29/11/2024

Vào TPP: Thêm tổ chức bảo vệ người lao động ngoài công đoàn

Thực hiện cam kết về lao động trong TPP, sắp tới người lao động có thể chọn tham gia công đoàn hoặc tổ chức đại diện khác nếu thấy công đoàn hoạt động không hiệu quả.

 

Vào TPP: Thêm tổ chức bảo vệ người lao động ngoài công đoàn

 

Thực hiện cam kết về lao động trong TPP, sắp tới người lao động có thể chọn tham gia công đoàn hoặc tổ chức đại diện khác nếu thấy công đoàn hoạt động không hiệu quả.




Ông Trần Ngọc Vinh - Ảnh V.Dũng
Ông Trần Ngọc Vinh – Ảnh V.Dũng

“Công đoàn Việt Nam cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nếu tổ chức công đoàn mà không bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và các thành viên của mình thì người ta sẽ không tham gia

Ông Trần Ngọc Vinh

Việt Nam sẽ thực hiện cam kết về lao động trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như thế nào? Ông Trần Ngọc Vinh – uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, người vừa có chất vấn 
Thủ tướng về cam kết này – 
cho biết:

– Qua thông tin trả lời chất vấn của Thủ tướng và nghiên cứu tài liệu, chúng tôi thấy liên quan đến vấn đề này có một số đáng chú ý 
như sau.

Một là, cũng như các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao khác, TPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động, TPP chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động được nêu trong tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) mà Việt Nam là một thành viên.

Hai là, về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động, theo hiệp định, Việt Nam cũng như tất cả các nước tham gia TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở.

Điều này có nghĩa tổ chức của người lao động tại cơ sở có thể lựa chọn gia nhập Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động.

Và sẽ chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch và được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Tổ chức của người lao động, sau khi hoàn tất thủ tục nói trên, sẽ có một số quyền tự chủ nhất định phù hợp với quy định của ILO và pháp luật Việt Nam.

Ba là, TPP – trong đó có nội dung về lao động – cần được các nước thông qua theo quy trình phê chuẩn hiệp định của mỗi nước.

Thời gian khoảng hai năm để phê chuẩn hiệp định là khoảng thời gian để tất cả các nước tham gia chuẩn bị những điều kiện cần thiết để hiệp định có thể được thực thi hiệu quả. Riêng Việt Nam sẽ có thêm một khoảng thời gian là năm năm đối với một số nghĩa vụ cần có sự chuẩn bị chu đáo.

* Việc thực hiện các cam kết về lao động trong TPP có ảnh hưởng đến vai trò của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam không, 
thưa ông?

– Thủ tướng khẳng định việc thực hiện các cam kết về lao động trong TPP cũng chính là việc tiếp tục thực hiện những quy định của ILO mà Việt Nam là một thành viên.

Và cũng không ảnh hưởng, không làm hạn chế địa vị pháp lý, vai trò, chức năng nhiệm vụ và tổ chức, hoạt động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ở đây, tôi lưu ý thêm Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội được quy định tại điều 10 của Hiến pháp, đây là đạo luật gốc, những quy định tại các văn bản pháp luật khác không thể đi lệch nội dung điều 10 này.

Theo giải thích của Thủ tướng, sau khi TPP được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, đối với nội dung về lao động trong hiệp định, chúng ta sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật (có thể là nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng) để thực thi nội dung về lao động trong hiệp định, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và quy định của ILO.

* Sau khi chúng ta ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật như ông vừa nêu, các tổ chức của người lao động được thành lập mới nếu có sẽ quan hệ như thế nào với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam?

– ILO cũng như TPP luôn nhấn mạnh việc tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ hiến pháp, pháp luật của nước sở tại cũng như phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký.

Về việc các tổ chức đó có quan hệ hoặc độc lập như thế nào với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay, có hay không, chúng ta phải chờ hướng dẫn của Chính phủ. Tôi nghĩ rằng mong muốn của tất cả chúng ta là đời sống của công nhân ngày càng được nâng lên.

* Khi hiệp định có hiệu lực sẽ tác động đến tổ chức Công đoàn Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về những thách thức này?

– Hiện nay chúng ta có sáu tổ chức chính trị – xã hội, trong đó có Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam với vị trí, vai trò và chức năng như chúng ta đã biết.

Tôi nghĩ rằng Công đoàn Việt Nam cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nếu tổ chức công đoàn mà không bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và các thành viên của mình thì người ta sẽ không tham gia.

Một trong những lý do là khi tham gia thì phải đóng góp kinh phí, đóng góp rồi mà người ta thấy vào không được lợi ích gì cả, kể cả đến lúc mất việc cũng không bảo vệ nổi mà lại mất thêm một khoản tiền thì người ta sẽ suy nghĩ.

Hơn nữa, chúng ta biết rằng ngân sách cấp, chi trả lương cho bộ máy công đoàn là không nhỏ, đây là chỗ cần tính toán.

* Theo cam kết trong TPP, chỉ riêng đối với Việt Nam được có thời gian chuẩn bị là năm năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực, tức là khoảng bảy năm kể từ khi ký hiệp định đối với một số nghĩa vụ cần có sự chuẩn bị chu đáo. Ông nghĩ sao về thời hạn này?

