29/11/2024

Tự tay tạo niềm vui

Có nhiều điểm tương đồng với trào lưu làm đồ handmade (thủ công), xu hướng D.I.Y – Do It Yourself (tự-tay-làm-lấy) mang đến cho người trẻ nhiều lợi ích bất ngờ.

 

Tự tay tạo niềm vui

 

Có nhiều điểm tương đồng với trào lưu làm đồ handmade (thủ công), xu hướng D.I.Y – Do It Yourself (tự-tay-làm-lấy) mang đến cho người trẻ nhiều lợi ích bất ngờ.




D.I.Y Let's go dạy bạn trẻ tự làm các sản phẩm cho ngày Tình yêu - Ảnh: cắt từ YouTube D.I.Y Let's go

D.I.Y Let’s go dạy bạn trẻ tự làm các sản phẩm cho ngày Tình yêu – Ảnh: cắt từ YouTube D.I.Y Let’s go


Từ những vật dụng quen thuộc hằng ngày, bằng chút sáng tạo phá cách và sự khéo léo, những bạn trẻ đã có thể biến tấu từ hình dáng đến công dụng của sản phẩm.

Cái hay của D.I.Y
D.I.Y thường tập trung ở lứa tuổi học sinh THCS, THPT, sinh viên, dân văn phòng. Làm quen với D.I.Y cách đây 5 năm, cơ duyên và đam mê đã đưa Đỗ Viết Tuấn, hiện đang làm thiết kế nội thất và sản xuất nghệ thuật tại TP.HCM đến với lĩnh vực đầy lý thú này.
“Do con đường học làm luật sư theo ý gia đình không thành công, mình quyết định thay đổi cuộc sống một chút. Mình vào nam tìm kiếm cơ hội, có dịp tham gia và gặp gỡ các bạn trong nhóm Xì Gòn handmade. Ban đầu, việc này chỉ để cho vui và giết thời gian, nhưng sau đó mình nghĩ tại sao không thử làm một điều gì đó mới mẻ hơn. Một TV show online chẳng hạn”, Tuấn bộc bạch.
Cũng từ đó, ý tưởng ra đời một chương trình hướng dẫn cho bạn trẻ biết làm nhiều thứ từ sản phẩm tái chế của Tuấn mang tên D.I.Y Let’s go – bao gồm mạng tương tác trên Facebook và một kênh TV show online cùng tên trên YouTube. Với những clip được quay chỉn chu, cách thực hiện rõ ràng, dễ áp dụng, D.I.Y Let’s go là một kênh tham khảo khá tốt của nhiều bạn trẻ.
 
 

D.I.Y xuất phát từ các nước phương Tây từ những năm 1950, còn châu Á thì phổ biến tại Nhật Bản. Thời kỳ đầu, khái niệm này chỉ xoay quanh chuyện tự làm để… tiết kiệm chi phí thay vì thuê người, dần dà, D.I.Y đã được nâng cấp, phục vụ cả nhu cầu tự sử dụng, trao đổi lẫn buôn bán.

 

 

“Cái hay của trào lưu này là tự làm, tự sửa chữa theo ý định, sở thích cũng như khả năng của mình, nên sản phẩm tạo ra cũng rất đa dạng, độc đáo và mang dấu ấn cá nhân”, Tuấn cho biết.

Hương Mai, giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết thời gian du học ở Úc đã cho cô cơ hội biết đến D.I.Y thông qua những hoạt động ngoại khóa ở trường mà cô theo học. Hiện tại, Mai áp dụng những kiến thức này cho việc giảng dạy, như trang trí lớp học, thiết kế giáo cụ, ra bài tập thực hành cho học sinh.
“D.I.Y nhất là tái chế không chỉ cho phép mình sáng tạo mà còn giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm, lối sống xanh sạch, thân thiện. Ở nhà, mình cũng sử dụng thùng carton làm đồ chơi cho con gái, hay tự may áo quần cho bé. Có thể không khéo tay như nhiều bạn, nhưng cả nhà đều vui và gắn kết vì có thời gian tự làm nhiều thứ cùng nhau”, Mai chia sẻ.
Hoàn thiện bản thân
Theo Tuấn, D.I.Y rất gần với lĩnh vực đồ thủ công mỹ nghệ, vì có cùng mục đích nhưng lại hơi khác về chức năng. Sự tương hỗ nhất định này khiến nhiều người đã thích handmade có thể theo đuổi luôn D.I.Y và ngược lại.
“D.I.Y, Recycle (tái chế) thường là các thuật ngữ gắn liền với nhau, áp dụng cho lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật và làm mới cái cũ, hoặc hiểu rộng và xa hơn là xây dựng và sửa chữa, có thể dùng công cụ hay thiết bị phức tạp. Còn handicraft (thủ công mỹ nghệ) là chỉ quá trình làm tay bằng kỹ thuật truyền thống với sự hỗ trợ của dụng cụ đơn giản”, Tuấn giải thích.
Ngoài chuyện “làm cho vui”, nhóm D.I.Y Let’s go của Tuấn cũng là gương mặt quen thuộc tại tour hội chợ handmade đến các trường ĐH ở TP.HCM, ra mắt sách “Sắc màu hoa handmade” với 2.000 bản in trên toàn quốc cũng như tham gia các hoạt động thiện nguyện như: ủng hộ phẫu thuật trẻ sứt môi hở hàm ếch của Operation Smile và gây quỹ học bổng tại Phan Thiết.
Theo Tuấn, ý nghĩa thực sự của D.I.Y là hoàn thiện bản thân cũng như chia sẻ niềm vui với cộng đồng.

Kim Nga