29/11/2024

Giảm quy mô sinh viên ĐH

Từ năm học tới, các trường ĐH bắt đầu giảm chỉ tiêu để tiến tới ngưng đào tạo bậc CĐ trước năm 2020 đồng thời đặt ra quy mô tối đa sinh viên chính quy nhằm tránh tình trạng các trường đào tạo quá sức.

 

Giảm quy mô sinh viên ĐH

Từ năm học tới, các trường ĐH bắt đầu giảm chỉ tiêu để tiến tới ngưng đào tạo bậc CĐ trước năm 2020 đồng thời đặt ra quy mô tối đa sinh viên chính quy nhằm tránh tình trạng các trường đào tạo quá sức.




Thí sinh nộp hồ sơ vào bậc CĐ ở một trường ĐH tại TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thí sinh nộp hồ sơ vào bậc CĐ ở một trường ĐH tại TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

35% sinh viên CĐ học ở trường ĐH

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong số hơn 200 trường ĐH trên cả nước hiện có tới 140 trường đào tạo bậc CĐ. Trong đó số sinh viên (SV) CĐ của các trường ĐH chiếm tới 35% tổng số SV bậc này trên toàn quốc.
Đáng chú ý, trong năm học 2014 – 2015 số trường ĐH có quy mô SV CĐ chính quy rất lớn như: Công nghiệp Hà Nội hơn 10.000, Công nghiệp TP.HCM hơn 6.700…
Thực tế các trường có số lượng SV CĐ lớn tập trung vào những trường vừa được Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH cấp giấy phép. Theo đại diện một trường ĐH, giấy phép hoạt động dạy nghề được cấp một lần kèm theo chỉ tiêu và được sử dụng vô thời hạn cho đến khi trường có đề xuất điều chỉnh mới.
Chẳng hạn, năm 2015 chỉ tiêu tuyển sinh chính quy do Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đăng ký là 8.500, trong đó chỉ 500 chỉ tiêu bậc CĐ. Chỉ tiêu này cũng được Bộ GD-ĐT duyệt. Trong khi đó, trường này cũng được Bộ LĐ-TB-XH duyệt tới 3.000 chỉ tiêu dạy nghề. Đến năm 2015, trường này đăng ký bổ sung một số nghề mới nên chỉ tiêu nghề tiếp tục tăng thêm 3.900.
Tương tự, bên cạnh 1.300 chỉ tiêu do Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đăng ký cũng có trên 1.500 chỉ tiêu nghề từ Bộ LĐ-TB-XH. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng được phép tuyển sinh 1.200 chỉ tiêu nghề.
Ngưng tuyển sinh CĐ trước hạn
Đại diện nhiều trường ĐH cho biết sẽ tiến tới giảm chỉ tiêu bậc CĐ ngay trong năm 2016, thậm chí chấm dứt việc tuyển sinh bậc này trước thời hạn 2020 như dự thảo quy định.
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng không đào tạo CĐ trong trường ĐH là chủ trương hợp lý. Các trường nên tập trung đào tạo từ bậc ĐH trở lên để nâng cao chất lượng. Nếu cách đây 4 năm tỷ lệ chỉ tiêu giữa 2 bậc ĐH và CĐ của trường này là 50 – 50, thì nay đã giảm xuống 75 – 25. Qua năm 2016, trường tiếp tục giảm xuống và có thể kết thúc tuyển sinh CĐ ngay trong năm học 2017 – 2018.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ủng hộ chủ trương này và cho biết: “Quy định này sẽ tác động đến chính sách phát triển nhân lực của toàn xã hội, giảm bớt tình trạng thất nghiệp do quy mô đào tạo các trường quá lớn so với nhu cầu thực tế”, thạc sĩ Sơn nói. Trường này đã giảm từ 1.800 chỉ tiêu CĐ năm 2013 xuống còn 700 trong năm nay, nhưng thực tế trường chỉ tuyển được 560. Năm tới có thể trường chỉ duy trì 3 ngành bậc CĐ và đến 2018 chấm dứt tuyển sinh bậc này.
Quy mô tối đa 15.000 sinh viên
Một điểm rất đáng chú ý trong dự thảo Quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh là quy mô SV chính quy tối đa các trường ĐH được phép đào tạo từ 8.000 – 15.000 tuỳ từng nhóm ngành.
Đại diện một trường ĐH có quy mô tuyển sinh hơn 25.000 SV nêu ý kiến: “Nếu giảm quy mô tuyển sinh xuống mức tối đa 15.000, trường phải tính đến việc tăng thêm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tới cán bộ nghiên cứu và giảng viên”.
Trong khi đó, cũng có ý kiến phản ứng khá mạnh với quy định này. Đại diện một trường ĐH cho biết hiện quy mô đào tạo của trường trên 40.000 SV. Nếu tính theo công thức xác định chỉ tiêu trong dự thảo mới của Bộ, trường này có đủ năng lực đào tạo trên 30.000 SV chính quy. Tuy nhiên, nếu dự thảo thông qua trường chỉ được phép có tối đa 15.000 SV, vậy trường này sẽ phải giảm bớt hơn nửa số lượng cán bộ giảng viên? Cán bộ đào tạo một trường ĐH khác thì băn khoăn, đâu là cơ sở để Bộ đặt ra con số tối đa này.
Giải đáp câu hỏi này, PGS-TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho hay: “Bộ căn cứ vào Quyết định 37/2013 của Thủ tướng về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ giai đoạn 2006 – 2020. Trước nay các trường tự xác định chỉ tiêu nên hiện có 11 trường ĐH vượt quy mô này nếu chỉ tính riêng tổng số SV ĐH chính quy. Các trường vượt mức này sẽ phải thực hiện giảm quy mô theo đúng lộ trình, ngay cả trường ĐH mới được nâng cấp lên từ CĐ”. Tuy nhiên theo ông Ga, việc thay đổi cách xác định tổng chỉ tiêu toàn trường sang xác định theo năng lực từng ngành đào tạo sẽ làm giảm đáng kể số SV tuyển sinh thực tế vào các trường.
Ông Ga nói thêm, ngoài các tiêu chí chung, việc xác định chỉ tiêu với ngành đào tạo sư phạm còn phải có ý kiến của cơ quan chủ quản trực tiếp. “Việc ngừng tuyển sinh bậc CĐ trong các trường ĐH mà dự thảo đề cập bao gồm cả chuyên nghiệp và nghề như đúng tinh thần luật Giáo dục nghề nghiệp”, ông Ga khẳng định. Cũng theo ông Ga, điều này sẽ hạn chế tình trạng tuyển sinh chạy theo số lượng, tập trung đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng đào tạo.
11 trường ĐH có quy mô trên 15.000 SV chính quy
Theo số liệu thống kê từ Bộ GD-ĐT năm 2015, cả nước hiện có 11 trường ĐH có quy mô SV ĐH chính quy trên mức 15.000, gồm: Cần Thơ 30.446, Nông nghiệp Hà Nội 29.919, Bách khoa Hà Nội 24.893, Công nghiệp TP.HCM 24.139, Vinh 20.283, Giao thông vận tải 20.074, Công nghiệp Hà Nội 20.016, Kinh doanh và công nghệ Hà Nội 19.476, Kinh tế quốc dân 19.085, Nông Lâm TP.HCM 16.383, Xây dựng 15.746.

Hà Ánh