– Đây là thời hạn phù hợp. Chúng ta càng rút ngắn được thời gian chuẩn bị càng tốt, chấp nhận ra sân chơi mặc áo đá bóng cùng người ta mà không sẵn sàng thì 
sẽ thua.

Ông Mai Đức Chính (phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam):

Ông Mai Đức Chính - Ảnh: Xuân Long
Ông Mai Đức Chính – Ảnh: Xuân Long

Thử thách lớn đối với tổ chức công đoàn

Khi TPP có hiệu lực sẽ đặt ra những thách thức rất lớn cho tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn.

Nếu công đoàn hoạt động thật sự có hiệu quả, mạnh dạn đấu tranh nói lên được tiếng nói bức xúc của người lao động thì các tổ chức của người lao động mới ra đời sẽ gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam, tạo thêm sức mạnh cho tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Ngược lại, nếu công đoàn hoạt động hời hợt, không hiệu quả, không đấu tranh cho quyền lợi của người lao động thì các tổ chức của người lao động mới ra đời sẽ không gia nhập vào Công đoàn Việt Nam mà họ tự liên kết lại để bảo vệ quyền lợi của người lao động có hiệu quả hơn tổ chức công đoàn hiện tại và chắc chắn tổ chức công đoàn hiện tại chỉ là hình thức, không có sức mạnh thật sự và đây là một thử thách vô cùng to lớn đối với tổ chức 
công đoàn.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang xây dựng chương trình hành động với năm nhóm giải pháp chủ yếu.

Đầu tiên, khâu then chốt nhất là khâu cán bộ, cán bộ công đoàn phải là những thủ lĩnh thật sự của phong trào công nhân, hiểu được nỗi khổ và thở được hơi thở của công nhân, do đó phải đổi mới công tác cán bộ đủ đáp ứng yêu cầu hoạt động công đoàn theo phương thức mới.

* Ông Nguyễn Văn Lai (chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Mtex Việt Nam – KCX Tân Thuận, Q.7, TP.HCM):

Công đoàn hiện tại phải tự làm mới mình

Việc các tổ chức đại diện cho người lao động hoạt động song song với hệ thống công đoàn hiện nay, ngoài mặt tốt là người lao động có nhiều lựa chọn nhưng cũng gây khó khăn cho hoạt động công đoàn hiện tại.

Dựa vào quy định để đấu tranh thì đúng rồi nhưng nếu chỉ có thể đảm bảo doanh nghiệp làm theo quy định, như vấn đề lương tối thiểu thì họ cũng không sống được. Công đoàn phải đấu tranh để cải thiện đời sống cho người lao động.

Đồng thời, hoạt động công đoàn cũng cần hướng đến cơ sở nhiều hơn.

Thực tế kinh phí công đoàn do người lao động đóng góp phân phối đến cấp cơ sở không đủ để chăm lo cho người lao động được thực chất.

Nhìn chung công đoàn vẫn phải chịu áp lực từ nhiều phía: doanh nghiệp, công đoàn cấp trên. Nhiều nơi có tình trạng công đoàn không làm được vai trò đấu tranh cho người lao động.

Theo tôi, từ bây giờ công đoàn phải có bước đi trước, phải tự làm mới mình, làm nhiều hơn nữa cho người lao động.

Làm sao để người lao động không cảm thấy phải lập thêm một tổ chức mới để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu cứ ngồi yên, buộc người lao động phải lập ra các tổ chức mới thì lúc đó rất khó duy trì.

* Luật sư Nguyễn Minh Tâm (phó tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam):

Ảnh: H.Điệp
Ảnh: H.Điệp

Sẽ có 2 tổ chức công đoàn hoạt động song song?

Thực tế tổ chức công đoàn trong các cơ quan tổ chức tại Việt Nam thời gian qua chưa thật sự đại diện và đứng về phía người lao động.

Từ khi Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế với vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện diện ở nhiều nơi trên khắp đất nước, nhưng ít có nơi nào tổ chức công đoàn hoàn toàn bảo vệ người lao động mà họ có xu hướng bảo vệ quyền lợi của giới chủ, bởi vậy mới xảy ra nhiều cuộc biểu tình và đình công tự phát.

Ý chí nguyện vọng của người lao động chưa được thực hiện thông qua tổ chức công đoàn thì việc thành lập một tổ chức công đoàn song song cùng tồn tại với tổ chức công đoàn hiện có là điều có thể xảy ra.

Điều đó chỉ tốt cho người lao động. Tại nơi nào mà tổ chức công đoàn hiện tại phát triển phù hợp với nguyện vọng ý chí của người lao động thì họ có thể đại diện cho người lao động tại đây và không cần phải thành lập tổ chức công đoàn khác.

Và việc thành lập tổ chức này hay không là tuỳ thuộc vào ý chí nguyện vọng của người lao động.

VŨ THUỶ – HOÀNG ĐIỆP ghi

V.V.THÀNH thực hiện ([email protected])