Hội nghị tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống phân bón giả, kém chất lượng do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tổ chức tại TP.Vũng Tàu ngày 4.12 đã trở thành diễn đàn bày tỏ bức xúc trước “đại dịch” này.
‘Đại dịch’ phân bón giả
Hội nghị tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm phòng chốngphân bón giả, kém chất lượng do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tổ chức tại TP.Vũng Tàu ngày 4.12 đã trở thành diễn đàn bày tỏ bức xúc trước “đại dịch” này.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), nhận định: “Tình trạng phân bón giả có xu hướng gia tăng, gây bức xúc nhiều trong doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh và bà con nông dân. Đặc biệt, khi việc làm giả này còn có sự móc nối trong và ngoài nước bằng việc cung cấp nguyên liệu xấu, kém chất lượng, đưa vào VN đóng gói quảng cáo hàng tốt gây ảnh hưởng lớn đến thị trường phân bón trong nước”.
Giới làm phân bón giả đưa vào từng đại lý với số lượng rất ít, với giá thấp hơn giá thị trường để bán cho nhanh nhằm tránh bị kiểm tra. Hoặc lợi dụng trình độ nhận thức của nhà nông còn hạn chế, cứ “tương” dòng chữ “phân bón chất lượng cao”, ghi bằng tiếng nước ngoài. Phân bón dỏm sản xuất tại Trung Quốc 100%, trên bao bì lại ghi “made in PRC”, “Technology from USA”, “Technology from Philippines”… để lừa người mua và đã thành công
Ông Đỗ Văn Phước, Chi cục trưởng Chi cục QLTT Tiền Giang
“Tương” chữ nước ngoài là lừa được
Chi cục trưởng Chi cục QLTT Tiền Giang, ông Đỗ Văn Phước cho biết, tất cả thương hiệu phân bón tại thị trường VN đều có tại Tiền Giang bởi đây là thị trường vào hàng lớn nhất nước. Thậm chí có nhiều nhãn hàng tuyên bố vào được Tiền Giang tức vào được ĐBSCL. Tuy nhiên, có đến 98% cơ sở kinh doanh (779 cơ sở) trên địa bàn tỉnh là kinh doanh, chỉ có 2% (16 cơ sở) là sản xuất. Chính vì vậy, việc “tuồn” hàng giả, hàng kém chất lượng bằng nhiều hình thức tinh vi, chuyên nghiệp vào thị trường này cũng rất lớn. “Giới làm phân bón giả đưa vào từng đại lý với số lượng rất ít, với giá thấp hơn giá thị trường để bán cho nhanh nhằm tránh bị kiểm tra. Hoặc lợi dụng trình độ nhận thức của nhà nông còn hạn chế, cứ “tương” dòng chữ “phân bón chất lượng cao”, ghi bằng tiếng nước ngoài. Phân bón dỏm sản xuất tại Trung Quốc 100%, trên bao bì lại ghi “made in PRC”, “Technology from USA”, “Technology from Philippines”… để lừa người mua và đã thành công”, ông Phước nói.
Không chỉ làm giả xuất xứ, bao bì, chất lượng kém, quảng cáo mập mờ, nhiều đơn vị làm phân bón giả còn thông qua các tổ chức, hội nông dân để đưa hàng đến nhà nông một cách hợp pháp. Ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Pháp chế – Cục QLTT cho biết, nhiều cơ sở làm phân bón giả, thông qua các hội nông dân, cho nợ hoặc chỉ thu 50% số tiền bán phân giả đó cho nhà nông với cam kết xong mùa vụ mới thu nốt. “Tuy nhiên, nếu quá trình bán đó bị kiểm tra phát hiện, họ sẵn sàng bỏ hết để rồi sang năm ra một sản phẩm mới khác, nhãn hàng khác, lại tiếp tục con đường lừa người tiêu dùng”, ông Khoa thông tin.
Một vấn đề lớn mà nhiều cơ quan QLTT đều bức xúc là theo quy định tại Nghị định 163 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp, QLTT tuy phát hiện vi phạm nhưng không xử lý được do không có thẩm quyền phạt vi phạm hành chính. Theo ông Vũ Minh Trung, đại diện Chi cục QLTT Đồng Tháp, cần sớm sửa Nghị định 163, tăng quyền hạn, chức năng cho cơ quan QLTT để mặt trận chống phân bón giả được quyết liệt, triệt để hơn.
Bán phân bón giả vài năm, sắm xe xịn
Bà Nguyễn Thị Thu, chủ Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thu Dung, đại lý cấp I cho nhiều sản phẩm phân bón tại tỉnh Bến Tre, cho biết theo quy định, phân bón NPK đúng chất lượng tỷ lệ pha trộn là 20 urê, 18-460 DP và 15 kali (gọi tắt là 20-20-15). Tuy nhiên, rất nhiều nơi không bao giờ làm đúng tỷ lệ này để thu lợi nhuận cao hơn. “Tỷ lệ không đạt, nhiều nguyên liệu chất lượng kém. Nông dân dùng phân bón giả này, đất đai như cơ thể con người bị tích tụ độc gây nhiễm bệnh, tích tụ dần, đất bạc màu mất chất, cây chết hoặc không lớn nổi”, bà Thu nói. Cũng theo bà Thu, nếu một tấn phân bón thật lãi vài chục ngàn đồng thì phân bón giả có thể thu lãi lên đến 500.000 đồng. “Mỗi ngày các đại lý nhỏ này bán khoảng 100 tấn, coi như nắm trong tay 50 triệu đồng tiền lời. Điều này không quá khó hiểu khi các chủ đại lý cấp 2, 3 vài năm đã sắm được xe hơi Lexus rồi”, bà Thu thông tin.
