Tìm giải pháp xây dựng lòng tin ở Biển Đông
Những diễn biến nóng liên tục gần đây trên Biển Đông một lần nữa trở lại bàn hội nghị quốc tế ở Việt Nam. Lần này các học giả mong muốn vạch ra những giải pháp.
Tìm giải pháp xây dựng lòng tin ở Biển Đông
Những diễn biến nóng liên tục gần đây trên Biển Đông một lần nữa trở lại bàn hội nghị quốc tế ở Việt Nam. Lần này các học giả mong muốn vạch ra những giải pháp.
Các học giả tham dự hội thảo quốc tế ngày 4-12 tại Hà Nội – Ảnh: Q.Trung |
Hội thảo quốc tế “Xây dựng lòng tin ở châu Á” đã diễn ra sáng qua ở Hà Nội. Hội thảo do Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức, quy tụ nhiều chuyên gia, học giả quốc tế.
“Về quan hệ ASEAN – Trung Quốc, cả hai bên đều cần không gì hơn một tiến trình quan hệ đối tác thật sự, trong đó mỗi bên có trách nhiệm quan tâm để đảm bảo giấc mơ của bên này không trở thành ác mộng của bên kia |
Tiến sĩ William Choong |
“Đường lưỡi bò” gây mất lòng tin
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – đơn vị đồng tổ chức hội thảo, cho biết môi trường an ninh ở châu Á vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro.
Nó thể hiện ở xu hướng chạy đua vũ trang gia tăng, tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền biển đảo diễn ra gay gắt, đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đơn phương và thái độ chính trị cường quyền nước lớn có xu hướng trỗi dậy, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp phương hại đến hòa bình, an ninh và môi trường sống của nhân loại.
Sự chia rẽ lợi ích và thiếu vắng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia khiến châu Á vẫn chưa có được các thỏa thuận, cơ chế hoặc cấu trúc an ninh tập thể hữu hiệu để đối phó với các thách thức đang nổi lên.
Tại hội thảo, một số học giả trong và ngoài nước thẳng thắn cho biết những hành động đơn phương của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông chính là tác nhân cản trở xây dựng lòng tin giữa các bên, và chừng nào Trung Quốc còn giữ bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý trên Biển Đông thì các quốc gia còn không tin Trung Quốc.
Trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ, TS William Choong từ Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Singapore) khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là mơ hồ và phi lý. Ông nói có ba điểm chính để gây áp lực lên “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Đầu tiên các nước ASEAN phải tiếp tục tuyên bố là “đường lưỡi bò” và các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông gây phương hại đến hoà bình và ổn định trong khu vực.
Hai là có thể chọn cách kiện Trung Quốc ra Toà trọng tài quốc tế liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo vì kiện ra toà là một hành động rất văn minh và phù hợp.
Cuối cùng, các nước cần tăng cường các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Các giải pháp xây dựng lòng tin
Nữ GS Mie Oba, từ ĐH Khoa học tự nhiên Tokyo, cho biết điều quan trọng nhất đối với nền hoà bình, ổn định của Đông Á từ trước đến nay, và đặc biệt điều làm biến đổi lớn đến môi trường quốc tế ở Đông Á chính là sự đối kháng của các nước xung quanh vấn đề chủ quyền biển đảo ở khu vực Biển Đông, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc.
Do đó, theo GS Mie Oba, điều ASEAN và các tổ chức mà ASEAN đóng vai trò trung tâm cần làm là tích cực đối thoại về vấn đề Biển Đông và hoạch định các quy phạm, nguyên tắc cơ bản ở khu vực biển đảo này như đã quy định trong Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc ký với ASEAN vào năm 2002.
Trong bài tham luận của mình, GS Đỗ Tiến Sâm từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc, thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, và TS Nguyễn Thanh Minh từ Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đề ra tám biện pháp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông.
Các biện pháp này bao gồm: hợp tác tuần tra chung; giảm bớt các hoạt động quân sự đơn phương; tăng cường khả năng hợp tác cùng phát triển trên một số lĩnh vực ít nhạy cảm; thực hiện nghiêm túc quy định của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế; thành lập các trung tâm chia sẻ thông tin; thành lập trung tâm kiểm soát an ninh hàng hải khu vực; thành lập cơ chế kiểm soát và phòng ngừa xung đột giữa ASEAN và Trung Quốc; cuối cùng là các bên có liên quan cần ký kết một văn bản cam kết không quân sự hoá Biển Đông.
Không có chuyện Trung Quốc ngừng quân sự hoá Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Shin Kawashima từ ĐH Tokyo, một chuyên gia nghiên cứu quan hệ Trung – Nhật, cho biết đừng bao giờ trông mong Trung Quốc ngừng quân sự hoá ở Biển Đông. GS Shin Kawashima phân tích rằng ông Tập Cận Bình hiện đang được lòng người dân vì đã loại bỏ được nhiều “con hổ” tham nhũng lớn. Ngoài ra, giới lãnh đạo Bắc Kinh đang gieo “giấc mộng Trung Hoa” cho người dân, trong đó nhấn mạnh rằng Trung Quốc là một siêu cường và có thể làm bất cứ điều gì. Theo GS Shin Kawashima, Biển Đông chính là một ví dụ rõ ràng để ông Tập Cận Bình khẳng định với người dân trong nước rằng “Trung Quốc hoàn toàn có khả năng làm bá chủ”. Ngoài ra, việc Mỹ không đặt căn cứ quân sự ở Biển Đông cũng là một cơ hội thuận lợi để Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hoá. GS Shin Kawashima cho biết hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc sẽ ngày càng mở rộng và dự kiến trong 5-10 năm tới sẽ đạt đến một mức độ mà không ai có thể ngăn chặn được. |