29/11/2024

Tuyên chiến thực phẩm bẩn

Các ngành chức năng của TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn và phối hợp với các địa phương có liên quan trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuyên chiến thực phẩm bẩn

 

Các ngành chức năng của TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn và phối hợp với các địa phương có liên quan trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.




Thịt gà quá hạn sử dụng bị lực lượng chức năng bắt giữ – Ảnh: Công Nguyên


Đó là công bố của lãnh đạo 2 sở: NN-PTNT và Công thương, tại buổi họp báo hôm qua (24.11), liên quan đến vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) từ nay đến cuối năm 2015.

Gần 27.000 vụ vi phạm
Theo số liệu của Sở NN-PTNT, từ đầu năm đến nay đã xử phạt 2.697 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP với tổng số tiền phạt trên 6,1 tỉ đồng. Những loại thực phẩm thiết yếu như rau, củ, quả, cơ quan chức năng đã phát hiện 8/553 mẫu có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép. Trong 8 vụ này có 3 trường hợp phát hiện tại cơ sở sản xuất, 1 vụ tại cơ sở sơ chế – kinh doanh và 4 vụ tại các chợ đầu mối. Các mặt hàng vi phạm là cải xanh, rau dền, mồng tơi sản xuất trong nước và cả táo Trung Quốc.

 
 
Tuyên chiến thực phẩm bẩn - ảnh 1

 

Thông qua các cơ quan báo chí, chúng tôi muốn nói rằng TP.HCM tiếp tục tuyên chiến và tuyên chiến đến cùng đối với những trường hợp mua bán sử dụng chất cấm, tiếp tục làm, làm mạnh hơn nữa; phối hợp với cảnh sát điều tra, quản lý thị trường và các sở ngành có liên quan để tăng cường kiểm tra xử lý

 

Tuyên chiến thực phẩm bẩn - ảnh 2
 

 

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM

 

