10/01/2025

Nhắm mắt mà ăn hàng rong

Từ các vỉa hè, góc phố đến cổng trường TP.HCM tràn ngập “hàng, quán di động” thu hút không chỉ học sinh, sinh viên mà cả giới văn phòng bởi giá rẻ dù biết chắc nó không an toàn.

 

Nhắm mắt mà ăn hàng rong

 

Từ các vỉa hè, góc phố đến cổng trường TP.HCM tràn ngập “hàng, quán di động” thu hút không chỉ học sinh, sinh viên mà cả giới văn phòng bởi giá rẻ dù biết chắc nó không an toàn.




Hàng quán di động tràn lan khắp đường phố Sài Gòn - Ảnh: Diệp Đức Minh

Hàng quán di động tràn lan khắp đường phố Sài Gòn – Ảnh: Diệp Đức Minh


Khoảng hơn 10 giờ sáng, trên đường Nguyễn Trãi và một số tuyến đường lân cận ở khu vực P.4 (Q.5), người gánh, kẻ đẩy xe, đi xe đạp, chở bằng xe gắn máy mang theo những “cửa hàng ẩm thực di động” đang hối hả hướng về khu vực góc đường An Dương Vương – Nguyễn Văn Cừ. Nơi đây chính là “thủ phủ” của hàng rong vì có đến 2 trường đại học và 1 trường cấp 3 cũng như một số lượng lớn người lao động bình dân. Chỉ riêng khu vực đối diện cổng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có đến hàng chục “gánh” hàng rong đủ loại chiếm hết vỉa hè đến lề đường.

Thịt siêu rẻ “mối” giao
Ghé vào một chiếc xe đẩy đang nghi ngút khói ở lòng đường, chị bán hàng vừa trở thịt vừa nhìn chúng tôi vẻ mặt xởi lởi: “Thịt mới nướng còn nóng hổi, bún chả giò ngon lắm chỉ có 15.000 đồng một hộp bún, 10.000 đồng một ổ bánh mì”. Chúng tôi gọi một ổ bánh mì. Chị chủ hàng với tay lấy ổ bánh mì rọc một cái xoẹt, nhét vào mấy cọng đồ chua rồi quay sang lò nướng lấy que thịt ấn vào trong, tay này bóp chặt ổ bánh rồi rút que tre ra. Những que thịt còn lại trên bếp màu đỏ sẫm đang cháy xèo xèo, que tre thì đen xẻm vì dùng đi dùng lại nhiều lần. “Chị ướp gì mà thịt đỏ dữ vậy?”, chúng tôi hỏi. “Cái này người ta ướp sẵn vậy, mình chỉ mua về nướng bán thôi”, chị trả lời. Chúng tôi truy tiếp: “Mua đồ làm sẵn vậy bán sao có lời?”. “Người ta làm số lượng lớn nên giá mềm lắm. Chỉ từ 40.000 – 50.000 một ký thịt thôi. Họ cũng bán kèm cả nước tương, tương ớt, đồ chua luôn”, chị bán hàng vừa xịt nước tương và tương ớt vừa giải thích. Cả chai nước tương và tương ớt đều cáu bẩn và không nhãn mác. Khi chúng tôi hỏi thịt mua ở đâu với giá siêu rẻ vậy (chỉ bằng 1/2, 1/3 giá ngoài chợ), chị bán bánh mì phân trần: “Hồi mới đầu mình tự đi chợ mua về làm bán. Sau này có người đến làm quen chào giao hàng. Mình mua thử thấy bán cũng được nên mua luôn chứ không biết ở đâu, chủ yếu chỉ là điện thoại”.

 
 
Nhắm mắt mà ăn hàng rong - ảnh 1

 

Chỉ cần anh không nghĩ tới chuyện có an toàn, có đau bụng hay không là được. Ăn để sống mà

 

 
 

 

Nhắm mắt mà ăn hàng rong - ảnh 2
 

 

Hiệp, một thanh niên đang ngồi ăn trên đường phố

 

 

 

