28/11/2024

Nền nông nghiệp trông chờ ‘giải cứu’

Hàng trăm tấn chuối ở Vĩnh Phúc đến mùa thu hoạch có nguy cơ chặt bỏ cho bò ăn do không có thương lái vào mua khiến vấn đề đầu ra cho nông sản lại nóng lên.

 

Nền nông nghiệp trông chờ ‘giải cứu’

 

Hàng trăm tấn chuối ở Vĩnh Phúc đến mùa thu hoạch có nguy cơ chặt bỏ cho bò ăn do không có thương lái vào mua khiến vấn đề đầu ra cho nông sản lại nóng lên.




Có thời điểm thanh long chỉ còn 1.000 đồng/kg - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Có thời điểm thanh long chỉ còn 1.000 đồng/kg – Ảnh: Diệp Đức Minh

 


Đến nay, trên 130 tấn chuối tại Vĩnh Phúc đã được một số tổ chức, tỉnh Đoàn, cá nhân “giải cứu” thành công. Họ đã tổ chức nhân sự, xe về tận nơi thu mua chuối của bà con với giá khoảng 50.000 đồng/buồng, mang lên thành phố, mang đến một số địa phương lân cận để tiếp thị bán hết sạch trong hai hôm sau đó.

 
 
Nền nông nghiệp trông chờ ‘giải cứu’ - ảnh 1

 

Để thương lái Trung Quốc vào tận vườn mình mua rồi bán thì doanh nghiệp thua rồi. Tại sao doanh nghiệp lại không sang tận Trung Quốc, nắm được nhu cầu trực tiếp của thị trường rồi quay trở lại cùng nhà nông tổ chức trồng thế nào cho hiệu quả?

 

 
 

 

Nền nông nghiệp trông chờ ‘giải cứu’ - ảnh 2
 

 

GS-TS Võ Tòng Xuân

 

 
Điều đáng nói là trong khi chuối ế và đối diện nguy cơ chặt bỏ cho heo, bò ăn thì tại các thành phố, giá chuối vẫn không hề thay đổi. Ở chợ, chuối già được bán từ 11.000 đồng/kg, chuối sứ 12.000 đồng/kg, chuối giả giống Laba từ Đà Lạt có giá từ 20.000 đồng/kg, chuối cau 18.000 – 20.000 đồng/kg, chuối nhập Doly chủ yếu bán trong các siêu thị, giá từ 36.000 – 43.000 đồng/kg.
“Giải cứu”… khắp nơi
Câu chuyện giải cứu trong nông sản với chuối ở Vĩnh Phúc không phải là trường hợp đầu tiên. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, ngành nông sản chứng kiến nhiều cuộc “giải cứu” tương tự.
Gần đây nhất vào tháng 9 là cuộc “giải cứu” 1.500 tấn thanh long tại Bình Thuận khi thương lái Trung Quốc ngưng mua và giá thanh long rớt xuống chỉ 1.000 đồng/kg. Đáng nói hơn, hầu như vào mùa thu hoạch thanh long năm nào cũng xảy ra những cuộc giải cứu thế này.
Trước đó 2 tháng là cuộc giải cứu gần 40.000 tấn vải thiều ở Lục Ngạn khi giá vải thiều bán tại vườn rớt từ 20.000 đồng xuống còn 3.000 đồng/kg sau sự ra đi không kèn không trống của thương lái Trung Quốc. Rầm rộ nhất là cuộc “giải cứu” hành tím Sóc Trăng với số lượng lên 150.000 tấn. Các hệ thống siêu thị BigC, CoopMart và nhiều diễn đàn, cá nhân trên Facebook tại thời điểm đó đã đồng loạt kêu gọi người tiêu dùng. Sau khoảng 2 tuần, cuộc “giải cứu” hành tím về đích.
Có thể thấy, “giải cứu” nông sản ban đầu chỉ là giải pháp tình thế nhưng ngày càng được áp dụng rộng rãi với hầu hết các loại quen thuộc của VN. Hàng loạt sản phẩm của Đà Lạt như: củ dền, hành tây, khoai tây… đều từng được “giải cứu”. Hồi tháng 4 năm nay, khi hàng trăm héc ta hành tây ở Đà Lạt không ai mua phải đổ đống ngoài đồng, hệ thống siêu thị Aeon (Nhật) đã mua hàng ngàn tấn và bán lẻ trong siêu thị giá chỉ 2.900 đồng/kg.