Đồng quan điểm này, bà Huỳnh Thị Kim Hoàng, chủ DNTN Kim Hoàng, chuyên mua bán phân bón, thuốc trừ sâu tại H.Châu Thành (Đồng Tháp) cũng cho hay: “Vì nhu cầu lớn nên phân bón NPK bị làm giả, kém chất lượng với số lượng rất lớn. Trong vòng 5 năm trở lại đây, sản lượng bán ra của các đại lý cấp 1 nói chung giảm đến 50% doanh số. Lúc trước mỗi năm tôi bán ra thị trường Đồng Tháp khoảng 10.000 tấn NPK có thương hiệu rõ ràng, năm nay chỉ hy vọng đạt 4.000 tấn”. DNTN Thu Dung ở Bến Tre từ doanh số 4.000 – 5.000 tấn/năm, nay chỉ đạt trên 1.500 tấn. Theo bà Thu, NPK thật bán giá 12.665 đồng/kg, trong khi hàng kém chất lượng chào giá đại lý 9.400 đồng/kg. “Chênh lệch giá thu vào kiểu đó nên nhiều đại lý nhỏ lẻ bất chấp mua ngay, bán tháo hàng nhanh để thu lãi lớn, nhanh”, bà Thu nhận xét.
Lý giải điều này, ông Trần Hoàng Phú, chủ đại lý (cấp 2) bán lẻ phân bón tại xã Nhân Ái, H.Phong Điền (Cần Thơ) đặt vấn đề bằng hai câu hỏi với các cấp QLTT: “Giá mỗi bao phân trên dưới 600.000 đồng, họ đến chào với giá 500.000 đồng với lời giải thích là các thương hiệu lớn thường chi nhiều cho đại lý cấp 1, chi nhiều cho quảng cáo thị trường, nên giá thành đội lên, chúng tôi làm NPK theo đúng tỷ lệ 20-20-15 có giấy chứng nhận của các cơ quan đo lường chất lượng, giá lại mềm hơn… Tôi hỏi thật mấy anh, là người kinh doanh, các anh có mua về để bán không?”. Ông Phú cho rằng, cơ quan quản lý không làm chặt từ đầu nhập khẩu vào khiến nhà kinh doanh tại các vùng sâu như ông gặp nhiều khó khăn. Theo ông Phú, phân bón từ Trung Quốc vào VN qua cửa khẩu Lào Cai, được đưa từ Lào Cai, về Hà Nội, vào miền Nam, xuống tận xã Nhân Ái (H.Phong Điền, Cần Thơ) của ông, hoàn toàn không có nhãn phụ. Song khi QLTT kiểm tra, ông bị phạt ngay. “Tại sao khi hàng cho nhập vào từ Lào Cai, chúng ta không có quy định nhà nhập khẩu phải có nhãn phụ mới cho nhập. Để rồi vận chuyển hàng đi từ Bắc vào Nam, đi phạt đại lý nhỏ lẻ, xử lý đầu ngọn là sao?”, ông Phú đặt câu hỏi.
Trước bức xúc từ chính các cơ quan QLTT và nhiều doanh nghiệp, ông Đỗ Thanh Lam cho biết sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung kiến nghị của các đơn vị QLTT.
Dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả len lỏi vào tận bản làng
Tại hội nghị sơ kết tháng cao điểm về kiểm tra, xử lý các mặt hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) diễn ra hôm qua 4.12, ở Hà Nội, ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại hàng giả (BCĐ 389) cho biết, nạn buôn lậu, vận chuyển trái phép diễn ra ở hầu hết các tuyến biên giới, đường bộ, các thành phố lớn, cảng biển… “Chỉ tính từ 15.7 – 15.10.201515.7 – 15.10.2015,riêng lực lượng hải quan đã bắt 22 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép tân dược, mỹ phẩm, TPCN không đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy phép trên các tuyến đường biển, hàng không. Trong tháng 9.2015, Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan khi kiểm tra 2 container của Công ty TNHH đầu tư, sản xuất, xuất nhập khẩu Mỹ đã phát hiện số hàng vi phạm lên tới gần 8.000 lọ, 395 túi TPCN, trên 20.000 lọ và túi mỹ phẩm các loại… trị giá khoảng 4 tỉ đồng”, ông Trần Hùng cho biết. “Chỉ tại riêng TP.HCM thôi, có trên 200 container đang được giữ thì có 1/3 là hàng mỹ phẩm, TPCN đưa lẫn vào”, ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh văn phòng BCĐ 389 quốc gia thông tin thêm.
Ông Trần Đăng Ninh, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Nghệ An cho rằng, nạn buôn lậu, kinh doanh hàng dược phẩm, TPCN giả đã len lỏi lên cả các vùng miền núi, dân tộc. Các đối tượng kinh doanh vào tận các xã, bản, “chỉ cần chút quà nho nhỏ là được thoải mái tổ chức bày bán”. Trong khi đó, lực lượng chức năng chống buôn lậu, QLTT thì mỏng, khi phát hiện đến nơi kiểm tra thì họ đã cao chạy xa bay.
Đại diện các lực lượng chống buôn lậu ở cả T.Ư và địa phương đều cho rằng, những vướng mắc trong xử lý hàng mỹ phẩm, TPCN, dược phẩm giả… chủ yếu là thiếu hướng dẫn, quy định từ Bộ Y tế, quy định chưa chặt chẽ về quản lý hoá đơn, nhãn hàng nhập khẩu; mức phạt hành chính quá thấp với một số mặt hàng.