28/11/2024

Thổ Nhĩ Kỳ làm khó tàu Nga ra vào biển Đen

Các cửa ngõ ra vào biển Đen đang trở thành điểm nóng trong cuộc đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

 

Thổ Nhĩ Kỳ làm khó tàu Nga ra vào biển Đen

 

Các cửa ngõ ra vào biển Đen đang trở thành điểm nóng trong cuộc đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.




Tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ “đối đầu” tàu hải quân Nga - Ảnh: Hurriyet Daily News

 

Tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ “đối đầu” tàu hải quân Nga – Ảnh: Hurriyet Daily News

 


Căng thẳng trong quan hệ Nga – Thổ đang có chiều hướng tăng cao theo sau vụ Ankara bắn hạ máy bay cường kích Su-24 của Nga. Trong một diễn biến mới, trang tin Sputnik News hôm qua 1.12 cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã gây khó dễ cho các tàu treo cờ Nga muốn đi qua eo biển Bosphorus nối liền biển Đen với biển Marmara.

Eo Bosphorus cùng với eo Dardanelles ở phía nam là hai biển thuộc hệ thống các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ kết nối biển Đen với biển Aegea và qua đó là Địa Trung Hải. Theo Sputnik News, hàng chục tàu Nga đã bị buộc phải chờ nhiều giờ liền gần eo biển Bosphorus trước khi được phía Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh cho phép đi qua nơi này. Còn tàu bè các nước khác vẫn di chuyển như bình thường.
Trong khi đó, tờ Hurriyet Daily News đưa tin tàu vận tải Yauda của hải quân Nga đã chạm trán một tàu ngầm của Thổ khi đi qua eo biển Dardanelles để hướng về biển Đen. Đoạn clip do Đài RT cung cấp cho thấy cảnh tượng đầy căng thẳng diễn ra tại thành phố Canakkale, trên bờ nam của Dardanelles, ở đoạn hẹp nhất của eo biển. Tàu ngầm Thổ được hộ tống bởi một tàu tuần duyên đã di chuyển sát tàu Yauda. Diễn biến này xảy ra sau khi có tin hai tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ bám đuôi tuần dương hạm Moskva của Nga ngoài khơi tỉnh Latakia ở Syria.
Theo Công ước Montreux 1936 quy định về chế độ các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara có quyền đơn phương đóng cửa các eo biển đối với các tàu chiến nước ngoài trong thời chiến nếu Thổ Nhĩ Kỳ là một bên tham chiến hoặc cảm thấy bị đe doạ bởi nguy cơ chiến tranh sắp xảy ra. Tuy nhiên, sau khi xảy ra các sự cố trên, Sputnik News dẫn lời giới phân tích cho hay việc Thổ Nhĩ Kỳ làm khó dễ các tàu hàng Nga là vi phạm thông lệ quốc tế và việc đơn phương đóng cửa eo biển Bosphorus đối với các tàu chiến vào thời điểm này cũng sẽ vi phạm luật pháp quốc tế.
Trên thực tế, nếu không đi qua được các eo biển trên, nỗ lực của Moscow nhằm triển khai thêm quân hoặc cung cấp quân nhu cho các đơn vị chiến đấu ở Syria sẽ bị giới hạn. Việc Thổ Nhĩ Kỳ phong toả các eo biển, nếu xảy ra, sẽ khiến cuộc đối đầu giữa nước này với Nga leo thang nghiêm trọng. Và cũng không loại trừ khả năng Nga sử dụng vũ lực để mở lại tuyến đường hàng hải từ biển Đen ra Địa Trung Hải.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30.11 cáo buộc Ankara cố tình bắn rơi máy bay Nga để bảo vệ nguồn cung cấp dầu từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) cho nước này. “Chúng tôi nhận được thông tin bổ sung xác nhận rằng dầu mỏ, được sản xuất tại các khu vực nằm trong tay IS và các tổ chức khủng bố khác, đang được vận chuyển với quy mô công nghiệp vào Thổ Nhĩ Kỳ”, theo AFP dẫn lời ông Putin bên lề hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu ở Paris. Ngay lập tức, Thông tấn xã Anatolia dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tuyên bố sẽ từ chức nếu phía Nga chứng minh được cáo buộc đó.

Thuỵ Miên