợ Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM) nói về thói quen đi chợ.
Đối với mặt hàng rau, theo nhiều bà nội trợ, chủ yếu vẫn chế biến kỹ càng trước khi ăn dù mua ở chợ hay siêu thị. “Sợ nhất mấy loại rau có lá, nghe nói người ta phun thuốc nhiều, thậm chí rau muống có cả nhớt xe nên càng ngày nhà tui càng hạn chế ăn rau có lá” – bà Trường, đi mua sắm tại chợ Đầm Sen, cho biết.
Dù thông tin rau củ, thịt sạch được bày bán tại chợ, siêu thị nhưng bà Trường vẫn lắc đầu nguây nguẩy: “Mình nấu cho mình ăn nên càng kỹ càng tốt. Giờ họ nói vậy chứ thực hư sao mình đâu có nhìn thấy thịt sạch, rau củ sạch như thế nào đâu. Bảo vệ mình bằng mọi cách vẫn là tốt nhất”.
Mập mờ sẽ khó bán hàng
Chợ Lãnh Binh Thăng (Q.11, TP.HCM) trong một ngày cuối tuần vẫn nhộn nhịp người mua kẻ bán. “Nhà tôi ngay sau chợ, đi riết rồi ai cũng biết mặt biết tên, mua cái gì đều chạy ra chợ. Tuy nhiên, nghe nhiều vụ phát hiện chất cấm trong ngành chăn nuôi, tôi lo quá, phải xem kỹ thịt, rau mới dám mua” – chị Hồng Phụng (đường Lãnh Binh Thăng, Q.11) nói.
Theo ông Văn Đức Mười – tổng giám đốc Vissan, người tiêu dùng bây giờ đã có yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Họ chỉ tin khi thấy logo hay dấu mộc chứng minh an toàn thực phẩm. Đó là lý do Vissan tiến hành công bố điểm bán thịt heo VietGap bên cạnh cung ứng thịt heo có kiểm soát và tách bạch với heo VietGAP.
“Nguồn heo VietGAP mà doanh nghiệp đăng ký, công bố có mã nhận diện riêng, có dấu thú y kiểm soát giết mổ riêng để người tiêu dùng dễ phân biệt” – ông Mười nói.
Tuy nhiên, thách thức của Vissan là làm sao duy trì được nguồn cung heo VietGap đạt tiêu chuẩn khi mà quy trình chăn nuôi, giết mổ, phân phối vẫn chưa thể khép kín.
Theo nguyên tắc, mỗi chiếc xe chở heo VietGap chỉ được đón hàng một điểm và được niêm phong để tiện việc theo dõi, truy xuất nguồn gốc. Thế nhưng đã có hiện tượng tranh mua heo VietGap dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Nafoods, cho rằng chỉ đến khi khép kín được quy trình thì nhà sản xuất mới có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy được nguồn gốc xuất xứ cũng như cam kết sản phẩm an toàn. Đó là cách kinh doanh bền vững.
Chia sẻ cách quản lý an toàn thực phẩm của Nhật Bản, ông Hirotaka Yasuzumi – giám đốc điều hành của JETRO tại TP.HCM – cho hay ở Nhật Bản vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu và gắn với đạo đức, danh dự nhà kinh doanh.
Theo ông Hirotaka Yasuzumi, nhà sản xuất phải nhận thức không được đưa những sản phẩm kém an toàn ra thị trường, và quan trọng hơn nếu đưa ra thị trường sản phẩm nguồn gốc không rõ ràng sẽ không bao giờ bán được hàng. Các bà nội trợ Nhật Bản không bao giờ mua hàng không rõ nguồn gốc.
Theo thống kê của Nhật Bản, phần lớn rau củ quả, trái cây, hàng thực phẩm tươi sống mà các gia đình Nhật Bản sử dụng đều có nguồn gốc trong nước. Hàng nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 30% và tiêu thụ ở các nhà hàng, chủ yếu là sản phẩm đã qua chế biến.
Theo ông Vũ Thế Tuấn – tổng giám đốc Công ty cổ phần Icheck, ở nhiều nước thói quen truy xuất nguồn gốc của sản phẩm đã được người dân làm từ rất lâu. Gần đây thói quen mua sắm của các bà nội trợ trong nước cũng đã được nâng lên. Họ đòi hỏi không chỉ về chất lượng mà cần sự rõ ràng về thông tin sản phẩm.
Chính sự minh bạch thông tin sản phẩm với người tiêu dùng là cách để dần loại bỏ được hàng giả, hàng kém chất lượng.
Chấp nhận mua giá cao Theo quy định, chỉ những sản phẩm đảm bảo an toàn mới được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, không phải lúc nào một bó rau ngoài chợ cũng có thể được kiểm soát có an toàn hay không ngoài những đợt kiểm tra định kỳ. Bà Sáu Hoài, ngụ Q.Tân Bình, nói miếng ăn chỉ ngon khi người ăn cảm thấy an toàn. “Tôi có mua rau VietGap ở siêu thị gần nhà, quả thực nhiều loại không ngon bằng hàng chợ nhưng cứ nghĩ an toàn là được, dù giá cao hơn chợ ít nhất vài ngàn/ký” – bà Hoài nói. |