 

 

 

 

 

Tổ chức kênh phân phối hàng nông sản chưa tốt

 

 
Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long phân tích: “Nông sản không ai mua phải đổ bỏ, nhưng giá bán tại siêu thị, chợ không thay đổi. Điều này cho thấy, tổ chức kênh phân phối hàng nông sản chưa tốt. Đã đến lúc phải có cơ quan chức năng nào đứng ra nhận trách nhiệm trước dân về vấn đề này. Chính sách liên kết 4 nhà (nhà nước, khoa học, doanh nghiệp, nông dân – PV) được đề cập gần 20 năm qua, báo cáo tổng kết năm nào cũng cho là chưa hiệu quả, chưa tốt. Vậy làm thế nào cho tốt, cho hiệu quả và trách nhiệm các nhà hoạch định chính sách này thế nào vẫn không nghe nói gì cả?”.

 

 

Ngay cả nông sản chủ lực của VN như lúa gạo cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hằng năm, cứ vào chính vụ Chính phủ phải ra tay “giải cứu” qua chương trình mua tạm trữ lúa gạo để giữ giá cho bà con nông dân. Đầu tháng 3 năm nay, Chính phủ cũng đã ký quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ đông xuân năm 2014 – 2015 tại đồng bằng sông Cửu Long do giá rớt xuống dưới sàn.

Lúng túng và bế tắc

Dù các cuộc “giải cứu” đến nay đa số thành công nhưng theo các chuyên gia, nó thể hiện một nền nông nghiệp túng lúng, bế tắc và thiếu chiến lược.

Theo chuyên gia nông nghiệp, GS-TS Võ Tòng Xuân, vấn đề nông sản “giải cứu” là hệ quả từ việc không có tổ chức sản xuất. Nhà nước mà cụ thể là Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương hầu như đã để mặc cho nhà nông muốn trồng gì thì trồng. Miễn họ không dùng đất đó để làm việc khác như xây nhà, xây xưởng là được. Thế nên, điệp khúc trồng – chặt; bán không ai mua – giải cứu… xảy ra thường xuyên. Đáng trách hơn là sau những lần được giải cứu thành công, dường như các cấp quản lý vẫn dửng dưng coi như không phải việc của mình, vẫn chưa có chiến lược đủ mạnh để tổ chức thay đổi lại tình thế. Về phía nhà nông, vẫn còn giữ tư duy quá cũ, trồng cây theo kinh nghiệm và cảm tính hơn là hướng hiện đại, hướng đến quy trình sản xuất theo GlobalGap, VietGap. “Để thương lái Trung Quốc vào tận vườn mình mua rồi bán thì doanh nghiệp thua rồi. Tại sao doanh nghiệp lại không sang tận Trung Quốc, nắm được nhu cầu trực tiếp của thị trường rồi quay trở lại cùng nhà nông tổ chức trồng thế nào cho hiệu quả?” – ông Xuân đặt vấn đề.

Ngay cả vấn đề tạm trữ lúa gạo, GS Xuân cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế. Nước xuất khẩu lớn nhất thế giới là Thái Lan không có chuyện chính phủ phải ra tay giải cứu kiểu này. Bộ Nông nghiệp Thái chọn một số loại giống lúa chủ lực để dân canh tác. Đến mùa thu hoạch, toàn bộ lúa được Bộ Thương nghiệp Thái mua vào, không bán cho thương lái. Từ kho lúa của Bộ Thương nghiệp, doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu số lượng bao nhiêu, mua lại từ đây với mức giá bảo đảm cạnh tranh và chất lượng tốt để xuất khẩu. “Thái Lan không có chuyện mua tạm trữ lúa gạo như VN”, GS Xuân nhấn mạnh. Với cách làm hiện nay, theo GS Xuân: “Rồi người Việt chỉ biết ăn gạo Thái, trái cây Thái với chất lượng ổn định và giá cạnh tranh. VN lo mất thị trường xuất khẩu nông sản nhưng ngay tại thị trường trong nước, chúng ta đang vô cùng coi thường và bỏ bê mà không có chiến lược nào cả”.

Ngày càng nhiều nông sản chờ vào 'giải cứu' - Ảnh: Nguyên Nga

Ngày càng nhiều nông sản chờ vào “giải cứu” – Ảnh: Nguyên Nga

Lấy dẫn chứng từ ngành nông nghiệp của Úc, chuyên gia nông nghiệp – TS Nguyễn Quốc Vọng cho biết, chỉ có 4% lao động của nước Úc đang làm nông nghiệp, nhưng 65% hàng nông sản Úc là xuất khẩu vì xây dựng thành công chuỗi cung ứng, trong đó chủ yếu ứng dụng công nghệ cao sau thu hoạch. Theo đó, nông sản vào vụ nhiều vẫn có thể trữ lại để bán sau đó mà không có vấn đề. “Nông sản Việt dứt khoát phải xây dựng thành công chuỗi giá trị với mục tiêu cuối cùng là có chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mới “ngóc đầu” được. Chất lượng cao bắt buộc phải nằm trong một chuỗi từ giống, phương pháp canh tác, thu hoạch, sau thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối… Vấn đề này cần có cơ chế hỗ trợ thiết thực của nhà nước thì mới làm được”, ông nói.

Nguyên Nga