29/11/2024

‘Cơn sốt’ tác giả trẻ: Người đọc thấy mình trong sách

Chính sự thành công của những tác giả trẻ như: Hamlet Trương, Anh Khang, Iris Cao… đã truyền cảm hứng, giúp người trẻ lạc quan trong cuộc sống.

 

‘Cơn sốt’ tác giả trẻ: Người đọc thấy mình trong sách

 

Chính sự thành công của những tác giả trẻ như: Hamlet Trương, Anh Khang, Iris Cao… đã truyền cảm hứng, giúp người trẻ lạc quan trong cuộc sống.




Anh Khang, Iris Cao, Hamlet Trương (từ phải qua) giao lưu với độc giả trong một hội sách - Ảnh: X.P

 

Anh Khang, Iris Cao, Hamlet Trương (từ phải qua) giao lưu với độc giả trong một hội sách – Ảnh: X.P

 

Sức hút

Trong cuốn Cảm ơn người đã rời xa tôi, tác giả Hà Thanh Phúc chỉ viết về những cảm xúc cá nhân, những câu chuyện tình yêu, cuộc sống của bạn bè Phúc. Thế nhưng tập truyện ngắn này đã được nhiều bạn đọc đồng cảm, và tái bản chỉ sau hai tuần phát hành.

 

 

 

Nổi tiếng như sao

 

 
Một trong những yếu tố giúp tác phẩm của các tác giả trẻ nhận được sự quan tâm theo dõi của độc giả chính là họ sở hữu những trang cá nhân với lượt theo dõi rất lớn. Có thể kể như: Hamlet Trương có hơn 159.000 lượt theo dõi trên Facebook, có đến 244.000 người theo dõi tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Thạch. Gào có hơn 2 triệu lượt theo dõi trên các mạng xã hội Facebook và Instagram… Thế nên, Nguyễn Ngọc Thạch cho rằng trong thời điểm hiện nay, để ra một cuốn sách và nổi tiếng, không quá khó. Vì các tác giả trẻ có được sự hỗ trợ lớn từ những kênh tương tác trên mạng. Điều này tạo ra một thế hệ tác giả trẻ được nhìn nhận như những “người nổi tiếng” với nhóm độc giả, tạm gọi bằng từ “fan” đông đảo, trung thành, luôn ủng hộ cho các tác phẩm của thần tượng mình.

 

 

Lý giải sức hút và thành công của tập truyện này, Hà Thanh Phúc cho rằng: “Có lẽ sách được yêu thích vì những câu chuyện được phản ảnh qua lăng kính lạc quan. Cũng là những chuyện tình buồn, chia tay, nhưng không còn những cảm giác khó chịu, khổ đau vật vã, mà những nhân vật trong truyện đón nhận nỗi buồn một cách nhẹ nhàng, bình thản”.

Siêu mẫu Thanh Hằng cũng nhận xét: “Đằng sau nỗi buồn trong Cảm ơn người đã rời xa tôilà một tinh thần lạc quan, mới mẻ hơn. Đọc sách của Phúc, một lần nữa, tôi lại cảm thấy quý trọng những gì mình đang có, thêm trân trọng những yêu thương xung quanh mình”.

Hay cuốn Cà phê cùng Tony,sách bán được hơn 20.000 bản chỉ sau 5 tháng, cũng là nguồn cảm hứng cho giới trẻ khi đề cập đến tinh thần tự học, luôn nỗ lực vươn lên, dám nghĩ dám làm của người trẻ. “Tôi đọc sách này và đã có thể tự tìm ra đáp án cho câu hỏi mà bản thân cứ hoang mang mãi, đó là làm sao có thể tự định nghĩa chính mình giữa thời đại của vật chất, sự đảo lộn của nhiều giá trị chung quanh. Những thông điệp trong cuốn sách đã giúp tôi hiểu về những giá trị sống, biết được thế nào là thành công, cũng như nhận ra bản thân mình cần cố gắng học tập và làm việc để đóng góp sức lực, trí tuệ cho bản thân và cộng đồng”, Bích Hương – sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho biết.

