29/11/2024

‘Tắc’ tách thửa đất

Luật Đất đai năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1.7.2015 đã không quy định cụ thể việc tách thửa đất nông nghiệp tại các địa phương, khiến từ đó đến nay nhu cầu tách thửa của người dân không thể thực hiện được.

 

‘Tắc’ tách thửa đất

 

Luật Đất đai năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1.7.2015 đã không quy định cụ thể việc tách thửa đất nông nghiệp tại các địa phương, khiến từ đó đến nay nhu cầu tách thửa của người dân không thể thực hiện được.




Nhu cầu tách thửa đất của người dân đang bị ách tắc	- Ảnh: Diệp Đức Minh

Nhu cầu tách thửa đất của người dân đang bị ách tắc – Ảnh: Diệp Đức Minh

“Làm kiểu này chắc chết dân”

 
 
Hồ sơ tách đất ở cũng bị “ngâm”
Không chỉ tắc quy định tách thửa đất nông nghiệp, hiện nay theo phản ánh của người dân, tại Q.Bình Tân, Q.11 và H.Bình Chánh còn xảy ra tình trạng hồ sơ xin tách thửa đất ở của người dân cũng bị “ngâm” khá lâu. Điển hình như nhiều hồ sơ xin tách thửa đất ở của người dân ở Q.Bình Tân nộp vào hợp lệ từ đầu tháng 7, phiếu hẹn ghi 20 ngày sau nhận kết quả nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. 
 

Có mặt tại UBND H.Bình Chánh (TP.HCM), chúng tôi gặp ông Mạnh đang thất thểu cầm bộ hồ sơ xin tách thửa đất nông nghiệp tại xã Bình Lợi, H.Bình Chánh ra về. Ông Mạnh cho biết đã nộp bộ hồ sơ xin tách thửa đất nông nghiệp từ ngày 20.7.2015 nhưng đến nay huyện chưa duyệt. Cụ thể, ông Mạnh xin tách thửa đất rộng khoảng 10.000 m2 làm 4 lô, mỗi lô 2.500 m2. “Theo quy định trước đây chỉ mất khoảng 20 ngày làm việc là xong nhưng tôi nộp hồ sơ hơn 4 tháng rồi vẫn chưa có kết quả. Gặp cán bộ tiếp nhận hồ sơ thì họ nói chờ quy định mới. Người dân chúng tôi hết sức hoang mang không biết phải chờ đến bao giờ và có được tách hay không”, ông Mạnh cho hay.

Tại đây chúng tôi cũng gặp nhiều người dân cầm trên tay các bộ hồ sơ xin tách thửa đất nông nghiệp ra về, vì cán bộ tiếp nhận hồ sơ cho biết có nhận cũng không thể giải quyết được do vẫn chờ hướng dẫn. “Hiện nay cái gì luật không cấm thì người dân được phép làm. Như vậy, trong luật Đất đai 2014 không quy định đối với trường hợp tách thửa đất nông nghiệp thì người dân được tách chứ sao lại cấm. Tôi đưa ra quan điểm này thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ lại nói rằng, luật Cán bộ công chức chỉ cho phép cán bộ, công chức làm những điều luật cho phép. Tôi cũng chả biết phải làm sao!”, chị Hằng – một người dân đang làm thủ tục tách thửa đất nông nghiệp – bức xúc.
Tương tự, trường hợp chị H.Th.Ng ở P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân (TP.HCM) đã nộp từ ngày 6.7. Theo phiếu hẹn đến ngày 26.7 sẽ trả kết quả, nhưng đến nay chưa có. Hay trường hợp ông Trần Văn Nam, P.Bình Hưng Hòa B, nộp hồ sơ từ ngày 7.7, phiếu hẹn ghi trả kết quả ngày 27.7 nhưng đến nay ông cũng chỉ nhận được cái hẹn vô thời hạn của cơ quan chức năng… “Tôi muốn tách thửa đất nông nghiệp để chia cho các con. Trong đó có người con mới lập gia đình, muốn tách ra ở riêng. Nhưng mấy tháng nay tôi liên tục lên hỏi kết quả thì chỉ nhận câu trả lời… chờ. Mà hỏi chờ đến bao giờ thì không ai biết. Nhà nước làm kiểu này chắc chết dân mất. Bao nhiêu việc liên quan đến đất đai giờ gần như bị đóng băng không làm ăn gì được. Trong khi chúng tôi mỏi mòn chờ không biết đến bao giờ”, ông Nam ngao ngán.
Không chỉ riêng tại H.Bình Chánh hay Q.Bình Tân mà tại 23 quận, huyện còn lại trên địa bàn TP.HCM việc tách thửa đất nông nghiệp đều bị tắc. Thậm chí có nhiều quận, huyện còn ngừng nhận hồ sơ dạng này và giải thích: “Khi nào có hướng dẫn, quy định cụ thể sẽ thông báo rộng rãi để người dân nộp hồ sơ”.
Sẽ giao về địa phương quyết
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên – Môi trường một địa phương cho biết luật Đất đai năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1.7.2015 chỉ quy định thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh về tách thửa đất ở. Đối với đất nông nghiệp chưa có quy định, hướng dẫn gì nên không thể giải quyết hồ sơ cho dân được.
Theo một lãnh đạo UBND H.Nhà Bè (TP.HCM), mặc dù nhu cầu tách thửa đất nông nghiệp của người dân rất lớn, nhưng do không cho tách nên đành chịu. Riêng đối với những trường hợp cha mẹ cho con, thừa kế, tranh chấp đất nông nghiệp trong khu dân cư hiện hữu nếu tiếp giáp đường giao thông, thường trực UBND huyện cho tách vì đất này được chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, huyện cũng chỉ giải quyết được 1 – 2 trường hợp đặc biệt. Ngoài khu vực này thì huyện đang xin ý kiến Sở Tài nguyên – Môi trường. “Người dân lên chất vấn luật không cấm thì người dân được quyền, nên cũng rất khó cho cán bộ công chức không biết trả lời sao để yên lòng dân”, vị này cho hay.
Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM, nhìn nhận hiện nay đang có tình trạng các quận, huyện chưa thể giải quyết hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp cho người dân vì luật chưa có quy định cụ thể. Trong khi đó, TP.HCM là nơi có tốc độ đô thị hóa cực nhanh, dân nhập cư về TP sinh sống và làm ăn mỗi lúc một đông nên việc tách thửa đất nông nghiệp nhu cầu rất lớn nhưng cũng rất phức tạp, rất khó quản lý. Hiện nay Bộ Tài nguyên – Môi trường đang có dự thảo để hướng dẫn điều này và sẽ sớm ban hành vì không chỉ TP.HCM mà các địa phương khác cũng đang kêu ca rất nhiều. “Theo tôi được biết nghị định sẽ ban hành theo hướng giao về các địa phương tự xử lý, ra quy định cụ thể theo tình hình thực tế chứ Bộ không ra một quy định chung để áp dụng trên cả nước” – ông Liên cho hay.

Đình Sơn