Xuất khẩu phế phẩm nông nghiệp: Giá trị vàng của trấu
Khi câu chuyện ép trấu củi để xuất khẩu đã trở nên phổ biến thì việc khai thác giá trị từ trấu còn tiếp tục tiến xa hơn.
Xuất khẩu phế phẩm nông nghiệp: Giá trị vàng của trấu
Khi câu chuyện ép trấu củi để xuất khẩu đã trở nên phổ biến thì việc khai thác giá trị từ trấu còn tiếp tục tiến xa hơn.
Giờ đây, vỏ trấu còn có thể biến thành nhiều sản phẩm xuất khẩu khác như thức ăn cho lạc đà, vật liệu cách nhiệt dùng trong xây dựng, phát điện và đặc biệt là sản xuất nước sơn chống đạn, chống cháy, chống gỉ…
Bà Đinh Thị Việt Huỳnh, Phó giám đốc Sở KH-CN tỉnh An Giang, cho biết hiện bên cạnh xuất khẩu củi trấu, có doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm trấu nghiền sang Trung Đông để làm thức ăn cho lạc đà. Nhu cầu này cũng rất cao, mở ra thêm nhiều cơ hội cho phụ phẩm, phế phẩm từ cây lúa.
Còn theo bà Phạm Ngọc Xuân, Giám đốc Ban Quản lý dự án hợp tác giữa An Giang, ở Thụy Điển vỏ trấu là một loại nguyên liệu rất tốt dùng để sản xuất vật liệu xây dựng với ưu điểm nổi bật là nhẹ và có khả năng cách nhiệt cao. Chính vì vậy, có một doanh nghiệp Nhật Bản đã lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu cách nhiệt từ vỏ trấu để xuất khẩu qua Nhật.
Ở một góc độ khác, theo tính toán cứ 1 ha lúa tạo ra gần 1 tấn trấu. Lượng trấu này có thể sản xuất được 200 kWh điện (5 kg trấu sẽ tạo ra 1 kWh điện). Với hàng triệu tấn trấu thải ra ở ĐBSCL mỗi năm, năng lượng từ trấu sẽ lên đến cả tỉ kWh. Hiện nay, tại tỉnh An Giang có 2 dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện từ trấu với công suất 10 MW. Một số doanh nghiệp khác cũng đang có kế hoạch đầu tư lĩnh vực này. “Sau khi thu hoạch và xay xát, chế biến lúa gạo, tất cả chất thải như rơm, vỏ trấu đều có thể tận dụng để sản xuất năng lượng, làm thức ăn chăn nuôi, tái tạo trồng nấm cùng những sản phẩm giá trị khác. Cách làm này mở ra triển vọng hình thành cộng đồng sản xuất lúa xanh và nâng cao giá trị của chuỗi lúa gạo theo hướng bền vững”, bà Huỳnh nhấn mạnh.
Bà Huỳnh cho biết, nếu trấu trước đây là một dạng phế phẩm thì tro trấu chính là phế phẩm của phế phẩm. Ngày nay, tro trấu không chỉ dùng làm phân bón, mà với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nó còn được nghiên cứu để chiết xuất các chất như: biofuel, silicate có giá trị kinh tế rất cao. Theo bà Phạm Ngọc Xuân, với riêng chất silicate từ tro trấu, trên thị trường có giá lên đến 50.000 USD/kg.
Từ tro trấu, PGS-TS hóa học Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn sơn Kova, đã nghiên cứu sản xuất sơn nano, trong đó có một số loại sơn đặc biệt với khả năng chống đạn, chống cháy, chống gỉ và kháng khuẩn. Nguyên liệu chính để làm ra các loại sơn nano này là silicate nano từ tro trấu. PGS-TS Nguyễn Thị Hoè cũng xác nhận silicate nano có giá trị rất cao, ngoài ứng dụng cho lĩnh vực như sơn, chống thấm, còn ứng dụng trong ngành mỹ phẩm, dược phẩm, sản xuất máy vi tính…
Trong những lần triển lãm tại TP.HCM và Hà Nội, các nghiên cứu về sơn chống đạn, chống cháy, chống gỉ và kháng khuẩn của Kova đều được sự quan tâm của giới khoa học và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt là loại sơn nano từ trấu được phủ lên áo chống đạn đã giúp tăng khả năng chống đạn của áo lên nhiều lần dù lớp vải chỉ bằng khoảng 1/4 so với áo chống đạn thông thường. Điều này có ý nghĩa trong việc giảm trọng lượng của áo và tăng tính an toàn.
Còn sản phẩm sơn chống cháy nano từ trấu bảo vệ các bề mặt bê tông, thép, gỗ… trong tòa nhà dưới sức nóng của lửa lên đến 1.000 độ C trong 2 – 6 tiếng. Loại sơn kháng khuẩn được giới y khoa rất quan tâm, nó được tích hợp công nghệ nano bạc và các hợp chất hữu cơ đặc biệt tạo ra khả năng diệt đến 99% vi khuẩn trên bề mặt sơn. Khả năng diệt khuẩn của sản phẩm đã được chứng nhận tại Singapore và hiện sản phẩm đã được bán ở nước này.
Cuối cùng là loại sơn chống gỉ, có thể sơn cho các công trình dưới biển, 10 năm cũng không gỉ.
Chí Nhân – Ngô Xuân