Để thành công…

Chính sự thành công đã “tạo đà” cho những tác giả trẻ “khuấy động” văn đàn, cho ra đời nhiều tác phẩm phong phú, đa dạng hơn, nhiều thể loại hơn, và đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của bạn đọc.

Nguyễn Ngọc Thạch (tác giả Lòng dạ đàn bà, Chênh vênh 25...) nói: “Để có sách bán chạy trên thị trường thì tác phẩm cũng phải tạo dấu ấn cá nhân trong cách viết, điều này giúp độc giả không lẫn lộn họ giữa muôn vàn những giọng văn khác. Tác giả cũng phải cầu thị, hiểu rằng thị trường ngoài kia đang ưa chuộng điều gì và cung ứng cho người đọc những điều đó. Bên cạnh những giá trị giải trí của tác phẩm thì tác giả cần lồng ghép những thông điệp ý nghĩa nhằm tác động và làm thay đổi tư duy, quan điểm sống của người đọc theo hướng tích cực. Nếu kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố này thì sẽ tạo nên sự thành công cho tác phẩm”.

Ray Đoàn Huy (với tác phẩm Im lặng để yêu) thì chia sẻ kinh nghiệm, khi viết cần cân nhắc một cách hài hòa giữa hai yếu tố: tính cá nhân và xu hướng người đọc. Nếu đề cao tính cá nhân trong tác phẩm sẽ khó được các nhà xuất bản chấp nhận, còn viết theo xu hướng người đọc thì dễ đánh mất bản sắc riêng, dễ bị rập khuôn theo người khác.

Còn tác giả Hà Thanh Phúc cho rằng: “Sách của giới trẻ đang tạo cơn sốt thật sự. Nhưng để được thành công, sách tạo được dấu ấn trong lòng bạn đọc thì tuỳ vào khả năng của mỗi người. Mỗi tác giả phải nghiêm túc nhìn nhận việc ra sách có phải một công việc để theo đuổi, học tập, làm mới bản thân hay chỉ đơn thuần là một cuộc dạo chơi rồi biến mất. Cần nghiêm túc với từng tác phẩm, chứ không thì chỉ cần một đến hai năm sẽ tự khắc mất đi lòng tin từ người ủng hộ”.

'Cơn sốt' tác giả trẻ: Người đọc thấy mình trong sách - ảnh 1

Mình thường chọn mua và đọc sách của tác giả trẻ VN. Vì nội dung gần gũi với đời sống của chính mình, thấy mình trong những câu chuyện, chứ không mơ hồ, ảo tưởng như trong truyện ngôn tình Trung Quốc, cũng không có cảm giác lạ lẫm, không hiểu tác giả nói gì như khi đọc sách của tác giả lớn tuổi.

Nguyễn Thị Kim Cương (nhân viên văn phòng)

'Cơn sốt' tác giả trẻ: Người đọc thấy mình trong sách - ảnh 2

Một điều mà các tác giả trẻ cần phải có, phải lưu tâm, đó chính là sự chuyển dịch và mở rộng. Chuyển dịch trong tư tưởng, trong nhận thức, và mở rộng về tri thức, về sự trải nghiệm. Được như vậy thì sẽ cho ra đời những tác phẩm hay hơn, ấn tượng hơn, thu hút bạn đọc nhiều hơn.

Nhật Phi (tác giả tập truyện dài Người ngủ thuê, tập truyện ngắn Nhật ký một người cô đơn)

'Cơn sốt' tác giả trẻ: Người đọc thấy mình trong sách - ảnh 3

Tác giả trẻ khi viết truyện, cố gắng chuyển tải những thông điệp ý nghĩa, tinh thần lạc quan thì dễ được bạn đọc đón nhận và yêu thích hơn.

Hà Thanh Phúc (tác giả tập truyện ngắn:Dựa vào vai em và khóc đi anh48 giờ yêu nhau, Người đàn bà điên tầng 9...)

Xuân Phương – Kim Nga