 
Nghiêm trọng hơn là thực phẩm ngành chăn nuôi, có đến 98/833 mẫu phát hiện tồn dư chất cấm, nhiều nhất là heo đến từ Đồng Nai với số lượng 11 lô; kế đến là Tiền Giang và Long An cùng có 4 lô; Bến Tre 2 lô; Bà Rịa-Vũng Tàu và Vĩnh Long 1 lô. Tổng số tiền phạt vi phạm trong lĩnh vực này lên đến 6,08 tỉ đồng, tuy nhiên số vụ vi phạm được phát hiện so với cùng kỳ theo thống kê đã giảm đến 344 trường hợp.
Riêng thuỷ sản, số lượng vi phạm không đáng kể, chỉ có 5/613 mẫu vi phạm, chiếm tỷ lệ 0,08%. Bên cạnh đó có 9/120 cơ sở kinh doanh vi phạm quy định về ATVSTP.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết trong 2 đợt kiểm tra hồi đầu năm, tỷ lệ vi phạm từ 18 – 22%; còn đợt kiểm tra ngày 19.11 vừa qua với trên 31 lô heo tại một cơ sở giết mổ ở Bình Chánh thì không phát hiện vi phạm. “Về mặt chủ quan chúng ta có thể mừng vì tình hình đã chuyển biến tốt. Tuy nhiên, cũng có khả năng các đối tượng vi phạm hoạt động tinh vi hơn nên khó phát hiện. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ không chủ quan mà tiếp tục tăng cường kiểm tra đột xuất, lấy mẫu và phối hợp với chi cục thú y các tỉnh, thành quản lý chặt hơn”, ông Thảo nhấn mạnh.
Còn theo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Phước Trung, việc phát hiện các vụ vi phạm ATVSTP với tỷ lệ cao cũng có nghĩa là chúng ta đang kiểm soát tốt và phần còn lại trên thị trường có mức an toàn cao.
Quản lý theo chuỗi
Với việc TP.HCM phải nhập khoảng 70 – 80% các loại thực phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân, ông Thảo nhìn nhận việc quản lý không hề đơn giản, vì heo và thịt heo được vận chuyển vào TP.HCM bằng nhiều đường và nhiều phương tiện, từ xe ô tô đến xe khách…
“Có ba đầu sáu tay thì chúng tôi cũng khó kiểm soát được hết. Chính vì vậy trong thời gian qua chúng tôi đã tăng cường phối hợp với chi cục thú y các địa phương trong công tác quản lý theo chuỗi và truy suất nguồn gốc”, ông Thảo nói. Cụ thể, khi phát hiện các trường hợp vi phạm, TP.HCM đều đã gửi hồ sơ về Chi cục Thú y và cả Sở NN-PTNT các tỉnh. Những nơi như Đồng Nai đã tái kiểm tra và phát hiện mức độ vi phạm còn cao hơn; các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An cũng có chuyển động tốt.
Ông Thảo cũng cho biết thêm, đối với trường hợp heo có sử dụng chất cấm thì theo quy định hiện hành có 2 cách xử lý là tiêu huỷ hoặc giữ lại để cho tự loại thải dần. “Dĩ nhiên các cơ sở vi phạm họ sẽ chọn cách ít thiệt hại hơn là giữ lại. Tuy nhiên, cách làm này không triệt để vì ngành chức năng phải theo dõi và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Chính vì vậy, TP.HCM đã kiến nghị với Bộ NN-PTNT nếu phát hiện vi phạm phải tiêu huỷ ngay”, ông Thảo chia sẻ. “Đối với thông tin báo chí nêu một số tiểu thương ở chợ đầu mối Hóc Môn phản ánh tại đây có đến 50% thịt heo chứa chất cấm, có thể thông tin này do cạnh tranh trong ngành mà ra. Trong kế hoạch hoạt động của mình từ nay đến hết tháng 2.2016, chúng tôi đã đưa vào chương trình tăng cường giám sát ở 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền”, ông Thảo nói.
Đối với mặt hàng rau quả, mỗi năm TP.HCM phải nhập của Lâm Đồng khoảng 400.000 tấn, Tiền Giang trên 274.000 tấn, Tây Ninh 125.000 tấn, Long An 72.000 tấn và một số địa phương khác. Ông Dương Đức Trọng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM, cũng cho biết: “Chúng tôi đã liên kết với các tỉnh này tổ chức các hoạt động như tập huấn cho nông dân sản xuất theo hướng VietGAP, kiểm tra sử dụng thuốc trên đồng ruộng, lấy mẫu thanh kiểm tra và điều tra bộ thuốc mà nông dân sử dụng. Trên cơ sở đó, chúng tôi tập trung tăng cường kiểm tra đối với những sản phẩm ở những nơi làm chưa tốt”.
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương, hằng năm TP.HCM đều tổ chức nhiều cuộc kết nối để đưa sản phẩm rau quả sạch vào hệ thống phân phối. TP cũng đang có kế hoạch phối hợp với ngành nông nghiệp, y tế để xây dựng chuỗi nông sản sạch có kèm logo, chỉ dẫn địa lý để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn.
Tuyên chiến
Trả lời câu hỏi về việc hiện nay người tiêu dùng vẫn còn tâm lý hoang mang không biết thực phẩm mình sử dụng có an toàn hay không, mua thực phẩm sạch ở đâu, ông Nguyễn Phước Trung khẳng định những sản phẩm tiêu dùng đang lưu thông trên thị trường đã được kiểm tra, kiểm soát từ các đầu mối đến hệ thống phân phối.
“Chúng tôi cố gắng loại trừ càng nhiều càng tốt những trường hợp nghi vấn. Từ nay đến Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ tập trung thanh kiểm tra, nâng cao tần suất lấy mẫu, số lượng mẫu cũng như có kế hoạch phối hợp giám sát với 7 tỉnh thành trọng điểm cung cấp rau, thịt an toàn cho TP. Thông qua các cơ quan báo chí, chúng tôi muốn nói rằng TP.HCM tiếp tục tuyên chiến và chiến đấu đến cùng đối với những trường hợp mua bán sử dụng chất cấm, tiếp tục làm, làm mạnh hơn nữa; phối hợp với cảnh sát điều tra, quản lý thị trường và các sở ngành có liên quan để tăng cường kiểm tra xử lý”, ông Trung tuyên bố.
Mua thông tin lên đến 5 triệu đồng
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết: “Nhiều vụ phát hiện sử dụng vận chuyển chất cấm, sản phẩm thịt không an toàn do dựa vào thông tin phản ánh của người dân. Trong năm 2014, chúng tôi có 104 nguồn tin và chi trả tiền mua tin với tổng số tiền lên đến trên 62 triệu đồng. Tính đến tháng 10 năm nay, đã tiếp nhận 67 nguồn tin và trả 77 triệu đồng. Theo quy định của pháp luật chúng tôi có thể trả đến 5 triệu đồng cho một thông tin có giá trị cao”.
Tại cuộc họp báo lãnh đạo Sở NN-PTNT TP cung cấp số điện thoại 2 đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân. Phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản là 08.38291382 và Chi cục Thú y là 08.39551361; di động 0903667735.

Chí Nhân