 
Cạnh xe thịt này là hàng loạt quán ăn di động khác như bánh mì chả cá, cơm chiên, mì xào, nui xào, bò bía, nước sâm, rau má… Phía trên vỉa hè, mỗi “quán” được bày trên một cái bàn nhỏ. Trên đó có đủ thứ từ cơm, mì, nui, hủ tiếu đều được nấu chín sẵn và một cái bếp gas mini. Chỉ có 14.000 đồng một hộp mì, nui xào với trứng chiên; xào với thịt bò là 15.000 đồng; nếu ăn cơm còn được khuyến mãi thêm canh. Khi chúng tôi hỏi thịt bò gì mà rẻ thế, chị chủ hàng này tỏ ra bực bội nói chỏng: “Mua ở chợ. Bán rẻ không thích sao mà hỏi”. Những miếng thịt bò còn sống được đựng trong một hộp nhỏ có màu nhờn nhợt.
Ở góc đường Ngô Thời Nhiệm và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3) cũng nui, mì, hủ tiếu, bột chiên, bánh mì, bún riêu, bún bò… Chỉ có một cái chảo được dùng để chiên tất cả mọi thứ nên lúc nào nó cũng nghi ngút khói. Khói có mùi hăng của những gia vị, mì, bột vụn còn sót lại bị cháy đen. Đồ ăn ở đây có giá từ 15.000 đồng nếu xào với trứng và 20.000 đồng/hộp nếu xào với thịt bò. Từ khoảng 10 giờ 30 những xe hàng lưu động này đã bắt đầu đông khách, các học sinh vừa ra khỏi cổng trường là sà vào. Từ khoảng 15 giờ khu vực này càng thêm nhộn nhịp vì có thêm các món “đặc sản” khác như: bò nướng lá lốt, khô các loại, bánh tráng trộn, phá lấu… Món phá lấu lòng heo có giá 15.000 đồng và lòng bò là 20.000 đồng. Những người bán hàng ở đây cũng cho biết nguyên liệu có “mối” mang đến giao, nên không rõ xuất xứ ở đâu.
“Em hỏi nguồn gốc thì chị… chịu”
Thời gian gần đây, các hàng quán dã chiến còn tấn công mạnh mẽ giới văn phòng. Những quán cơm bình dân, bún, mì, hủ tiếu mọc lên ở khắp nơi trong khu vực trung tâm thành phố.
Khoảng hơn một năm nay, ở góc đường Trương Định và Võ Văn Tần, cứ tầm 10 giờ “bỗng dưng” có một quán cơm mọc lên. Bên dưới những tán cây có một xe đẩy bày một số món ăn với 5 – 7 cái bàn. Giá cơm ở đây chỉ khoảng 18.000 – 20.000 đồng/đĩa. Cách đó không xa, ở góc đường Võ Văn Tần với Bà Huyện Thanh Quan là một “chuỗi” quán ăn di động. Khi trời gần đứng bóng là lúc các xe bán cơm bình dân, bún bò, bún riêu đẩy ra và dọn hàng “sau ngọ”. Mấy tủ điện gần đó được tận dụng chắn gió để bắc nồi cơm. Cộng với 5 – 7 chiếc bàn chiếm hết cả vỉa hè. Vậy là thành một quán ăn.
Một nhóm 3 thanh niên đang ngồi ăn tại đây cho biết ăn thế này cho tiết kiệm. “Chỉ cần anh không nghĩ tới chuyện có an toàn, có đau bụng hay không là được. Ăn để sống mà anh”, Hiệp – một thanh niên trong nhóm chia sẻ. Cả nhóm vừa ăn vừa kêu nóng, nắng. Giữa trưa, xe cộ tấp nập ngược xuôi, khói bụi, tiếng bát đĩa loảng xoảng, ngay cạnh là bịch ni lông lớn đổ thức ăn thừa. Một thau nước nhoáng mỡ dùng để rửa chén, bát để phục vụ những thực khách tiếp theo.
Chị Tâm, một chủ hàng cơm di động trên đường Võ Văn Tần cho biết: “Hàng quán lớn người ta mới lấy hàng ở chợ đầu mối. Còn mình buôn nhỏ, giá bình dân, 18.000 – 20.000 đồng/đĩa cơm mà lấy hàng ở chợ đầu mối thì không có lời”. Chị thú nhận có quen với tiểu thương các chợ, chiều tối khi chợ sắp tàn chị mới đi mua đồ để được giá hời. “Có mối là các lò mổ ở Bình Dương, Đồng Nai họ mang xuống bán cho mình. Cũng có những đầu mối chuyên đi bỏ hàng cho các quán ăn người ta thấy mình bán, người ta đến làm quen rồi giao hàng cho mình. Mình xem các đầu mối của mình họ có cái gì ngon mà rẻ thì mình lấy về bán”, chị nói.
Còn chị Hương, bán cơm trên đường Trương Định, thì biện minh: “Tiền nào của đó thôi em. Bây giờ chị bán cơm bình dân phục vụ dân lao động có 20.000 đồng/đĩa mà em hỏi nguồn gốc thì chị chịu”. Chị Hương bảo ban đầu cũng thức khuya dậy sớm ra các chợ đầu mối mua nhưng giờ toàn gọi điện người ta mang tới. “Cái nào giá rẻ thì mình mua. Họ cũng mua của người khác rồi bán lại cho mình. Một quán dã chiến như vậy cũng cần 4 – 5 người phục vụ, mỗi ngày bán chừng 150 – 200 đĩa thôi. Nhưng mà nói chung chị cũng cố gắng làm cho ngon lắm rồi. Em thấy quán chị đâu phải dân lao động không mà cả dân văn phòng cũng ăn”, chị này nói.

Chí Nhân